✌

“Một lần Nhím hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, trẻ con ngoan là trẻ con không làm những trò nghịch ngợm hả mẹ?

Mẹ muốn thử phản ứng của Nhím nên hỏi lại: - Đúng rồi đấy. Em nghĩ sao?

- Thế thì ngoan nhưng mà em nghĩ là cũng hơi dốt! Không nghịch gì thì chán chết.”- Nhím và mẹ Nguyên Kan

😊 Đây là cuộc hội thoại vui vẻ của bạn Nhím trong cuốn “Mẹ đoảng dạy con” của tác giả Nguyên Kan.

Cuộc nói chuyện tuy ngắn nhưng lại rất đáng để chúng ta - những bố mẹ vẫn luôn mong muốn con ngoan ngẫm nghĩ lại.

Thật khó để đưa ra một khái niệm thế nào được gọi là “NGOAN”, thế nào là “HƯ”, thế nhưng hai khái niệm không có giới hạn này lại vẫn được chúng ta nói với con hàng ngày.

Bài viết này không đưa ra một kiến thức, định kiến nào áp đặt cho phong cách nuôi dạy con, chỉ đơn giản để các bố mẹ suy ngẫm một chút về bọn trẻ và cách chúng ta vẫn ứng xử hàng ngày. Không phải cả chúng mình và các bạn đều đang muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các bạn nhỏ của chúng ta hay sao?

💁💁 BẠN QUAN NIỆM NHƯ THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỨA TRẺ NGOAN? NGOAN CÓ PHẢI LÀ LUÔN VÂNG LỜI BỐ MẸ?

Bạn đã từng nghe thấy những câu nói như thế này hoặc tương tự chưa?

- Thằng nhà em NGOAN thế, chịu khó ngồi yên chứ không nghịch ngợm như con nhà chị.

- Con nhà chị HƯ lắm, không chịu nằm gì cả, chỉ bắt mẹ bế thôi, phải bế mới chịu ngủ yên.

- Con bé nhà em HƯ lắm, em nói câu nào nó cãi lại câu ấy!

Cháu tôi HƯ lắm, ăn uống bày vung vãi ra bàn…

😦 Nhiều bố mẹ nói ‘“Sao con hư thế!” và nhiều bố mẹ lo lắng về việc mình sẽ làm hư một đứa trẻ của họ ngay cả khi đứa bé ấy chỉ là trẻ sơ sinh và làm mọi kiểu “RÈN” để con không HƯ. Ví dụ như: rèn con không bám mẹ, rèn con không quấy đêm, rèn con không đòi bế...Và nhiều chế độ nghiêm khắc khác ngay với những đứa trẻ vừa lọt lòng đang rất cần sự ôm ấp, yêu thương của bố mẹ.

Đôi khi chúng ta bị lầm tưởng giữa HƯ với nhu cầu, cá tính, cách tiếp xúc của trẻ. Đôi khi chúng ta cho rằng NGOAN đồng nghĩa với việc không cãi lời, làm mọi điều mà bố mẹ hài lòng chứ chẳng quan tâm cảm xúc của đứa trẻ ấy như thế nào.

💁💁 KHÔNG CÓ ĐỨA TRẺ HƯ, CHỈ CÓ HÀNH VI KHÔNG PHÙ HỢP

Làm cha mẹ đôi khi chúng ta bị cuốn vào việc cố gắng tìm cách ngăn chặn hành vi thiếu kiểm soát của con mà quên đi tìm kiếm những lý do gây ra hành vi cư xử không đúng mực của con.

Ví dụ như, vì sao đứa trẻ lại khóc? Vì sao trẻ lại có hành động bạo lực? Vì sao trẻ lại nhất quyết không chịu chào hỏi một ai đó? Vì sao trẻ lại không có thói quen ăn uống lành mạnh?...

Tất cả các hành vi đều ẩn chứa nguyên nhân của nó. Có thể do trẻ chưa biết cách ứng xử sao cho phù hợp, có thể con đã học cách cư xử của một ai đó, có thể con đang cố gắng gây sự chú ý của mình đến bố mẹ…

Điều chúng mình muốn nhấn mạnh ở đây rằng, đừng vội đánh giá một đứa trẻ. Bất cứ ai lớn lên cũng cần trải qua ít nhiều sai lầm và mỗi sai lầm đều có nguyên nhân. Thay vì nói “Con là một đứa trẻ hư” (câu nói dễ gây tổn thương cho trẻ) hãy cho con biết rằng hành động đó không phù hợp và hướng dẫn cho con biết con nên làm gì.

🙋 Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff, Đại học Oxford, Đại học Amsterdam và Đại học Utrecht muốn tìm ra chiến lược nào có thể hạn chế hành vi không đúng mực ở trẻ em.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 156 nghiên cứu tập trung vào hành vi gây rối của trẻ em từ 2 - 10 tuổi. Hơn 15.000 gia đình ở hơn 20 quốc gia đã tham gia nghiên cứu. Trong số các vấn đề hành vi được xác định như giận dữ thường xuyên, tranh cãi to tiếng, hành vi bất hợp tác, trêu chọc người khác...Và các nhà nghiên cứu nhận thấy các chiến lược có thể hạn chế hành vi sai trái ở trẻ là:

👍 Tập trung vào hành vi tích cực: đơn giản là thay vì lúc nào cũng chỉ trích về những hành vi sai trái thì hãy nhìn vào những điểm tốt ở một đứa trẻ.

👍 Sử dụng các kỹ thuật kỷ luật đầy đủ, không bạo lực: việc trừng phạt con có thể làm ngừng hành vi xấu của con ngay lập tức nhưng lại mang lại sự sợ hãi, áp lực cho trẻ. Thay vào đó hãy sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực, lành mạnh.

Theo Tạp chí Nhi khoa & Sức khỏe Trẻ em, các phương pháp kỷ luật hiệu quả có chung sáu đặc điểm:

🌱 Trẻ phải được kỷ luật bởi một người lớn có mối quan hệ tình cảm, gắn bó với trẻ như bố, mẹ, ông, bà…

🌱 Trẻ cần nhận thức được rằng mình là trẻ con

🌱 Nhất quán về hành vi kỷ luật và được hướng dẫn về hành vi cần được thay đổi.

🌱 Hình thức kỷ luật phù hợp với tuổi

🌱 Trẻ thực hiện một cách tự giác

🌱 Phù hợp với sức khỏe của trẻ

👍 Bố mẹ cần xây dựng mối quan hệ bền chặt với con: Một số nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ em có vấn đề về hành vi đều bắt nguồn từ mối quan hệ với cha mẹ và con cái yếu. Việc xây dựng một một mối quan hệ thân thiết, tin tưởng sẽ hạn chế những hành vi tiêu cực ở trẻ.

👍 Để con được sống là mình và được phép thể hiện cảm xúc: trẻ em cũng giống như người lớn chúng, trẻ cần được tôn trọng, được làm những gì mình thích, được thể hiện cảm xúc mà mình có, được nói ra ý kiến của bản thân.

🌻 Tâm hồn của bọn trẻ thật đẹp bố mẹ ạ. Chúng ngây thơ, trong sáng, chân thật với cảm xúc của mình. Vì vậy, đừng để những áp đặt của bố mẹ xuất hiện trong vóc dáng nhỏ bé của con. Bạn cũng không nên đưa ra sự kỳ vọng, áp lực quá lớn với trẻ, so sánh con với những đứa trẻ khác. Bởi lẽ mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng, có tính cách, suy nghĩ, tư tưởng, hoàn cảnh riêng. Hãy để trẻ được sống trong sự giáo dục chuẩn mực nhưng tự do với cá tính và sống thật là con người mình.

Chúng mình cũng thích những em bé ngoan, nhưng phải ngoan khi con là chính con, và con được thoải mái, hạnh phúc với cái “ngoan” ấy! 💕Nguồn: FB Lại Thị Hải Lý