Đó là câu hỏi ám ảnh khôn cùng của rất nhiều bà mẹ không may mắn sinh con dị tật. Ám ảnh, bởi xót thương con vô cùng và không có câu trả lời vì sao số phận lại không mỉm cười với thiên thần của mình.




Nỗi ám ảnh khôn nguôi




Trái ngược với những người mẹ mong ngóng sinh được cậu quý tử cho gia đình chồng, một vài người bạn tôi quen biết đã trải qua những tháng ngày thai nghén trong thắc thỏm. Các bà mẹ ấy chỉ cầu mong con sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh; chứ con trai hay gái đối vợi họ đều quý như nhau.






Sinh một đứa trẻ khỏe mạnh là niềm ao ước của rất nhiều bà mẹ




Tôi hay tin bạn tôi sinh cách đây không lâu, và chỉ hơn một tháng sau, tôi lại được tin từ cô ấy rằng con gái cô ấy đã mất. Tôi cũng đã kịp đến thăm bạn và cháu một lần. Thật xót xa: em bé sinh ra bị dị tật. Bên ngoài bé có vẻ bình thường, chỉ có đôi tai là quặp lại. Nhưng bạn tôi cay đắng kể rằng hệ hô hấp và hệ tiêu hóa của bé không được bình thường. Bé rất khó ăn, chỉ có thể ăn bằng đường xông, ăn xong lại hay nôn trớ. Bên cạnh đó, bé lại rất hay sốt cao, khó thở. Suốt một tháng ròng rã nhìn bé con chìm trong đau đớn và bệnh tật, bạn tôi hầu như tắt ngấm niềm hi vọng rồi con sẽ khỏe. Ngày bé đi, bạn tôi khóc cạn nước mắt.






Không may mắn trong quá trình mang thai sẽ khiến mẹ bị trầm cảm




Một người mẹ khác mà tôi biết, đã tưởng như không sống nổi khi nghe bác sĩ nói đứa trẻ trong bụng cô ấy bị dị tật thừa ngón tay và chân, có tật ở tim, thoát vị rốn. Sau hơn một tuần đợi chờ kết quả chọc ối trôi qua nặng nề, người mẹ ngất xỉu khi bác sĩ khuyên cô nên bỏ thai vì nếu để thì bé cũng ít cơ hội sống. Thường, những thai nhi bị dị tật nặng nề như vậy sẽ tự đào thải từ trong bụng mẹ, hoặc chỉ duy trì sự sống rất ngắn sau sinh. Quả thật, chưa đến ngày làm thủ thuật lấy con ra thì cô ấy đã không còn thấy con mình máy nữa. Phải mất hơn hai năm sau, cô ấy mới dám có thai lại, và thật may mắn, đứa bé này ra đời khỏe mạnh.




Đi tìm lời giải đáp




Sự ám ảnh của những người mẹ không may có con dị tật, chính là không thể lý giải vì sao con mình lại kém may mắn đến vậy. Có người thảng thốt: “Cả ba và mẹ đều khỏe mạnh, mẹ mới 24 và ba cũng chỉ 27, cớ gì con tôi lại không bình thường?”. Cô bạn tôi thì mất bình tĩnh đến nỗi, cô mắng cả vị bác sĩ thăm khám thường xuyên cho mình rằng vì sao con cô đến tháng thứ 7 cô mới hay con bị dị tật? Không ít mẹ cảm thấy tuyệt vọng khi đã chuẩn bị chu đáo cả sức khỏe và tinh thần từ trước khi có bầu, nhưng con mình vẫn phải nhận án tử từ khi chưa chào đời.







Mẹ nên đi khám thường xuyên để kiểm tra sức khỏe thai nhi




Không còn điều gì đau đớn hơn khi đứng trước quyết định sẽ phải bỏ con, khi con vẫn ngày ngày máy trong bụng mẹ. Những người mẹ này sau đó tâm lý bị tổn thương trầm trọng, vừa day dứt, vừa lo sợ cho những lần sinh nở sau. Cá biệt, có người mẹ còn ở tận cùng sự đau đớn khi vừa sinh con dị tật, vừa chịu sự ruồng rẫy của gia đình chồng.


Các nghiên cứ đã chỉ ra, trẻ có thể bị dị tật khi mẹ ở nhóm có nguy cơ cao: mẹ trên 35 tuổi, tiếp xúc với hóa chất độc hại, trong gia đình có người bị bệnh di truyền... Ngoài ra, những người không thuộc nhóm này vẫn có thể sinh con dị tật, có điều tỉ lệ thấp hơn.




Dù phải trải qua rất nhiều cân nhắc để các bác sĩ quyết định bỏ hay giữ, như độ chính xác của kết quả chẩn đoán, có nên phá bỏ không? Trong trường hợp để sinh thì các dị tật đó liệu có thể sửa được không? Nếu chữa trị thì quy trình thế nào, chi phí bao nhiêu?... Tất cả những điều này đều được các bác sĩ tư vấn rõ ràng và cha mẹ sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.




Nhưng, quả thật, không ai cảm thấy được giải thoát khi đưa ra quyết định ấy. Kể cả giữ, hay bỏ.