webtretho


Khi trẻ quậy phá, mãi chơi không chịu học, mè nheo… ba mẹ thường sẽ la mắng, trách phạt con. Liệu có phải phạt là sẽ đánh đòn con? Đánh đòn con cái hiện không còn được khuyến khích, các chuyên gia giáo dục cho rằng đó là cách giáo dục phản tác dụng, chỉ làm trẻ chai lì cảm xúc hoặc bị ám ảnh, ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Sau đây là 3 nguyên tắc giúp bố mẹ “phạt con hiệu quả”:



1. Cho trẻ biết hành vi đó sai như thế nào


Tất nhiên ba mẹ không nên la mắng to tiếng, quát nạt con mà phải giữ bình tĩnh, giải thích cho con biết vì sao hành động vừa làm của con là sai, mà sai thì cần phải được sửa lỗi, ghi nhớ và không phạm lại nữa, kể cả người lớn cũng vậy.



2. Căn cứ vào “gia quy” chung của cả nhà


Ba mẹ nên cho trẻ biết trước những quy định chung của cả nhà, như khi ăn uống thì không được đùa giỡn, chạy nhảy, la lớn tiếng, không được đi ngoài nắng mà không đội nón, không ăn đồ ngọt quá nhiều trước lúc ăn cơm, không xem tivi liên tiếp quá 1 hay 2 giờ, con cái dưới bao nhiêu tuổi thì phải đi ngủ trước mấy giờ…


Đây là những quy định chung, không chỉ riêng trẻ mà cả nhà đều phải tuân theo, nếu vi phạm sẽ bị phạt như thế nào. Quy định mức phạt cụ thể (tất nhiên không phải đánh đòn nặng) để trẻ thực hiện và không ca thán.



3. Có thể cho bé lựa chọn hoặc lấy công chuộc lỗi


Để bé được “thoải mái” và cũng cảm thấy “vui vẻ” hơn khi bị phạt, ba mẹ có thể đề ra 2 mức phạt tương đương nhau và cho bé tự lựa chọn hình thức phạt nào mà bé “thích”. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể thử một cách khác là thay vì phạt con, hãy yêu cầu con làm một việc tốt gì đó để thay thế.


Chẳng hạn, thay vì phạt con ngồi một chỗ, quay mặt vào tường, ba mẹ có thể yêu cầu con tự thu xếp quần áo, giúp mẹ nhặt rau, rửa chén bát… Trẻ vừa sẽ ghi nhớ việc làm sai của mình, vừa có cơ hội làm những việc có ích.



4. Các điều ba mẹ cần lưu ý khi phạt con theo từng độ tuổi



*1-3 tuổi: Là thời gian bé bắt đầu trở thành một cá nhân và tách biệt khỏi cha mẹ. Các em ở tuổi này phát triển rất nhanh và cần được độc lập trong khi vẫn cần sự che chở của cha mẹ.


Giới hạn: Làm gương là chính và đừng nói nhiều. Giả vờ không quan tâm, ngó lơ và tránh những tình huống tế nhị.



*3-5 tuổi: Trẻ biết suy nghĩ theo từng lúc và hiểu rõ hơn về những gì chúng ta nói. Tuy nhiên, con bạn vẫn còn là một đứa trẻ và có thể dễ nổi giận, giành giật đồ hoặc cắn. Khoảng 4 tuổi, nhiều đứa trẻ trở nên quyết đoán và cố gắng làm chủ những gì ở cạnh chúng, Cố làm nũng, quấy khóc để đạt được thứ mình muốn.


Giới hạn: Giải thích ngắn gọn vì sao bạn muốn bé làm hoặc không làm điều gì. Tuổi mẫu giáo đã có kỹ năng ngôn ngữ tốt nhưng chưa rành về lý luận nên bạn đừng tranh cãi và bàn luận quanh co với con. Bạn nên chú trọng đến việc thỏa thuận một vài điều (những vấn đề về an toàn và chuyện thường ngày như tắm rửa, ăn uống và giờ giấc) nhưng tránh áp đặt một cách không cần thiết những chuyện không đâu. Hãy để cho trẻ tự quyết định vài điều và cho chúng quyền lựa chọn khi có thể.



* 5-8 tuổi:Trẻ em tuổi này biết lý luận giỏi hơn, luôn quan tâm tới việc mọi thứ hoạt động ra sao và khám phá một thế giới rộng lớn hơn với niềm hăng say và phấn khích. Tuy nhiên, quan điểm về cuộc sống của chúng vẫn còn tập trung vào cha mẹ.


Những giới hạn: Hãy giúp trẻ sắp xếp thời khóa biểu trong ngày sao cho hợp lý và có những điều quy định rõ ràng. Ở tuổi này, việc tước bỏ vài quyền ưu tiên là thích hợp để sửa chữa những hậu quả và thái độ cư xử sai trái. Điều quan trọng là bạn đừng ép buộc mà nên động viên trẻ làm tròn những công việc bổ phận (làm việc nhà, làm bài tập về nhà, đánh răng...)



*8-12 tuổi:Từ 8 tuổi trở đi, con cái bắt đầu đặt câu hỏi về quan niệm và các giá trị của cha mẹ. Chúng đang dần chịu ảnh hưởng từ cả cha lẫn mẹ.


Những giới hạn: Khi lớn đến gần đến tuổi 12, bạn nên dần giảm bớt sự giám sát, để trẻ tự chăm sóc bản thân và tổ chức thời khóa biểu trong ngày. Bạn cần tìm hiểu xem trẻ đang làm gì, quan hệ với ai bằng cách chuyện trò, ăn uống cùng trẻ và giám sát việc xem TV, sử dụng máy vi tính, đồng thời nhắc nhở con dành thời gian cho gia đình.



*Tuổi thiếu niên (cấp 2 và 3): Trẻ có nhiều áp lực và băn khoăn về những việc như lớn nhanh, dậy thì, vấn đề giới tính và về ý nghĩa của cuộc sống.


Những giới hạn: Hãy tỏ ra bằng hành động cũng như lời nói cho trẻ biết bạn luôn yêu thương, chăm sóc và quan tâm tới cuộc sống của chúng. Trẻ ở tuổi này cần hiểu tất cả những gì chúng làm dù xấu hay tốt đều có tác động đến bố mẹ. Bạn nên cương quyết với những vấn đề mình cho là quan trọng và những gì liên quan đến sự an toàn của trẻ, chẳng hạn như học hành, tình dục, dinh dưỡng, uống rượu, lái xe... Bạn cũng nên thành thật về những lỗi lầm của mình với con cái. Thiếu niên không cần có cha mẹ hoàn hảo nhưng cần những bậc phụ huynh sống theo cách mà họ muốn con cái sống và biết nhìn nhận lỗi lầm của


mình.


Nguồn: Fb Khichamehanhdong