Hiện nay, nhiều trẻ được cha mẹ quá bao bọc, chiều chuộng dẫn đến việc không thể thích nghi được với môi trường xung quanh và luôn ỉ lại, phụ thuộc vào cha mẹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ sau này. Do vậy, tự lập là một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần hình thành sớm cho trẻ. Dưới đây là một số phương pháp rèn luyện tự lập cho trẻ mầm non cha mẹ cần lưu ý.

Tại sao cần rèn luyện tự lập cho trẻ mầm non?

Ngày nay rất nhiều trẻ 5-6 tuổi không có kỹ năng tự làm các công việc cá nhân như tự xúc cơm, mặc quần áo, … Nó phản ánh kết quả của việc cha mẹ quá chiều chuộng con và làm thay con mọi việc. Điều này vô tình cướp mất đi cơ hội tự lập ở trẻ. Những trẻ được cha mẹ bao bọc quá sẽ dẫn đến ỉ lại, phụ thuộc, dựa dẫm và không có chí tiến thủ trong công việc sau này. Vì vậy, các cha mẹ cần lựa chọn đúng thời điểm để dạy trẻ kỹ năng sống tự lập ngay từ nhỏ.

Ở độ tuổi mầm non, trẻ có khả năng học hỏi và bắt chước rất nhanh những điều chúng nhìn thấy. Trẻ em từ 2 tuổi trở đi đã dần nhận thức được mọi thứ xung quanh và đây cũng là giai đoạn quan trọng để cha mẹ có thể chỉ dẫn và rèn luyện cho trẻ mầm non kỹ năng tự lập cơ bản nhưng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

Các kỹ năng rèn luyên tự lập cho trẻ mầm non là gì?

Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

Đây là kỹ năng cơ bản mà mỗi đứa trẻ đều cần đến. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con theo từng cấp độ từ dễ đến khó như tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn, … Cha mẹ nên dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn để giúp trẻ có thể thực hiện cách dễ dàng và đừng quên đưa ra những gợi ý, lời mời gọi để trẻ tự làm.

Kỹ năng giữ vệ sinh

Việc dạy trẻ giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh là yếu tố quan trọng hình thành kỹ năng sống tự lập ở trẻ. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải làm gương cho con cái. Từ những việc đơn giản như: bỏ rác đúng nơi quy định. cho quần áo bẩn vào máy giặt, xả nước sau khi đi vệ sinh, dọn đồ chơi sau khi chơi xong,… Hãy đồng hành cùng con thời điểm này. Nó sẽ giúp con hình thành thói quen tốt và khả năng tự lập về sau.

Kỹ năng giúp đỡ người khác

Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ kỹ năng giúp đỡ người khác và để trẻ hiểu giúp đỡ người khác là một việc làm vô cùng tốt đẹp và ý nghĩa. Trẻ có thể thực hiện điều này từ

những việc nhỏ bé như dọn bàn ăn, phụ mẹ nhặt rau, rửa hoa quả, cất đồ giúp cha mẹ, tưới cây,… Khi biết giúp đỡ người khác thì trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình hữu ích, được cha mẹ ghi nhận và thể hiện sự tự hào. Điều này sẽ thôi thúc và rèn cho trẻ kỹ năng sống tự lập tốt hơn.

Một số lưu ý với cha mẹ khi rèn luyện tự lập cho trẻ mầm non

Để việc dạy kỹ năng tự lập cho trẻ được hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

Cha mẹ phải là người bản lĩnh

Nhiều ông bà, cha mẹ vì thương con, xót con nên không để con động tay chân làm bất cứ việc gì. Nếu để tình trạng này xảy ra liên tục thì con không thể lớn lên được. Vì vậy, trong quá trình dạy con, cha mẹ hãy thể hiện bản lĩnh và sự hiểu biết của mình để có phương pháp hợp lý.

Cha mẹ phải kiên nhẫn khi con mình cố gắng tự lập

Khi trẻ đang cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc cũng có thể là bắt chước người khác thì cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa. Đừng vì nóng vội, sốt ruột mà làm thay con cha mẹ nhé. Điều quan trọng là cha mẹ hãy thật bình tĩnh và kiên nhẫn để đồng hành cùng con.

Ví dụ: Khi trẻ đang cố gắng mang giày vào chân, cha mẹ nên quan sát, hướng dẫn cách mang giày (nếu cần) chứ không nên nóng vội mà trực tiếp làm thay trẻ.

Cha mẹ cần xây dựng tính tổ chức ngay tại gia đình

Mọi hoạt động và việc làm của các thành viên trong gia đình đều có thể được bé ghi nhận lại và sẽ bắt chước làm theo. Vì vậy, cha mẹ có thể chú ý hoặc nghe những câu hỏi từ trẻ để từ đó tìm ra cách dạy trẻ tự lập hợp lý nhất nhé.

Ví dụ: Khi mẹ nhặt rau, mẹ có thể giải thích và hướng dẫn để trẻ có thể hiểu cách nhặt rau và tại sao phải nhặt rau. Qua đó, trẻ sẽ hình thành suy nghĩ và hành động đúng đắn về các công việc phụ giúp gia đình.

Cha mẹ hãy phân công công việc cho trẻ

Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy cho trẻ thấy rằng mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm, công việc của riêng mình. Bố mẹ sẽ là tấm gương để con noi theo mỗi ngày.

Ví dụ: Sau khi ăn cơm xong, bố sẽ dọn mâm, mẹ rửa bát, chị quét nhà, e cất chiếu,

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ làm việc

Cha mẹ hãy động viên, khích lệ với những điều trẻ làm được bằng cách đập tay, ôm con hay nói những câu có cảm xúc để khen ngợi con. Điều đó sẽ đem đến những biểu hiện tích cực cho trẻ, trẻ sẽ vui mừng hơn và lấy đó là đông lực. Đây cũng là cách khuyến khích những hành động tốt của bé trở thành thói quen, hình thành tính cách cho bé sau này. Thỉnh thoảng cha mẹ cũng có thể mua một món quà hay dẫn trẻ đi chơi như một phần thưởng tặng cho sự nỗ lực của trẻ nhưng tuyệt đối không để nó trở thành thói quen vì có thể sau này sẽ sinh ra sự đòi hỏi, ra điều kiện ở trẻ.

Nguồn: wedowegood-school

hình ảnh