“… Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen/ Phiêu bạt chốn phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc tôi mơ/…”  Tiếng hát ca sĩ Anh Thơ thể hiện trong bài hát ”Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương làm tôi bồi hồi, xao xuyến nhớ lại lần về thăm quê sau bao nhiêu năm dài xa cách. Một chút tuổi thơ vương vương nỗi nhớ của ngày xưa.  Hồi đó, cái thuở còn cắp sách tới trường. Mới chuyển sang tháng tư, cái nóng nực, oi nồng của mùa hè mới bắt đầu mà sao ve sầu đã inh ỏi, râm ran khắp lùm cây, kẽ lá ven đường? Ve sầu kêu là báo hiệu một năm học sắp kết thúc. Chúng tôi sắp được nghỉ hè, sẽ tha hồ thả diều trên cánh đồng làng mơn man gió mát hay lên triền đê cao say đắm với trò tiêu khiển ngóng theo cánh diều bay để rồi về bị một trận đòn no nê, ê chề. Cái thói ham chơi hơn ham học mới có chuyện bị mẹ cha hù dọa cho đi ở với những người “làm nghề khác nghề nông”. Thời gian “ve kêu” là thời gian đứa nào, đứa nấy đua nhau học thật tốt để chuẩn bị cho kì thi cuối năm và thi chuyển cấp. Ngộ nhỡ bị đúp (lưu ban) lại lớp có mà xách bị thất tha thất thểu đi ăn xin. Bạn bè bêu xấu gắn cho cái mác giống với ông này, bà nọ “xấu xí” lắm. Đi tới đâu mà thấy cái dáng của đứa bị “đúp” là một bài vè cất lên nhao nhao dù trong hoàn cảnh nào: “Nghe vẻ nghe ve. Cái vè làng ta. Có con ba ba. Học chả ra gì. Suốt ngày ngủ khì. Kì thi điểm kém. Kém kẹm kèm kem…” rồi “Ve vẻ vè ve. Cái vè bụi tre. Có con vạc bé. Mắt hay bị lé. Không lo học bài. Thi bị ở lại. Lai lải lài lai.” Không biết bài vè ai sáng tác ra mà có vần, có điệu đọc trôi chảy thế chứ? Rồi mường tượng ra đủ điều, hình dung ra đủ thứ linh tinh nghe kinh lắm: Nào là hình ảnh bà mò cua, bắt ốc. Nào là bà đồng nát lang thang rao khắp ngõ đường làng: “Ai có lông gà, lông vịt, dép nhựa, bình toong, xoong thủng, đồng nát bán khô… ô… ông?” Rồi cái ông hoạn lợn chạy xe quanh làng cứ: “Hoạn lợn đê… ê. Ai hoạn lợn đê!” Hay là ông Đệch, bà Óp… Vậy đấy mà sợ rồi gắng học hành. Mà sao lại cứ nghe tới danh mấy ông, bà đó lại đơ người ra cơ chứ? Họ cũng bình thường mà! Té ra họ làm những việc khác thường những người khác nên cứ hễ nói tới là sợ. Mặc kệ! Viễn cảnh làng quê tôi ngày ấy vậy đó. Công việc mang đậm chất nông thôn vừa đơn sơ lại giản dị đến phi thường. Những gian truân, vất vả ngày nào muốn quên đi nhưng không bao giờ mất được. Ngày xửa ngày xưa còn ẩn chìm vào trong giấc mơ khi say giấc ngủ. Cái tuổi ấu thơ qua nhanh như làn gió thổi. Mới đó mà nay tóc đã điểm sương. Làng quê “một nắng, hai sương” nay lắng chìm những tiếng rao vào quá khứ.  Âm vang bài hát “Về quê” như vọng mãi trong tôi “thiếu quê hương ta về… ta về đâu?” Xa quê hương rồi nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo cái làng quê thuở nào đến lưu luyến, bịn rịn. Mắt nhòe trong bao nỗi nhớ thương. Ôi! Làng quê tôi in đậm mãi trong tim.

✍Phùng Văn Định