Không bị “ăn tát” không có nghĩa là bạn không đau đớn. Sự thật là, bạo hành bằng lời nói và tinh thần trong các mối quan hệ ngày càng tăng và những tổn thương tâm lý do nó gây ra cũng rất đáng báo động. Để có thể tự giải thoát mình khỏi “niềm đau” không tên này, trước hết bạn phải nhận diện được nó đã.



Julia Morrison gặp bạn trai mình khi còn ở tuổi đôi mươi. Anh chàng đẹp trai như người mẫu quảng cáo và có chất giọng hết sức gợi cảm. Anh còn là nhà thơ kiêm hoạt động xã hội - mẫu đàn ông trưởng thành lý tưởng mà cô mong đợi sau khi chia tay với cậu bạn trai nông nổi thời đi học. Thực tế, anh ta có mọi thứ trừ việc biết thông cảm với người khác. Trong suốt thời gian 2 năm quen nhau, anh ta thường xuyên ngược đãi cô. Và đây là điều gây ngạc nhiên: cô không hề biết anh ta đang làm điều đó. Đơn giản vì không có đánh đập nên cô không biết gọi những hành vi của anh ta – khiến cô cảm thấy “phát bệnh” như làm cô bẽ mặt, giễu cợt, tránh đụng chạm thể xác – là gì.




Đôi khi bạn đang bị bạo hành mà không hề biết. Ảnh: Inmagine.


Các chuyên gia tâm lý xã hội gọi đó là sự bạo hành tinh thần, nó lan rộng trong các mối quan hệ yêu đương tương tự như sự thiếu hiểu biết về nó. Ở định nghĩa đơn giản nhất, bạo hành tinh thần là những hành vi, ngôn ngữ có ý xem thường, nhục mạ ai đó bằng cách công kích giá trị bản thân hoặc tính cách của họ. Chẳng hạn, trong khi các cặp vợ chồng bình thường có thể không đồng tình trong các khoản chi tiêu thì kiểu người bạo hành tinh thần sẽ khiến bạn đời (người yêu) của mình cảm thấy như thể anh ta / cô ta quá ngu ngốc để hiểu các vấn đề tài chính phức tạp.



Động thái đó bao gồm từ ngược đãi bằng lời nói – la hét, trách móc, làm xấu hổ, réo tên để chửi rủa – cho đến việc cách ly, ép buộc và đe dọa. Nó thường thể hiện bằng các hành động như phủ nhận, gây hoảng loạn khiến nạn nhân cảm thấy cô độc và không ra gì nữa.



Mặc dù số liệu thống kê không phản ánh đầy đủ về tình trạng ngược đãi tinh thần trong các gia đình, nhưng các chuyên gia cho rằng hơn 2/3 số cặp vợ chồng đã từng trải qua, và 1/3 trong đó thường xuyên phải sống trong tình trạng này. Những tác động do nó gây ra có thể là chán nản, lo âu và xâm hại đến lòng tự trọng cá nhân. Dù là ngược đãi công khai hay không thì nó cũng đang gặm nhấm và ăn mòn bạn, nặng nề hơn là phủ nhận sự tồn tại bình đẳng của phụ nữ.



Tình yêu bị ăn mòn




Làm như bạn không tồn tại với anh ta cũng là một kiểu bạo hành tinh thần. Ảnh: Inmagine



Ngược đãi tinh thần thực sự rất khó nhận biết. Trong trường hợp của Morrison - nay đã 39 tuổi, việc sống chung với bạn trai giúp cô có một chỗ ở ổn định nhưng cô vẫn phải tiếp tục chịu đựng những hành vi quá đáng của anh ta. Thỉnh thoảng, anh ta xem như cô không tồn tại dù rõ ràng là đã thấy cô; những lần khác khi họ đang đi cùng nhau ngoài đường, anh ta bỗng tách ra và sau đó quát tháo cô là điên rồ và quá nhạy cảm khi cô đề cập lại chuyện đó.



Ngược đãi tinh thần cũng có thể là sự đe dọa. Liz Costa, 33 tuổi từ Bounder, Colorado, cưới một người đàn ông thích kiểm soát và tính khí thất thường, có xu hướng lăng mạ người khác dù chỉ hơi bị kích động.



Anh ta không như vậy lúc họ mới quen; khi ấy, họ có thể cùng nói chuyện và chia sẻ với nhau nhiều điều, sợi dây liên kết giữa họ thực sự rất sâu đậm và bền vững. Mối quan hệ này dường như là duyên tiền định vì gia đình họ đã gắn bó với nhau từ khi họ mới được sinh ra. Thế nhưng, mọi thứ thay đổi khi cô có thai đứa con đầu lòng. Chồng cô trở nên cáu bẳn với cả những điều nhỏ nhặt nhất. Nhưng cô vẫn nghĩ chồng mình sẽ lạc quan hơn nếu tìm được việc làm, nếu cô cố gắng hơn nữa, và nếu cô may mắn tìm được cách giải quyết vấn đề giữa họ. Cô không thích cảm giác mà cô trải qua mỗi ngày, cũng như không nghĩ rằng mình đang bị chồng ngược đãi bởi vì anh ta không bao giờ đánh cô trong suốt 12 năm cưới nhau.



Điều đáng ngại là cô cảm thấy bất an. Cô luôn phải rất cẩn thận lời ăn tiếng nói của mình đối với anh ta, nếu không nó sẽ bùng lên thành một cuộc tranh cãi gay gắt. Giả dụ khi cô chia sẻ một vài điều xảy ra trong công việc với chồng và không hiểu sao cuộc nói chuyện lại khiêu khích anh ta và anh ta trở nên giận dữ. Dường như cô luôn đi trên một sợi chỉ mong manh và không biết sắp tới sẽ bùng nổ chuyện gì.



Các chuyên gia nói rằng, theo thời gian, tình trạng chênh vênh này sẽ hủy hoại người phụ nữ, làm cho họ mệt mỏi, lo âu và chán nản. Hơn nữa, phụ nữ luôn nghĩ tất cả là do lỗi của mình và suy nghĩ cắt đứt mối quan hệ này làm cho họ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Một số phụ nữ tâm sự rằng thà họ bị đánh đập vì ít nhất họ còn có thể chữa lành nó, hơn là bị bạo hành tinh thần làm cho họ luôn phải day dứt giằng co.



Bạo hành tinh thần đang leo thang



Thật khó có thể liệt kê có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành tinh thần, và bao nhiêu phụ nữ là thủ phạm. Một vài nghiên cứu phát hiện rằng hơn 35% phụ nữ đang yêu đều bị ngược đãi tinh thần và sự ngược đãi này là yếu tố rủi ro lớn nhất dẫn đến sự ngược đãi về thể xác. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, các mối quan hệ này dễ dẫn đến việc giết người hoặc tự sát và các nạn nhân thường có xu hướng tự sát.



Tệ hơn cả, những cảm xúc dẫn tới tâm lý ngược đãi đang trên đà tăng. Nhiều người ngày nay cho rằng họ quyền được hưởng hạnh phúc, và khi không được như vậy, họ tin rằng quyền của họ bị xâm phạm. Điều này làm họ nổi giận và hằn học. Người có xu hướng bạo hành tinh thần thường chạy theo vòng xoáy của sự oán giận và bất lực này, anh ta cảm thấy bị đối xử không công bằng, không được chú ý, ủng hộ và phục tùng. Anh ta sau đó cảm thấy cần phải giải tỏa bằng cách trừng trị người gần nhất, chính là người bạn đời của anh ta.



Mù quáng vì bị ngược đãi




Có thể bạn không nhận ra rằng mình đang là nạn nhân bạo hành tinh thần của chính người yêu hay chồng mình. Ảnh: Inmagine



Khi một người phụ nữ phát hiện cô đang bị ngược đãi tinh thần trong mối quan hệ của mình, cô thường rất ngạc nhiên. Nhiều phụ nữ phân bua là mối quan hệ của họ bắt đầu không như vậy và trong hầu hết thời gian thì mọi việc đều rất tốt. Sự ngược đãi lập đi lập lại làm cho họ mất cảm giác và khiến nó trở thành chuyện bình thường.



Và sự bạo hành có thể xảy ra rất bất ngờ. Karla Hanauer ở Atlanta đã từng trải nghiệm tình trạng bạo hành tinh thần khi ở độ tuổi từ 19- 21. Bạn trai cô hơn cô 8 tuổi, và trong tháng đầu hẹn hò, anh ta yêu cầu cô ngủ với anh ta mặc dù cô không có ý định quan hệ tình dục trước hôn nhân.



Hồi tưởng lại, cô nghĩ anh ta đã cố gắng thuyết phục cô ta quan hệ tình dục. Và khi đã đạt được mục đích, anh ta tặng cho cô một chiếc nhẫn có khắc tên mình trên đó. Sau đó anh ta quy tội cho cô là kẻ phản bội khi cô gặp gỡ người khác, kể cả mẹ của cô, và nổi cơn thịnh nộ khi cô nói chuyện với người đàn ông khác. Hiển nhiên là Karla sớm bị cách ly với bạn bè và gia đình, bởi vì điều này dễ dàng hơn là việc giải quyết sự kết tội cay nghiệt của anh ta. “Anh ta là một chuyên gia trong việc tách tôi ra khỏi cuộc sống của chính tôi”, cô thổ lộ.



Karla từng là một phụ nữ hiện đại đúng nghĩa. Cô mạnh mẽ, thông minh và đã từng là sinh viên xuất sắc hồi còn đi học. Cô cũng có lối sống rất lành mạnh, không uống rượu, sử dụng chất kích thích hay có bất kỳ điều liên quan đến bệnh thần kinh hay việc yêu một người “cục súc”. Karla thừa nhận cô bị sốc khi nhớ lại toàn bộ sự việc và cảm thấy cô như thể không còn là chính mình nữa.



Phụ nữ đang sống trong tình huống ngược đãi tinh thần thường cảm thấy như bị cài bẫy, và họ thay đổi cách họ cư xử, nói năng, ăn mặc, ứng xử xã hội và thậm chí cả công việc trong nỗ lực né tránh những hành vi, ngôn ngữ gây tổn thương. Kết quả là, họ dần đánh mất cá tính của chính mình.



Teresa Haward, 30 tuổi, có một người bạn trai thường kết tội cô là người bừa bãi vì đã từng hẹn hò với người đàn ông khác. Anh ta bỏ đói cô và nói rằng anh muốn cô ta gầy mảnh khảnh như bạn gái trước đây của anh ta. Anh ta không ngừng đặt câu hỏi về tình yêu của cô và thậm chí gọi cô là ‘cái ngữ ấy”, chẳng hạn “Mẹ tôi không nuôi tôi tới chừng này để ở với “cái ngữ ấy”". Khi người nhà hay bạn bè gọi cho cô, anh ta nói họ làm mất thời gian của anh ta mặc dù anh ta và Haward vẫn sống cùng nhau.




Cuối cùng cô bỏ công việc làm báo của mình, bởi vì anh ta không muốn cô làm việc (anh ta nghĩ công việc chiếm quá nhiều thời gian của cô) và càng lún sâu vào cái bẫy của anh ta. Những người bạn của cô ghét phải chứng kiến điều này và ngừng tiếp xúc với cô, kể cả những người anh ruột của cô, dù họ sống gần đấy. Và cô đã quá xấu hổ để nói với bố mẹ những điều cô ta đang gặp phải.



“Tôi đã đi từ trạng thái hạnh phúc sang trạng thái suy nhược không thể tin được”, cô nói. “Mỗi sáng thức dậy tôi đều khóc. Tôi cảm thấy rằng tôi là người thất bại, và có lẽ mọi thứ anh ta nguyền rủa tôi đều là sự thật. Lòng tự trọng của tôi chỉ như cái đầu kim.”