Em chẳng nhớ rõ từ khi nào cụm từ “selfie” (chụp hình tự sướng) lại trở nên phổ biến đến như thế. Người ta selfie khi đi chơi, đi ăn, selfie khi học, đi làm, thậm chí trước khi ngủ cũng selfie, vừa thức dậy cũng selfie… Nhìn chung selfie để ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ghi lại những kỉ niệm thì không phải là xấu, cái xấu là khi người ta không biết lựa chọn hoàn cảnh để chụp hình một cách thích hợp, thành ra lại biến tấm hình của mình thành trò cười, thành đề tài bàn tán của thiên hạ, chưa kể có khi lại bị chửi vô duyên. Nhưng hình như vẫn có những người không hiểu được vấn đề đó (hoặc cố tình không chịu hiểu), cứ thế mà chụp cho ra bằng được những tấm hình dở khóc dở cười.



Ngày 4/11 vừa rồi, cư dân mạng lại được một phen bàn tán rôm rả về tấm hình selfie của chàng trai tên Khánh, 16 tuổi, đến từ Thanh Hóa. Không biết anh chàng này “ngây thơ” đến mức nào mà lại selfie ngay một tấm hình với một ngôi nhà đang cháy rồi đăng lên facebook với một caption hết sức hốt hoảng “Ôi! Cháy rồi cả nhà ơi!”. Để lí giải cho hành động của mình, Khánh cho biết đây là một ngôi nhà hoang, bên trong chẳng có gì giá trị. Ngôi nhà được làm bằng gỗ và lá cây khô nên cháy rất nhanh, xung quanh cũng không có ai nên một mình Khánh cũng chẳng dập nổi lửa.



webtretho


"Ôi! Cháy rồi cả nhà ơi!". Nguồn: Internet



Thế nhưng lời trần tình của anh bạn này dường như không thể làm hài lòng cư dân mạng. Họ cho rằng hành động như vậy chính là một sự vô tâm, nhìn thấy cháy nhà mà vẫn có thế cười tươi rồi chụp hình khoe với mọi người. Hơn thế nữa, hành động của chàng trai này còn bị đánh giá là vô duyên, chụp hình một cách thiếu hời hợt, thiếu suy nghĩ. Bỏ ngoài tai lời nhận xét của mọi người, Khánh vẫn thản nhiên cho rằng mình chẳng làm gì sai và chẳng làm ảnh hưởng đến ai.



Chuyện giới trẻ selfie ở sai hoàn cảnh dường như không hề hiếm trên mạng xã hội ngày nay. Ngày 15/9/2013, khi trung tâm thương mại Hải Dương đang cháy lớn, khói đen bốc lên dày đặc, bà con tiểu thương đang đau đớn vì hàng hóa, vốn liếng bị bà hỏa thiêu rụi thì một đôi bạn nam lại vô tư đứng chụp hình ở phía trước, miệng cười rất tươi trông rất phản cảm.



Chưa hết, cuối năm ngoái, có hai cô gái đăng lên facebook một tấm ảnh chụp chung với chiếc xe tải bị lật ngang nằm bên đường kèm theo dòng caption “Hai chị em tớ đá bay ô tô”. Chiếc xe thì nằm chỏng chơ bên đường, chưa biết có ai bị thương hay có tổn thất gì không, chỉ thấy có hai cô gái hồn nhiên đến mức cười thật tươi, giơ ngón tay hình chữ V chiến thắng để tạo dáng chụp hình.



Đó là sự vô cảm, bình thản với việc của thiên hạ, thế nhưng thật đáng buồn khi một bộ phận giới trẻ lại vô cảm với chính việc của gia đình mình. Chả hiểu bao giờ, những tấm hình tự sướng trong hoàn cảnh “tang gia bối rối” lại trở nên hot như thế.



Trong đám tang của cha, một đàn con 5,6 đứa cùng selfie một tấm hình cười tươi roi rói, caption đúng kiểu “hạnh phúc của một tang gia”: “Chả là cha chết được chia tài sản. Chúng con vui và hạnh phúc lúc bố chết lắm, yêu bố từ giây phút này”. Rồi trong đám tang của ông, hai đứa cháu gái đăng một trạng thái tiếc thương rằng: “Nụ cười có lẽ không vui, đám tang đang diễn ra có hai con khùng trốn vào phòng chụp hình. 6 ngày nữa chôn ông rồi, ông yên nghỉ đi ạ. Cảm thấy xuống tinh thần khi ông ra đi”.



webtretho


Cùng selfie trong ... đám tang. Nguồn: Internet



Thật hoảng hốt khi ngày nay, trên mạng xã hội lại nhan nhản những hình ảnh selfie kệch cỡm đến như vậy. Con cháu chụp ảnh selfie với bàn thờ người chết, thậm chí là selfie với người thân đang nằm trong quan tài, ra đến nghĩa trang cũng diễn sâu khóc lóc để có cái đăng trên mạng, chẳng lẽ lúc ấy con người ta vẫn còn đủ tỉnh táo để nghĩ tới chuyện sống ảo hay sao?



Chẳng biết từ bao giờ lối sống và cách suy nghĩ của con người lại trở nên tha hóa như vậy? Hay đơn giản là do mạng xã hội quá phát triển, con người ta dần “phát cuồng” với việc khoe khoang ảnh lên mạng, khoe là chỉ biết khoe mà quên mất việc đó là đúng hay sai. Những hình ảnh kệch cỡm, những nụ cười vô văn hóa tràn lan trên mạng ấy khiến cho mọi người chỉ biết lắc đầu ngao ngán.



Có ý kiến cho rằng, việc họ đăng hình lên trang cá nhân của mình hoàn toàn là quyền riêng tư của họ, không ảnh hưởng đến ai và vì thế không ai được quyền phán xét. Em thấy sự chống chế này thật thiển cận. Hình tự sướng chỉ đơn giản là những tấm hình mang tính chất “giải trí” không hơn, khi chụp kiểu hình này và chia sẻ lên trang cá nhân cũng là lúc nhu cầu mong muốn nhận được sự đồng tình của con người được thể hiện rõ nhất và chắc chắn rằng, việc chụp những tấm hình ở sai hoàn cảnh chẳng thể nào nhận được sự ủng hộ từ những người biết suy nghĩ cả.



Người ta đăng hình lên mạng xã hội để mong nhận được những lời khen, những lời động viên và tán thưởng chứ không phải đăng lên để mong nhận được “gạch đá” và những lời chỉ trích. Đưa khuôn mặt của mình vào những tấm hình mà phía sau là cả một câu chuyện không hay ho gì để cười đùa thì chẳng khác nào họ đang tự bêu xấu chính bản thân mình. Chụp ảnh là một chuyện, chụp ảnh có văn hóa lại là một chuyện khác, một vấn đề tưởng chừng đơn gian thôi nhưng không phải ai cũng có đủ sự tỉnh táo để xem xét lại hành động của mình.



Nói tóm lại, chụp ảnh là nhu cầu không thể thiếu của con người, selfie thì lại càng tiện lợi hơn trong mọi hoàn cảnh. Bản thân em cũng rất hay selfie để ghi lại những khoảnh khắc đẹp hay những kỉ niệm của mình với người thân. Hình ảnh đẹp là những hình ảnh mà để mai sau ta nhìn lại vẫn có thể mỉm cười và nhớ lại những kỉ niệm đẹp của quá khứ. Đừng để mai này khi ta trưởng thành hơn, hiểu biết hơn phải nhìn lại những tấm hình ngày ấy của mình mà phải xấu hổ và ân hận.