(Dân trí) – Có nhiều phụ huynh khi cho con tiêm chủng phòng bệnh lại ngại đến các cơ sở y tế, mà mời nhân viên y tế về nhà tiêm chủng cho bé. PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh, không nên tiêm chủng tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ.


Thưa ông, ông có thể giải thích vì sao không nên tiêm vac-xin cho trẻ tại nhà?


Tôi xin khẳng định, chúng tôi không khuyến khích việc tiêm chủng dịch vụ tại nhà. Cha mẹ đừng ngại đưa con đi tiêm chủng, mà lại nhờ các y bác sĩ đến nhà để tiêm, điều đó không nên.



Thứ nhất, vac-xin là một sinh phẩm đặc biệt cần phải bảo quản chặt chẽ trong dây truyền. Ở tại điểm tiêm chủng có đầy đủ các phương tiện để bảo quản vac-xin theo đúng nhiệt độ quy định.



Còn khi mời nhân viên y tá về nhà tiêm cho con bạn, thì không có gì đảm bảo rằng trên cả tuyền đường đi đến nhà bạn, vac-xin đó được đảm bảo tốt cả, nó có thể được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh hoặc không đủ nhiệt.



Thứ hai, tiêm vac-xin là tiêm một tác nhân lạ vào trong cơ thể nên có tỷ lệ phản ứng nhất định (các vac-xin hiệu quả nhất cũng có thể gây phản ứng, nhưng các phản ứng này thường nhẹ và tự mất đi), nếu khi xảy ra tại nhà bạn sẽ không có đủ phương tiện để xử trí.



Trong khi đó, tại nơi tiêm chủng, luôn có đảm bảo tốt nhất con bạn sẽ được xử trí kịp thời nếu không may xảy ra phản ứng. Do vậy, chúng tôi kiến nghị các bậc cha mẹ nên đưa con em đến điểm tiêm chủng, tiêm tại điểm tiêm chủng vừa có vac-xin đảm bảo vừa có thể cấp cứu khi có sự cố xảy ra.



Ca tai biến vac-xin tại TPHCM, nhân viên y tế có tụ cầu vàng mà không biết. Vậy xin ông cho biết công tác kiểm tra sức khoẻ cho những người tiêm chủng được thực hiện như thế nào? Có thường xuyên không?


Những quy định hiện hành của chương trình TCMR về an toàn tiêm có hiệu quả và đạt giá trị. Trước khi tiêm phải khám và phân loại trẻ em để chỉ định và chống chỉ định. Khi tiêm phải sử dụng bơm kim tiêm vô khuẩn và nhân viên y tế phải rửa tay bằng xà phòng trước khi tiêm.



Tôi vẫn nói lại sự cố này là một hy hữu, nhân viên y tế có tụ cầu vàng mà không biết, đã thực hiện đúng quy trình mà vẫn lây lan. Quy định này đã được đề ra từ lâu và sẽ càng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn việc thực hiện các quy định về an toàn tiêm chủng.



Việc khám bệnh thường xuyên cho nhân viên tiêm chủng là điều cần thiết. Trong đội ngũ y bác sĩ trực tiếp tiêm phải sàng lọc, những người nào có bệnh thì không được nhận công tác này.



Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ định kiểm tra sức khoẻ của đội ngũ tiêm chủng tại TPHCM. Nhưng ngược lại cũng phải nhấn mạnh, tiêm chủng là hoạt động phải bao phủ một đối tượng hàng triệu trẻ trên tất cả các xã phường trên cả nước, không phải nơi nào cũng có những điều kiện tiêm chủng hoàn chỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn giải pháp: yêu cầu phải rửa tay trước khi tiêm, đeo khẩu trang là những cái tối thiểu.



Chúng ta cần cân nhắc giữa những quy định tối thiểu để đảm bảo an toàn cho mũi tiêm, thứ hai là những khả năng thực thi, khả dĩ để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng ở tỷ lệ cao nhất và ở mọi miền.



Vậy ông đánh giá như thế nào về sự cố xảy ra do tiêm chủng với 6 trẻ ở TPHCM? Liệu sự cố này có ảnh hưởng nhiều đến chương trình TCMR quốc gia?



Không nên xem xét một số trường hợp hy hữu mà đánh giá toàn bộ chương trình TCMR. Trong 20 năm qua tiêm hàng trăm triệu mũi văcxin nhưng chưa xảy ra trường hợp nào tương tự, do vậy chúng ta có thể nói rằng đây là những trường hợp hy hữu.



Trong nhiều thập kỷ qua, vac-xin đã được sử dụng trên toàn thế giới, góp phần thanh toán một số bệnh truyền nhiễm và làm giảm đáng kể số mắc, chết của nhiều loại bệnh khác.



Tại Việt Nam, chương trình TCMR đã đưọc triển khai 20 năm và không ai có thể phủ nhận những kết quả của chưong trình tiêm chủng, nó mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc khống chế, giảm nguy cơ mắc bệnh tật trong cộng đồng.


Hồng Hải (ghi)