Các bé yêu của chúng ta mỗi lần có việc đó không vừa ý, hay bị người lớn mắng, hay có thể có xích mích nhỏ với bạn bè hay gặp khó khăn, bé thường hay tức giận. Nếu bố mẹ chúng ta cứ để bé ức chế quá do tức giận thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh non nớt của các bé. Những lúc này, mình thường đồng hành với bé để cố gắng “đuổi” cơn giận ra cho bé mà không để bé phải “nuốt” cơn giận vào trong mình. Sau đây mình xin chia sẻ với các mẹ những tình huống ấy nhé.


Có lần, bé Bông nhà mình đang cầm bút vẽ thì Thỏ láu nghịch ngợm liền lấy bút vẽ nghệch ngoạc vào bài của Bông khiến cho Bông rất tức giận. Bên cạnh việc mắng Thỏ đã vẽ vào bài của chị, mình và ông xã liền quay ra Bông an ủi bé. Được mẹ ôm, được bố thủ thỉ vài câu động viên, cơn giận của Bông nhanh chóng qua đi khi được “san lấp” bằng những cử chỉ yêu thương ấy của bố mẹ. Những cử chỉ yêu thương và chiều chuộng trong lúc tức giận sẽ khiến cho những sự bực bội của bé “tan biến”. Và lúc này, vai trò âu yếm và trấn an của bố mẹ sẽ phát huy tác dụng “cực kỳ quan trọng” bởi vì lúc này bố mẹ chúng mình đã làm cho bé thấy được mình thực sự quan tâm đến các bé.


Một hôm, bé Bông nhà mình tức giận vì đang xếp gần bộ xếp hình thì bỗng nhiên thấy thiếu một miếng ghép cuối cùng và phát hiện ra Thỏ láu giấu đi để trêu chị. Mình một mặt yêu cầu Thỏ láu tìm trả chị miếng ghép, một mặt bảo Bông ra lấy quyển sách để đọc. Vì bé rất thích đọc sách, hơn nữa mới biết đọc một số từ nên bé rất thích. Bằng việc làm như vậy mình đã tách bé Bông thoát khỏi những suy nghĩ do sự nóng giận mang lại. Vì vậy, khi bé tức giận, các mẹ hãy tìm những sở thích của con để khuyến khích con làm những việc ấy để quên đi cơn nóng giận: có thể cho bé chạy thi, cho bé xem phim hoạt hình…


Cũng có lần, Thỏ nhà mình ở lớp bị bạn Khánh ở lớp giành đồ chơi ở lớp nên trên đường về bé rất tức giận. Trên đường về nhà, mình hỏi bé để bé kể lại câu chuyện ở lớp. Vừa vào đến nhà, mình lấy một tờ giấy trắng và bảo bé: “Con hãy vẽ cho mẹ bạn Khánh để mẹ xem bạn ấy thế nào nhé!” Các mẹ có biết không, Thỏ láu nhà mình vẽ những nét rất kỳ quái, không giống ai cả vì bé đã “trút giận’ lên chính bức tranh đấy đó. Khi bé vẽ xong cũng là lúc bé đã xả hết cơn giận vào bức tranh “biếm họa” về người bạn giành đồ chơi ấy. Và chẳng mấy chốc, bé đã “xả hết cơn giận” vào đó đấy các mẹ ạ.


Chúng ta cũng có thể làm cho cơn giận của bé mất đi bằng những món đồ chơi hay cho bé tham gia vào các trò chơi vận động tập thể như mèo đuổi chuột, nhảy dây, bịt mắt bắt dê v.v…Những trò chơi ấy sẽ khiến bé vui mà quên đi cơn tức giận đó các mẹ ạ!


Để ‘đuổi” cơn giận của bé đi, bố mẹ chúng ta phải luôn công bằng với các bé. Có lần Thỏ láu tranh giành bút chì của Bông, mình liền nói: “Con chưa đến tuổi học chữ nên con chưa dùng bút chì được, sau này con lớn như chị thì con sẽ sử dụng được bút chì nhé”. Và những lần Bông lấy đồ chơi của Thỏ láu, mình lại nói với bé: “Con là chị thì nên nhường em vì em bé hơn con, con có thể chơi đồ chơi khác mà”. Nếu bố mẹ công bằng, không thiên vị thì các cơn giận của bé mới “không dai dẳng” vì bố mẹ chúng ta là “sứ giả lập lại hòa bình” cho các bé đó.


Và bố mẹ chúng ta hãy là một tấm gương sáng để con noi theo nhé. Bố mẹ hãy giữ bình tĩnh trong lúc nóng giận để trẻ thấy được và học theo. Nóng giận là cảm xúc không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta hãy kiểm soát nó theo chiều hướng tích cực để các bé có thể giải quyết cơn tức giận của mình theo chiều hướng tốt nhất nhé.Có như vậy, chúng ta mới là những người đồng hành trong việc “đuổi’ cơn giận khỏi bé một cách dễ dàng. Nó sẽ trở thành một định hướng để cho bé giải quyết nhiều vấn đề lớn hơn cho bé trên bước đường trưởng thành đó các mẹ ạ!