Không khai báo y tế, nữ bác sĩ trở thành bệnh nhân “siêu lây nhiễm” khiến hàng nghìn người khốn đốn. Đáng nói, bà từng lên truyền hình nói chuyện về việc tự cách ly khi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh. 

hình ảnh

Giữa lúc dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát mạnh. Một nữ giáo sư bác sĩ người Nga đã vô tình gây ảnh hưởng đến nhiều người sống gần hoặc từng tiếp xúc khi bà phát hiện nhiễm bệnh. 

Trong thời điểm dịch bệnh dễ dàng lây nhiễm, bác sĩ Irina Sannikova đã có chuyến du lịch nghỉ dưỡng trở về từ Marid (Tây Ban Nha). Đến ngày 18/3, bà được chẩn đoán nhiễm bệnh do virus Covid-19 và phải dùng máy trợ thở. Ít nhất 11 người đã dương tính với virus do tiếp xúc với nữ bác sĩ. Ngoài ra, khoảng 700 người đã được đưa đi xét nghiệm và 500 người khác đang phải trải qua một loạt các kiểm tra. 

hình ảnh


Bác sĩ Irina. (Ảnh: Thanh niên)

Trở về sau chuyến nghỉ dưỡng, nữ giáo sư bác sĩ này vẫn tiến hành tham dự các hội nghị, cuộc họp với đồng nghiệp và sinh viên y khoa. Do bà không tuân thủ cách ly theo đúng quy định nên khi phát bệnh đã trở thành trường hợp “siêu lây nhiễm”, khiến nhiều người nhiễm bệnh hoặc đang có nguy cơ cao sẽ nhiễm. Có ý kiến đánh giá, trường hợp này là một sự “nguy hiểm sinh học”, khiến tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhiều ở nơi bà Irina sinh sống. 

Chi tiết đáng nói, bà Irina vốn không phải người thường không có kiến thức y học. Bà được đánh giá cao về năng lực và là bác sĩ chính về bệnh truyền nhiễm. Với kiến thức của mình, bà từng được xuất hiện trên sóng truyền hình Nga để nói về tầm quan trọng của việc tự cách ly và “trách nhiệm xã hội”. Bà từng quả quyết cho rằng, mọi người nên tự cách ly khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu nhiễm Covid-19.

"Đừng đi làm, đừng hắt xì hay ho vào người khác. Đừng sử dụng các phương tiện công cộng khi các bạn bị ốm. Hãy ở nhà. Đó là trách nhiệm đối với xã hội của một người vì sức khỏe của chính họ và cả những người khác", bà Sannikova từng chia sẻ. 

hình ảnh


Bác sĩ Irina (bên trái) được đánh giá cao về năng lực. (Ảnh: express.co.uk)

Vậy đó, tréo ngoe làm sao khi chính một người có kiến thức vững vàng, hiểu biết nhất định về căn bệnh nhưng lại không tuân thủ cách ly, đến khi nhiễm bệnh là thành kẻ “siêu lây nhiễm”. Có chăng, một phần chính là tâm lý chủ quan của nhiều người, cho rằng bản thân sẽ không sao nhưng lại quên mất một điều, virus không hề từ chối hay nhân nhượng với bất kỳ ai.

hình ảnh


Nữ bác sĩ từng lên truyền hình nói về tầm quan trọng của việc tự cách ly. (Ảnh: Kaznews)

Trước đó, vào cuối tháng 2/2020, trường hợp nữ bệnh nhân thứ 31 tại Hàn Quốc được cho là “siêu lây nhiễm” vì tiếp xúc với nhiều người khi chẩn đoán nhiễm bệnh. Hay tại Việt Nam, trường hợp nữ bệnh nhân thứ 17 và 34 cũng được cho là “siêu lây nhiễm” vì không cách ly ngay khi vừa đáp máy bay từ nước ngoài trở về. 

Những trường hợp này như hồi chuông cảnh báo đến nhiều người, rằng phải tuân thủ quy định cách ly khi trở về từ nước ngoài hoặc vùng dịch. Hạn chế di chuyển, ra đường trong thời gian này vì tình hình lây nhiễm đôi khi khó lường trước. Cốt lõi vẫn là không hoảng sợ nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan, phải có ý thức bảo vệ chính mình và sau đó là những người thân trong gia đình. Đấy, cứ nhìn những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không tự giác, có ý thức cách ly ngay từ đầu để lây nhiễm cho chính người thân thì có phải chua chát không? 

Nguồn tham khảo: VNE