Những năm gần đây các ông bố, bà mẹ Việt Nam rất chịu khó đọc sách và tìm hiểu các phương pháp dạy con. Đây là một điều tốt khi nhưng khi áp dụng những phương pháp đó vào gia đình mình thì phải cân bằng những yếu tố khác như văn hóa, sự khác nhau trong quan điểm giữa các thế hệ, không gian gia đình, môi trường sống, v..v. Nhưng có một yếu tố rất quan trọng trong việc dạy con đó là hành động và lời nói của bố mẹ, vì trẻ sẽ học qua chính những gì chúng quan sát và lắng nghe. Do đó, ngoài những lúc bố mẹ dạy con một vấn đề cụ thể thì cách bố mẹ cư xử với những người xung quanh cũng chính là những bài học gần gũi và hiệu quả nhất đối với con.


Ví dụ, nhiều bố mẹ không muốn con chơi điện tử, không muốn con dùng nhiều đồ điện tử như iphone, ipad nhưng chính mình lại thường xuyên dùng những thứ đó. Như vậy, các em bé sẽ không hiểu sao lại có sự khác biệt giữa bố mẹ và mình? Còn nếu con lớn hơn một chút thì sẽ nghĩ: bố mẹ chỉ mắng mình thế thôi chứ chính bố mẹ cũng suốt ngày “ôm” lấy cái điện thoại/ipad và các con sẽ lén lút tìm cách dùng đồ điện tử.


Ví dụ khác là có bố mẹ lo con béo phì và lười vận động nên khuyến khích con chơi các môn thể thao hay tích cực vận động. Đây rõ ràng là một điều tốt nhưng nhiều bố mẹ chỉ dừng ở mức độ “chỉ đạo” thế thôi mà quên mất rằng chính bản thân mình cũng phải chịu khó vận động và tốt nhất là phải vận động cùng con để làm gương cho con. Đừng để cảnh “học không đi đôi với hành” khi mình bắt các con phải vận động trong khi bản thân thì ngồi xem TV hay xem điện thoại di động.


Có bố mẹ muốn con đọc sách và học nhiều trong khi chính bản thân mình lại chẳng mấy khi sờ vào cuốn sách nào. Con trẻ sẽ thắc mắc tại sao bố mẹ chỉ bảo mình đọc sách trong khi bố mẹ toàn dùng điện thoại mà chẳng bao giờ đọc sách?


Nhiều bố mẹ dạy con là “không được cãi lại bố mẹ” trong khi chính bản thân mình lại cãi lại bố mẹ của mình (tức ông bà của các con). Khi ở cùng nhà, trẻ sẽ chứng kiến những lúc như vậy và vô hình chung thấy những điều bố mẹ dạy mình không khớp với những gì bố mẹ làm và dần dần không còn cảm thấy “tâm phục, khẩu phục” nữa.


Hay có những bố mẹ dạy con phải ăn nói lịch sự và tôn trọng người khác trong khi chính mình khi ra đường, ra chợ giao tiếp với những người bán hàng hay những người nghèo khó thì nói năng trịnh thượng, kẻ cả. Bố mẹ làm những việc đó một cách “bình thường” mà không biết rằng con mình sẽ nghe và đánh giá chính những hành động đó của bố mẹ. Ngược lại, khi tiếp xúc với những người có chức, có quyền, bố mẹ lại tỏ ra lịch sự, đôi khi nhún nhường, làm trẻ cũng không hiểu sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy. Con trẻ lớn lên cũng sẽ áp dụng cách phân biệt đối xử với các tầng lớp xã hội khác nhau như chính bố mẹ mình.


Hay hầu hết bố mẹ đều dạy con cách vệ sinh nhà cửa, giữ gìn, ngăn nắp trong nhà. Tuy nhiên, khi ra ngoài, nhiều bố mẹ vẫn vứt rác bừa bãi, tiện đâu vứt đấy, không cho vào các thùng rác công cộng. Như vậy vô tình bố mẹ dạy con chỉ biết quan tâm đến lợi ích cho chính gia đình mình mà quên đi việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng hay làm những điều tốt cho xã hội. Đây chính là mầm mống của sự ích kỷ khi chỉ chăm lo cho lợi ích cá nhân hay gia đình mình.


Hay nhiều bố mẹ dạy con phải biết xếp hàng, làm theo trật tự nhưng khi đi mua hàng, mua vé tàu xe thì bố mẹ lại chính là những người cắt hàng, chen lấn, xô đẩy. Con trẻ nhìn vào những hành động như vậy của chính bố mẹ mình thì vừa thấy khó hiểu, vừa nghĩ chuyện lấn hàng, cắt ngang như vậy là bình thường.


Những cảm xúc và sự mâu thuẫn trong hành động-lời nói của bố mẹ sẽ không khó để trẻ con nhận ra và nguy hiểm hơn là noi theo. Chúng ta không muốn con cái chúng ta “thừa kế” những mâu thuẫn đó rồi lại tiếp tục truyền sang thế hệ tiếp theo. Chúng ta cần phải thay đổi chính mình, cần phải là tấm gương cho con thì con mới có thể học theo và “tâm phục khẩu phục”. Thế nên khi tìm hiểu các phương pháp dạy con thì cũng nên tìm hiểu các phương pháp hoàn thiện chính bản thân mình. Như vậy thì vừa có lợi cho bản thân lại vừa có lợi cho con. Hãy hòa hợp những điều tốt cho con cái và những điều tốt cho bản thân chúng ta để cuộc sống trở nên nhất quán. Hãy là tấm gương cho con noi theo để con có thể làm theo những điều tốt của bố mẹ; để con có thể học bố mẹ mọi nơi, mọi lúc; để chúng ta cùng nhân bản và cung cấp nhiều công dân tốt cho gia đình và xã hội.