Từ xưa đến nay, có rất nhiều vụ án thương tâm về con cái ra tay hại chết mẹ cha ruột. Gặp cảnh ấy, 100% người đời đều chì chiết nhân phẩm của gã sát nhân. Họ chửi hắn ta là đồ bất hiếu, đồ cầm thú, thứ mất nhân tính không xứng để tồn tại trên cõi đời này.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy, bởi xã hội vẫn có những câu chuyện mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được, và bi kịch của một gia đình, đôi lúc lại bắt đầu từ sự cam chịu của người phụ nữ mà thôi. Ví như trường hợp sau, chính là minh chứng buồn nhất.

Ngày 21/9, TAND tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phan Minh Mẫn (20 tuổi, ngụ Bình Chánh) về tội: “Giết người”. Đây là trường hợp đặc biệt mà cán cân công lý và tòa án lương tâm luôn phải được xem xét tỉ mỉ từng tình tiết nhỏ.

hình ảnh

Phan Minh Mẫn tại phiên tòa nhiều nước mắt (Ảnh: Zing.vn)

 Lật lại vụ án vào năm 2019, vào một ngày không mấy đẹp trời, khi từ trường về nhà Mẫn nhìn thấy cha mình đang say rượu nằm ngủ dưới nền nhà.  Nhớ đến những trận đòn roi thừa sống thiếu chết và sự hành hạ của cha đối với gia đình. Mẫn cắm dây điện vào ổ điện rồi chích vào người cha mình gây co giật. Sau đó, Mẫn tiếp tục chích điện vào người ông Tuyên cho đến khi chết hẳn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà nội, mẹ, em gái và người thân cứ chắp tay nguyện cầu cho Mẫn. Những giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng tuôn trào khi tòa tuyên án Mẫn được giảm từ án tử hình xuống chung thân. Bà An quỳ sụp xuống lạy, như tạ ơn HĐXX. 

Rồi bà kể, đời bà đã khổ, thấy con dâu cũng giống cảnh ngộ mình, nên bà càng cảm thông và yêu thương con dâu như chính con đẻ. Ông nội Mẫn bỏ bà để chạy theo hạnh phúc mới khi đứa con nhỏ chưa tròn 1 tuổi. Vậy là từ đó đến nay, một mình bà tay ẵm tay bồng, nuôi 5 đứa con khôn lớn.

Trong 5 đứa con (2 trai, 3 gái) của bà, đứa nào cũng tu chí làm ăn. Chỉ có mỗi đứa con trai đầu Phan Thế Tuyên (cha Mẫn) là ngày nào cũng rượu chè be bét. Sau mỗi cơn say, vợ con là “trái banh” để cho ông đánh đập. Có đêm, ông tống cổ 3 mẹ con Mẫn ra khỏi nhà. 

hình ảnh

Bà nội, mẹ, em gái của bị cáo khóc hết nước mắt (Ảnh: VNE)

Tội nghiệp cho con Ánh (38 tuổi, mẹ Mẫn) lam lũ làm ăn. Bị chồng đánh đập hoài mà không dám nói  vì muốn bảo vệ gia đình, không muốn chồng mình bị mọi người coi khinh. Gia đình bên ngoại chết cả rồi nên những lúc đau khổ, nó chỉ biết chạy qua tôi mà khóc nức nở cho đỡ tủi hờn. Tôi nói với nó: Sao mà đời con khổ giống má quá vậy trời”. Và thế là, mẹ con cùng ôm nhau khóc…”, bà nội Mẫn kể lại.

Nhà nghèo. Chị Ánh làm tạp vụ cho một công ty cũng chỉ được 1-1,5 triệu đồng/tháng nhưng phải dè xẻn để nuôi cả gia đình. Em gái Mẫn chỉ mới học đến lớp 7, không có tiền phải bỏ sách vở để đi học nghề uốn tóc. Học được 1,5 năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm.

 Còn Mẫn, dù cuộc sống chồng chất khó khăn nhưng vẫn cố vượt qua nghịch cảnh, cố gắng học tốt với khát vọng "sau này giúp mẹ và em thoát cảnh nghèo". Có những hôm đi học về, không có gạo nấu ăn, bụng đói mà còn bị cha ruột đánh nhưng Mẫn không dám nói lời nào.

Rồi bà tiếp: “Thằng Tuyên nhà tui sao hư quá. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tôi có khuyên bảo hết lời thì nó vẫn chứng nào tật nấy…”. Trong mắt bà nội, lúc nào Mẫn cũng là đứa cháu ngoan hiền, lễ phép. “Mẫn có hiếu lắm. Không bao giờ cãi lời bà nội. Đến cả cha nó, ngang bướng, quậy phá là vậy nhưng nói gì Mẫn cũng nghe. Cha say xỉn, bắt chở về thì nó đến chở, không một tiếng phiền hà. Vậy mà….”, bà lắc đầu nước mắt chảy dài.

Mất con trai, bà không muốn mất thêm đứa cháu yêu quí của mình. Bà đã đi gõ cửa khắp nơi để kêu xin nhờ luật sư tư vấn. May mắn thay, giữa cơn bế tắc và nghèo túng, bà được luật sư nhận bào chữa miễn phí cho Mẫn.

hình ảnh

Bà nội bật khóc sau khi cháu trai được giảm án (Ảnh: Dân Trí)

Phiên tòa kết thúc, người dự khán lục tục kéo nhau ra về. Nhưng người bà vẫn đứng lặng lẽ nơi góc sân tòa với hy vọng: “Chắc chắn xe tù chở Mẫn ra cổng này. Đứng đợi đây, thế nào cũng được nhìn cháu thêm chút nữa…”. 

Có lẽ, chỉ những ai từng rơi vào hoàn cảnh ấy, từng trải qua những tháng ngày về bạo lực gia đình thì mới thấu hiểu, cảm thông cho chàng trai trẻ. Anh đáng thương hơn đáng trách, bởi túng quá hóa liều, anh chỉ người cha ‘ra đi’ để mẹ, bà và em gái không còn đau khổ.

Thực lòng mà nói, đàn ông có thể nghèo, thậm chí có thể hèn nhưng đừng bao giờ thể hiện cái tính bạo lực, bởi nó không chỉ là mối nguy hiểm cho gia đình, xã hội mà còn gây ám ảnh tâm lý nặng nề cho người thân. Những đứa trẻ lớn lên với một người cha thích chửi bới, đánh đập… không ít thì nhiều điều mang trong lòng một sự hận thù nhất định.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là cổ xúy cho hành động con giết cha hay vợ hại chồng, chỉ là đứng ở một góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy cảm thương hơn là lên án. Có lẽ họ đã quá túng quẫn, quá đau khổ, quá phẫn uất đến nỗi mất đi lý trí của bản thân.

hình ảnh

Và rồi, có tội phải đền tội, tương lai rực rỡ của một nam thanh niên hiền lành, hiếu thảo đành khép lại từ đây. Bản án của tòa không phải là thứ bi đát nhất mà chính sự đau khổ của những người còn sống mới là điều ám ảnh khôn nguôi. 

Một lần nữa, câu chuyện nói trên như hồi chuông cảnh tỉnh những ai đang là mẹ, làm cha, vào vấn nạn bạo lực gia đình đầy nhức nhối. Nhất là với phụ nữ, xin đừng cam chịu hay nhẫn nhục, đừng nói rằng vì con nên mình cố sống với người đàn ông gia trưởng.

Không đâu! Một khi gã tồi đã nổi máu điên, thì đừng nói là tính mạng vợ mà đến sự sống của con hắn cũng không quan tâm. Để rồi bao nhiêu cái kết đi đát đã xảy ra, người qua đời vì không sống nổi, kẻ lãnh án tù vì tự bảo vệ bản thân.

Đã thế, nhưng hậu quả về sau còn mãi kéo dài, âm ỉ như nỗi đau mà gia đình Mẫn đang phải chịu đựng, kéo dài suốt cả đời, liên lụy tiếp cho thế hệ đời con cháu. Hỡi ôi, chỉ vì một gã đàn ông tồi, bao nhiêu người chịu cảnh khổ đau, chua chát lắm thay!.

Nguồn tham khảo: Dân Trí