Trẻ con sẽ có giai đoạn khủng hoảng đầu đời đó là năm 2 tuổi, trẻ sẽ có những hành vi nổi giận, cáu kỉnh, thậm chí là ăn vạ. Nhiều ba mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình gặp khủng hoảng tuổi lên 2, nhưng đừng lo lắng vì bài viết sau đây sẽ hỗ trợ cho phụ huynh các tips để đồng hành cùng con vượt qua thử thách đầu đời này. 

Một số dấu hiệu phổ biến

  • Dễ cáu gắt, nổi giận, thậm chí là ăn vạ hoặc la hét khi không đạt được điều mong muốn.
  • Chỉ muốn làm theo ý mình, làm trái với những đề nghị của ba mẹ.
  • Tâm trạng thất thường và không ổn định được cảm xúc.
  • Khi ý thức sở hữu được hình thành, trẻ sẽ có hành động đánh, cắn hoặc la ré để giữ đồ vật của mình.
  • Lười ăn.
  • Thức giấc nửa đêm hoặc khó ngủ.

Cách xử lý ba mẹ có thể tham khảo

1. Hiểu được tâm lý và tính cách của con

Mỗi đứa trẻ sẽ có một cá tính riêng, có bé sẽ sống thiên về cảm xúc cũng có bé sẽ mạnh mẽ hơn về mặt này. Ba mẹ khi sinh con ra cần phải dành thời gian để lắng nghe, quan sát và hiểu cho con mình. Vì gia đình là nền tảng của con, thế nên trong trường hợp con có những hành vi “quá” kiểm soát, ba mẹ cố gắng giữ được bình tĩnh để kiềm lại sự nóng nảy của trẻ.

2. Mềm mỏng nhưng không nhượng bộ

Tuy nhiên, ba mẹ nên có những nguyên tắc nhất định cho con mình, bên cạnh việc giữ thái độ nhẹ nhàng thì việc kiên định cũng rất cần thiết. Đặc biệt, đối với giai đoạn tuổi lên 2, trẻ thường quấy khóc hoặc ăn vạ để đạt được điều con mong muốn, phụ huynh hạn chế thỏa hiệp dễ dàng vì điều này tạo ra thói quen “nhõng nhẽo” mỗi khi muốn một thứ gì.

3. Nói cho trẻ biết ba mẹ định làm gì

Trẻ con ở giai đoạn này có thể chưa hiểu hết toàn bộ tình huống ba mẹ muốn truyền đạt, nhưng việc cho con biết trước ba mẹ sẽ làm gì cũng giúp con đỡ bất ngờ và thay đổi cảm xúc. Chẳng hạn: “10 phút nữa chúng ta sẽ đi ngủ” hoặc “Hôm nay chơi đủ rồi, 5 phút nữa cất hết đồ chơi con nhé”, giúp trẻ nhận biết và chuẩn bị tâm lý về những điều sắp đến.

4. Đánh lạc hướng khi trẻ cư xử không đúng mực

Khi cảm thấy con cáu gắt, hãy thử thay đổi hướng tập trung qua hành vi khác. Chẳng hạn, hãy thử nói về một lịch trình con mong muốn thay vì tranh cãi về chuyện con biếng ăn. Phương pháp này có hiệu quả đối với các cơn ăn vạ ngắn.

5. Hãy cho bé tự do trong khuôn khổ

Cho con tự do với sở thích của mình là phương pháp hiệu quả giúp trẻ xoá đi khủng hoảng tuổi lên 2. Ví dụ, mẹ có thể cho con chọn “Con thích đội mũ đỏ hay mũ xanh” hay vì buộc con phải đội một mũ nào đó. Việc cho con chọn món mình thích nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ba mẹ sẽ cho giúp trẻ hình thành sở thích và chính kiến nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ba mẹ.

6. Đa dạng thực đơn dành cho trẻ

Biếng ăn là một trong những điều khiến ba mẹ lo lắng nhất đối với trẻ, một giải pháp hợp lý nhất là đa dạng được thực đơn cho con, nhằm kích thích sự hứng thú ở mỗi bữa ăn. Vào mỗi bữa ăn, nên chia nhỏ khẩu phần ăn, đồng thời cách bài trí sinh động và màu sắc tươi sáng cũng có thể gây thích thú với trẻ. 

7. Áp dụng các cách giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm

Giai đoạn khủng hoảng này sẽ làm trẻ dễ mất ngủ, bởi lẽ xuất phát từ việc con ăn không ngon, chơi không vui dẫn đến cơ thể mệt mỏi và bất an. Để cải thiện được vấn đề này, ba mẹ nên tạo thói quen ngủ đúng giờ cho con, hạn chế cho trẻ thức quá khuya, cùng với đó, hãy cho bé không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh và nhiệt độ phù hợp để giấc ngủ con được đảm bảo hơn.