Đối lập với những thanh niên chỉ biết ăn bám mẹ cha, mùa dịch được ở nhà nhưng chây lười lao động thì ở phía ngược lại, có những bạn trẻ sẵn sàng xông pha ra tuyến đầu, lao vào đội quân tình nguyện. Họ khiến chúng ta tự hào, cảm phục và xúc động vô cùng.

Ví như câu chuyện của Trần Ngô Hồng Phước (27 tuổi quê Long An) cũng đã gia nhập vào đội quân tình nguyện ngay khi Gò Vấp bước vào giai đoạn giãn cách xã hội từ cuối tháng 5.

Đi làm việc, mình sợ đến mức mắt kiếng thỉnh thoảng xệ xuống mũi nhưng không dám đưa tay lên đẩy vì sợ tay chạm mắt, nước đọng ở tấm kính che giọt bắn chảy thành dòng luôn cũng không dám lau. Đêm đó mình về đến nhà là 3 giờ sáng”, anh kể.

Những ngày tiếp theo, Phước chỉ nghỉ lưng vài tiếng mỗi đêm rồi lao ra hỗ trợ người dân khai báo y tế, kiểm tra giấy tờ khi qua chốt kiểm soát. Đứng dưới nắng, mồ hôi ướt sũng lưng áo, những vết hằn đỏ vì đeo khẩu trang nhiều ngày liên tiếp cũng bị trầy rát, nhưng chưa ngày nào anh nghỉ ở nhà.

Vốn là nhân viên lĩnh vực bất động sản, dịch ập đến, công việc của Phước bị tạm ngưng nên anh dành toàn bộ thời gian để trở thành tình nguyện viên chống dịch. “Tuổi trẻ mà mình cứ ngủ vùi trong chăn ấm nệm êm thì phí sức trẻ. Việc đi giúp người như ăn vô máu mình rồi, ở không thấy khó chịu lắm”, anh bộc bạch.

hình ảnhĐội quân tình nguyện làm việc ngày đêm (Ảnh: Thanh Niên)

Nhưng thời tiết ở TP.HCM cũng thật biết cách “thử thách” sức trẻ của anh Phước, có lần đứng điều tiết tại cầu Rạch Ông dưới nắng nóng, anh liểng xiểng ngất xỉu, ói và choáng váng. Nhưng nghỉ chừng 30 phút, anh lại tiếp tục ra đứng chốt.

Có lần mình đi sắp xếp người dân đứng giãn cách, chờ tới lượt lấy mẫu nhưng không phải ai cũng vui vẻ. Khi người ta đang vừa lo, vừa không vui thì mình bị chửi ngược lại là bình thường, mình phải nhờ công an hỗ trợ sắp xếp”, Phước cười khi nhắc lại kỷ niệm này.

Đã 2 tháng rồi mình chưa về nhà, trước thì 3 – 4 ngày mình lại chạy về một lần. Nhớ nhà lắm nhưng mình sẽ chỉ về nhà khi TP.HCM hết dịch”, nói rồi Phước mở điện thoại, lướt lướt xem lại hình gia đình.

Cũng trong đợt cuối tháng 5, đang về thăm nhà ở Sóc Trăng, Nguyễn Thị Diễm Mi (20 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Viễn Đông) nghe tin Gò Vấp bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, cần thêm tình nguyện viên hỗ trợ nên xin phép gia đình được quay trở lại thành phố.

Nhìn con gái nhỏ xíu, cha mẹ Mi xót ruột, khuyên con ở nhà, phần vì lo cho sức khỏe, phần vì gia đình làm nông sợ không lo đủ tiền chi trả các khoản khi con quay lại Sài Gòn. Nhưng Mi một mực thuyết phục, thấy con gái quyết tâm, cha mẹ Mi mới đành đồng ý, hôm sau đi rút 2 triệu để Mi lên lo tiền nhà trọ, ăn uống.

Mi tâm sự: “Mình lấy mẫu dưới trời nắng nên nóng đến rát da, về đến nhà chỉ ước có bồn tắm ngâm mình vào cho bớt nóng. Bây giờ có những ngày nhóm của mình lấy hơn 1.000 mẫu, mình cũng tiếp xúc với ca dương tính nhiều nên phải test nhanh thường xuyên, kết quả âm tính nên cũng không quá lo lắng”.

Để phòng chống dịch cho dãy trọ, Mi chuyển sang ở nhà tập thể của đội tình nguyện tại Q.12. Công việc mỗi ngày luôn tất bật từ 7 giờ 30 sáng đến khoảng 21 giờ nên Mi thường tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi cho gia đình. Bên cạnh đó, Mi cũng khẳng định “khi nào TP.HCM thì hết dịch mới về”.

hình ảnh

Rất nhiều người không về thăm nhà, toàn tâm toàn ý tham gia chống dịch (Ảnh: Thanh Niên)

Lặng nghe những chia sẻ của các bạn trẻ, thật sự rất muốn nói lời cảm ơn cả ngàn lần vì họ quá tuyệt vời! Đứng trước đại dịch họ không hề nao núng sợ hãi, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu hỗ trợ người dân, họ sẵn sàng chịu đựng thời tiết nóng như đổ lửa, trong bộ đồ bảo hộ trùm kín mít từ đầu đến chân, mồ hôi tuôn ra như suối.

Hcũng bất chấp khả năng mình có thể bị nhiễm bệnh, bởi họ tin rằng, có thứ còn đáng quý hơn cả mạng sống, đó chính là tình người. Xúc động hơn, dù bị ngất xỉu giữa trời nắng nóng, sau đó tỉnh dậy uống chút nước rồi họ lại động viên nhau cùng đi qua khó khăn.

Họ không xin nghỉ, họ không xin dừng, dù họ có quyền làm điều đó, vì “tình nguyện” là không ai bắt ép. Thế nhưng, nghĩ tới những người dân đang khó khăn, đội ngũ y bác sĩ đang bị quá sức, các bạn trẻ lại gồng mình lên để cố gắng tới cùng.

Vậy mà nhiều người dân không chịu hợp tác, la lối vì đợi chờ lấy mẫu xét nghiệm, chê bai đội ngũ làm việc chậm chạp, họ đâu có biết rằng bây giờ 1 người phải phục vụ cho mấy chục người, lấy đâu ra thời gian để nhanh, chưa kể các bạn trẻ phải làm việc liên tục trong nhiều ngày, sức đâu mà đòi nhanh như chớp.

Đã thế, miệng đời ác nghiệt, có người còn đồn tình nguyện viên đi làm lương 600 ngàn mỗi ngày. Hỡi ôi, họ làm cả tháng không biết được hỗ trợ bao nhiêu đồng, có khi làm không công vẫn vui vẻ hạnh phúc. Vậy mà…

hình ảnh

Dù thời tiết khắc nghiệt, các bạn trẻ vẫn cố gắng hết sức (Ảnh: Thanh Niên)

Nhưng thôi, hãy xí xóa và bỏ qua tất cả, hãy cảm ơn những bạn trẻ, có em chỉ mới 16 tuổi cũng xin được tham gia, dù trước đó đang làm con cưng của mẹ cha thì nay chấp nhận xa gia đình, bỏ qua những ngăn cảnh của phụ huynh. Bây giờ bước ra đường, họ không thể quay về, phải đi ngủ nhờ, phải cam chịu những ánh mắt xa lánh của một số người vì sợ bị lây bệnh.

Ngẫm lại chúng ta, những người đang còn khỏe mạnh, đang được ở yên trong nhà, đang có cơm ăn ngày vài bữa thì hãy biết trân trọng những đội ngũ đang cố gắng vì mình. Hãy nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Nhà nước, hãy chung tay phòng chống dịch bệnh. Hãy nói thật nhiều lời cảm ơn thay vì lên mạng chỉ trích và xóc xỉa. Bởi bây giờ, điều cần nhất chính là lan tỏa sự yêu thương.

Nguồn: Thanh Niên