Hành trình phi thường, ly kỳ vào “thế giới khác” của Coraline thu hút không chỉ độc giả nhí mà cả bậc phụ huynh. Đằng sau câu chuyện là thông điệp giản dị về gia đình.

Tác phẩm Coraline của Neil Gaiman xuất bản năm 2002, kể về cô bé cùng tên. Cuốn tiểu thuyết ngắn kể về câu chuyện đáng kinh ngạc và có phần kinh dị khi cha mẹ Coraline chuyển nhà đến một căn hộ cũ kỹ, âm u và rộng lớn.

Tại đây, cô bé bắt gặp những người hàng xóm kỳ dị. Đó là hai bà già Spink và Forcible béo tròn, không ngớt hồi tưởng về tuổi trẻ vàng son với ánh đèn sân khấu. Đó là một ông lão râu rậm thì thào với cô bé về gánh xiếc chuột nào đó mà ông huấn luyện nhưng chưa từng biểu diễn.

Cuon truyen thieu nhi ly ky ma cha me nao cung nen doc hinh anh 1 page.jpg

Tác phẩm Coraline và nhà văn Neil Gaiman. Ảnh: NY Times.

Cha mẹ của Coraline thường xuyên bận rộn, luôn dán mắt vào màn hình máy tính nên không có thời gian quan tâm tới cô bé. Còn hàng xóm “chẳng bao giờ nói được điều gì có ý nghĩa” và chưa từng phát âm đúng tên của Coraline.

Coraline chán ngấy vì cuộc sống tẻ nhạt và những người hàng xóm kỳ dị. Nhưng rồi một ngày, cô bé khám phá ra cánh cửa dẫn tới thế giới khác song song.

Tại đây, cô bé được ăn những món ngon tuyệt chưa từng được nếm thử ở đời thực. Thế giới kỳ lạ với những thiên thần vỗ cánh quanh phòng ngủ, một hộp đồ chơi với những món đồ tuyệt vời nhất trên đời.

Và hơn cả, ở thế giới kỳ lạ này, Coraline có một “bố khác”, “mẹ khác” yêu thương, âu yếm, nhẹ nhàng và luôn sẵn sàng lắng nghe, chơi cùng cô bé. Chính điều đó, đứa trẻ này muốn ở lại thế giới này mãi mãi. Đó chính là mơ ước giản dị có một cuộc sống hạnh phúc bên người thân, là một phần của cuộc đời rộng lớn mà em chưa hiểu rõ.

Nhưng để có được điều đó, cô bé phải đánh đổi và trả giá, cũng đầy nguy hiểm. Trong suốt hành trình đó, Coraline luôn sợ hãi. Nhưng để tìm lại tự do và gia đình thật của mình, Coraline phải tự mình đương đầu với thế lực đen tối đến bản thân mình cũng không hiểu rõ.

Cuon truyen thieu nhi ly ky ma cha me nao cung nen doc hinh anh 2 CORLNPK01_C_00027R_CCd_v4_RGB_1571784352_726x388.jpg

Năm 2009, Coraline được chuyển thể thành phim hoạt hình mang đậm màu sắc Gothic. Ảnh: Telegraph.

Cuốn sách đặc biệt bởi nó vốn dành cho trẻ em nhưng Coraline lại mang theo yếu tố rùng rợn, lạnh lẽo, tối tăm, bí hiểm, kịch tính và giật gân. Nhưng đằng sau những câu chuyện có phần ám ảnh là bài học đầy nhân văn, sâu sắc mà thấm thía.

Cô bé nhận ra những bài học về cuộc sống và gia đình mà mình từng chán ghét. “Tuy sợ phải làm điều gì đó nhưng dù sao đi nữa cậu vẫn cứ làm, đó chính là dũng cảm”. Sự dũng cảm của một cô gái nhỏ đến từ niềm mong mỏi tha thiết muốn có một mái ấm trọn vẹn.

Đó còn là bài học về hạnh phúc giản đơn xung quanh mà Coraline chiêm nghiệm ra sau hành trình bí ẩn.“Tôi không muốn mình muốn gì có nấy. Chẳng ai muốn thế cả. Không thực sự muốn. Nếu tôi muốn cái gì cũng có thì còn gì thú vị chứ? Thế đấy, và điều ấy chẳng có ý nghĩa gì hết”.

Và khoảnh khắc ấm áp nhất cuốn truyện có lẽ là khi Coraline ôm chầm lấy bà Spink và Forcible để cảm ơn về viên đá hộ mệnh. Đó là khi em gọi ông lão râu ria xấu xí bằng đúng cái tên “ông Bobo”. Và hơn cả, đó là khoảnh khắc Coraline ôm chầm và nói nhớ cha.

Hơi ấm tỏa ra từ tình yêu thương và những hạnh phúc giản dị quanh ta đã xua tan đi mọi u ám, lạnh lẽo mà Coraline từng trải qua. Và câu chuyện của Coraline sẽ là đốm lửa nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em lẫn người lớn.

Theo Zing News