Chiều nay, đưa con đi học về, ngang qua góc đường trước khi quẹo vào con đường để về nhà, con chợt reo lên:


- Mẹ ơi ! lồng đèn con cá kìa mẹ ! Sắp tết trung thu rồi phải không mẹ ?



Mình ừ với con. Và chợt thấy nao nao trong dạ. Trung thu về, mình lại nhớ đến bố da diết. Mình nói với con :


- Để sắp đến trung thu mẹ và con sẽ làm lồng đèn quả bí con nhé !


- Dạ … có thắp nến nữa hả mẹ - con ôm mình nói với ra phía trước.


- Tất nhiên rồi con yêu. Mẹ nhớ ông ngoại lắm… ngày xưa…



Và mình lại mơ màng nghĩ đến ngày xưa. Ngày ấy, chắc mình cũng tầm tuổi con bây giờ, cũng náo nức trong lòng mỗi khi Tết trung thu về. Nhà mình nghèo lắm, có được một chiếc lồng đèn dung dăng cùng ngõ với đám con nít trong xóm là một điều hãnh diện. Thế nhưng, mình chưa bao giờ được bố mua cho một cái lồng đèn bao giờ. Cứ mỗi khi đến đêm trung thu, là chị em mình đứng trong của nhà nhìn ra ngoài ngõ, nghe tiếng reo hò và hát vang của đám con nít hang xóm mà chảy nước mắt. Cũng đúng thôi, một cái lồng đèn có giá trị bằng cả bữa chợ của cả gia đình mình. Một mình bố chạy vạy lo ăn lo học cho bốn đứa con, và thuốc thang cho người vợ đau yếu liên miên, thì mơ ước cái “lồng đèn” trung thu là một nỗi niềm xa vời cho những đứa trẻ nhà mình. Mình nhớ năm ấy, năm mình học lớp năm, trong tiết thủ công, cô giáo cho đề tài làm đế đèn. Bọn con trai lớp mình hào hứng mang dụng cụ lên làm cùng với đám con gái. Công cụ đề thực hiện là bao gồm một tấm bìa dày, kéo, một côn dây kẽm dài khoảng 5cm, một cây nến, và một lọ hồ dán. Cả nhóm mình hì hục uốn cọng kẽm thành hình lò xo, đường kính rộng tương đương với cây nến và đặt dán đế cọng kẽm vào ngay tâm của tấm bìa cứng được cắt thành hình tròn. Mình nhớ thằng Trung lớp mình, nó khéo tay thật, làm cái gì cũng đẹp. Đề tài cô giáo chỉ yêu cầu làm cái đế đèn, nó nghĩ ra cách lấy 1 tờ giấy đôi của tập kẻ ngang (ngày ấy gọi là tập giấy manh), to như khổ giấy A3 bây giờ, nó vẽ rồng vẽ rắn lên tờ giấy, thổi phù phù cho khô mực, rồi xếp lại thành hình cánh quạt. Sau đó nó cuộn hai mép giấy lại với nhau, tạo thành hình trụ và dán mép hình trụ xuống vành của đế đèn. Rồi nó lại lôi trong cặp nó ra them một cọng dây kẽm khác, dài hơn, móc hai đầu phía trên của tấm giấy hình trụ. Và thế là… thành một cái lồng đèn. Có thế thôi, vậy mà mình đã mơ mộng, ước gì có được cái lồng đèn ấy trong mùa trung thu. Tối hôm đó, mình đã nói với bố :


- Bố ơi, mấy đứa con thcih1 làm lồng đèn lắm, bố mua cho tụi con mấy cây nến và một vòng dây kẽm nhen bố.


Bố hỏi lại :


- Con làm lồng đèn àh ?


- Dạ, con làm lồng đèn theo cách làm của mấy đứa trên lớp con cho các em chơi, cũng dễ làm lắm bố à, nhưng phải có dụng cụ mới làm được, bố mua cho tụi con làm nhen…


Mình nhìn thấy ánh mắt bố đượm buồn nhưng cũng xen lẫn chút xíu tự hào với đứa con gái hơn 10 tuổi đầu. Và thật bất ngờ, ngày hôm sau, vừa ăn cơm tối xong, bố gọi mấy chị em mình ra trước sân, cùng với bố vót mấy đoạn tre và bố đã chuẩn bị tất cả các dụngcụ để làm cho mỗi đứa một cái lồng đèn hình ngôi sao. Đó là lần đầu tiên trong đời mình có một cái lồng đèn đúng nghĩa của đêm trung thu. Trong trí nhớ mình, đêm hôm ấy, cả 4 chị em mình cùng cầm đèn đi chơi với đám con nít trong xóm và vô cùng hãnh diện giơ cao chiếc lồng đèn ngôi sao đỏ, nhấp nháy anh nến lan tỏa cả một vùng trời tối.


Bây giờ, ngoài đường bày bán nhiều lồng đèn được lắp ráp tinh xảo và hiện đại, nhưng với mình, chiêc lồng đèn ngôi sao ngày xưa vẫn là chiếc lồng đèn đẹp nhất. Mình vẫn cứ hay kể câu chuyện này cho con mình nghe và… năm nào cũng vậy, con lại háo hức cùng với mẹ làm lồng đèn. Cả hai mẹ con cùng hì hục, nằm bò ra sàn nhà để mà thực hiện, dù nó rất xấu và không hiện đại như lồng đèn bày bán ngoài tiệm, nhưng cả hai mẹ con mình luôn vui và hãnh diện với chiếc lồng đèn “tự chế tạo” ấy.


Cứ mỗi mùa trăng về, mình lại háo hức như thưở còn thơ !