Cách đây hơn một năm, mình có đến thăm cô em họ. Vì chị em lâu ngày không gặp nhau nên khi đến nghe cô ấy tâm sự thì mới biết rằng cô ấy vừa mới chia tay với chồng và đang nuôi cô con gái nhỏ 5 tuổi. Sau khi an ủi cô em, mình quay ra hỏi thăm đứa cháu nhỏ thì thấy gương mặt bé buồn so, mình nói với bé: “Con ra đây ngồi chơi với bác nào!” thì bé không trả lời mình mà bỏ vào trong phòng. Mình thấy rất ngạc nhiên vì nếu là bé nhà mình cũng bằng tuổi bé ấy, thì bé đã nhanh nhẹn ra chào khách và trả lời câu hỏi của khách ngay. Như đọc được những suy nghĩ của mình, em họ của mình nói: “Chị ơi, từ khi chúng em chia tay, bé nhà em trở nên như vậy đấy. Em mới cho đi khám bác sĩ, bác sĩ xem tình trạng của bé và nói bé mới có dấu hiệu của bệnh trầm cảm”.


Mình được biết, bệnh trầm cảm ở trẻ em nó có một phần nguyên nhân là do quan hệ gia đình bị giảm chất lượng. Và với cô em họ mình chính là việc bố mẹ li dị dẫn đến con của họ bị mắc bệnh này. Cô em mình cũng tâm sự, vì sau khi li dị, cô ấy cho con về sống với bố mẹ đẻ nên phải chuyển trường học cho bé. Chính sự thay đổi môi trường sống và học tập của bé cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bé lạ lẫm với chỗ mới, khiến bé sợ sệt và tách rời với mọi người. Đồng thời, cô em họ của mình cũng nói, sau khi li dị, cô ấy cũng mải làm việc để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hai mẹ con nên ít có thời gian gần gũi với con, do vậy bé có cảm giác bị bỏ rơi nên dần đã xuất hiện dấu hiệu trầm cảm này!


Mình nghe xong liền nói với cô ấy: “Chị rất thông cảm và chia sẻ với em về sự tổn thất về tinh thần của em trong thời gian gần đây. Nhưng theo chị biết, căn bệnh trầm cảm cũng có thuốc điều trị, nhưng điều trị bằng thuốc lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của bé. Đối với em hiện nay, con gái em là tài sản vô giá gần như duy nhất của em, em hãy cố gắng nuôi dạy bé khỏe mạnh về thể chất, lành lặn về tâm hồn để chứng minh cho mọi người biết được sự nỗ lực trong việc nuôi dạy con của một người mẹ đơn thân như em. Và thuốc chữa trầm cảm cho bé chính là sự kiên trì, nỗ lực và thời gian dành cho bé hàng ngày của em đó.”


Từ đó, mình thường xuyên gọi điện hỏi thăm và động viên em họ mình, cung cấp thêm thông tin nếu mình tìm hiểu được về cách chữa trị bệnh trầm cảm. Và mình được biết, em họ mình từ hôm đó đã biết sắp xếp công việc, dành nhiều thời gian cho con hơn, thường xuyên quan tâm đến con và lắng nghe con tâm sự. Giai đoạn đầu, bé cúng không chịu chia sẻ với mẹ mà cứ lảng tránh. Cô em họ mình vẫn kiên trì hỏi đến khi bé mở lòng với mẹ và chia sẻ mọi chuyện với cô em họ mình.


Bên cạnh sự quan tâm đến tinh thần của bé, cô em họ của mình cũng chú ý cho bé ăn uống và bổ sung vitamin hợp lý để bé có đủ chất nhằm đẩy lùi căn bệnh “trầm cảm” mới chớm của bé.


Vào những ngày cuối tuần, cô em họ của mình cũng cho bé đi đến các khu vui chơi giải trí như công viên, câu lạc bộ thiếu nhi, cho bé chơi các trò chơi đu quay, cầu trượt, câu cá v.v… và cho bé giao lưu cùng với các bạn cùng trang lứa.


Đồng thời em họ mình cũng nói chuyện với cô giáo dạy mẫu giáo ở trường về dấu hiệu “trầm cảm” của con gái để mong các cô giúp đỡ bằng cách chú ý đến bé hơn, cho bé tham gia vào nhiều hoạt động của lớp và động viên bé khi bé có một chút cố gắng nỗ lực để bé phát huy thêm khả năng của mình.


Và cô em họ mình cũng chia sẻ với mình một điều quan trọng nữa là cô ấy tự gạt bỏ mọi tâm lý không cân bằng cho chính bản thân để dạy con một cách tốt nhất, đồng thời tạo cho con thói quen tốt trong đời sống hàng ngày như, cho con đi ngủ đúng giờ, cho con được chơi những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và động viên con tham gia những môn năng khiếu phổ biến của trẻ em như múa, hát, vẽ v.v…


Và mới hôm qua đây thôi, mình được nghỉ làm và đến thăm hai mẹ con cô ấy, thấy bé đã nhanh nhẹn gần như những bé bình thường. Mình đã nói vui với cô ấy: “Liều thuốc trị bệnh trầm cảm cho bé bằng tinh thần nỗ lực và kiên trì của em đã gần chạm tới đích thành công, hãy cố gắng nốt hành trình cuối cùng và duy trì những thói quen tốt ấy nhé”.


Hôm nay, trong sự vui mừng cho cô em họ của mình đã sắp chữa được hết dấu hiệu trầm cảm cho con, mình cũng xin chia sẻ với các mẹ đồng hành về một số dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa trị của căn bệnh trầm cảm từ câu chuyện về cô em họ để các mẹ tham khảo và có thêm những thông tin bổ ích trong việc đề phòng và cho bé “tránh xa trầm cảm”, và mình cũng xin gửi đến những ai có con mới bị chứng bệnh này một thông điệp rằng: “Hãy sớm chữa cho các bé bằng sự kiên trì của chính mình để bé có thể sớm hòa nhập với mọi người trong tương lai nhé”!