Chàng trai cô độc, lủi thủi trong căn nhà không còn người thân và mang căn bệnh nan y khiến tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Anh thèm lắm tiếng nói của con người để xua đi không khí quạnh quẽ đang sống. 

Gia đình là điểm tựa, nguồn an ủi với mọi người. Đặc biệt lúc ốm đau ngặt nghèo nếu có người thân bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ hay nói chuyện cũng giúp tinh thần phấn chấn. Tuy nhiên trường hợp của anh Phùng Văn Quân (28 tuổi, trú tại thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội) lại khác, số phận của anh khiến nhiều người phải chạnh lòng xót xa. 

Vừa sinh ra, anh đã không biết mặt bố, rồi mẹ cũng bỏ đi khi anh tròn 2 tháng tuổi rồi từ đó sống lay lắt với ông bà ngoại. Hai anh em của Quân may được ông bà cưu mang nhưng tuổi cao, sức yếu rồi họ cũng lần lượt qua đời. Đáng nói, anh trai của Quân cũng ra đi khi ở tuổi 22 để từ đó anh sống lủi thủi trong căn nhà xập xệ, bốn bề im ắng không tiếng người thân. 

hình ảnh

Anh Quân sống lủi thủi trong gian nhà không còn người thân. (Ảnh Internet)

Do thiếu thốn tình thương bố mẹ từ nhỏ, lại sống với ông bà ngoại nên anh rất thương họ. Từ năm lớp 6, anh đã tự ý nghỉ học để đi làm kiếm tiền, giúp đỡ ông bà và chăm anh trai bệnh nặng. "Đi làm, kiếm tiền nuôi ông bà, nuôi anh", Quân chỉ nghĩ được vậy rồi nghỉ học. Tuy nhiên, bước ra đời đâu dễ dàng vì ai cũng từ chối nhận việc một cậu bé 12 tuổi gầy gò ốm yếu. "Sau đó mình đi đến đâu xin việc họ cũng đuổi mình về. Người ta bảo mình tuổi này là tuổi học hành, chưa đến lúc phải đến nỗi đi làm kiếm tiền. Thậm chí nhiều người còn nghĩ mình là đứa trẻ hư hỏng, không chịu học hành bỏ nhà đi làm", anh Quân nhớ lại.

Thương ông bà già yếu còn nặng gánh vì cháu, thương anh trai bệnh nặng nên Quân ra sông mò cua, bắt cá bán lấy tiền chữa bệnh cho anh. Sau này, anh xin được việc phụ hồ, tiền lương kiếm được là gửi về phụ ông bà chữa bệnh cho anh. 

hình ảnh

hình ảnh

Gian nhà trống trải hiu quạnh của anh Quân. (Ảnh Internet)

Ngặt nỗi, cuộc đời trớ trêu như lời anh Quân từng chua chát tự nói về mình: “Chắc mẹ mình sinh mình ra vào cung giờ xấu, cuộc đời mình không có được vui". Lần lượt, anh trai rồi ông bà ngoại đều qua đời và để lại anh Quân cô độc trong gian nhà nhỏ. Chưa kể, anh phát hiện sức khỏe suy yếu, rồi đi khám và điếng người nghe chuẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. 

Thân mang trọng bệnh, lại thiếu hụt kinh tế và quan trọng là vắng tình thương từ người thân nên anh Quân từng có lúc suy sụp rất nhiều. "Nhiều lúc mình có cảm giác thèm người nói chuyện lắm. Ước ai đó đến nhà mình nói những câu chuyện linh tinh thôi mình cũng vui rồi. Một mình trong căn nhà hiu quạnh, đêm xuống vắng lặng đến rợn người”, anh Quân nghẹn ngào bày tỏ. 

Với người có bệnh, không chỉ điều trị bằng thuốc uống mà tinh thần cũng là điều vô cùng quan trọng. Được người thân chăm sóc tận tình, hằng ngày trò chuyện giúp tinh thần phấn chấn cũng là cách giúp người bệnh nhanh phục hồi. Tuy vậy, anh Quân lại sống lủi thủi trong gian nhà nhỏ, không có gì đáng giá. Sau này bệnh trở nặng, anh không thể ra ngoài làm việc như trước. 

hình ảnh

"Giá mà có một người thân nào bên cạnh để mình ra đi khỏi tủi thân. Nhiều lúc mình chỉ sợ chết khô mà không ai biết. Sống thế này mình cũng phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm. Nhiều lần cũng chỉ muốn làm một liều thuốc ngủ cho xong nhưng suy nghĩ mãi lại thôi. Cũng may có âm nhạc, nhiều khi mình thở cũng khó khăn nhưng khi đỡ đau mình lại hát được. Âm nhạc cũng làm mình trở nên mạnh mẽ hơn", anh Quân nghẹn ngào chia sẻ. 

May mắn, anh tìm chút an ủi khi vào nhóm thiện nguyện, hát ở những hàng quán để lấy tiền từ thiện. Cơ thể không khỏe mạnh nhưng trái tim mong muốn được chia sẻ khiến anh kiên trì với công việc thiện nguyện. Đợt lũ vừa rồi, nhóm của anh cũng gây quỹ để ủng hộ đồng bào miền Trung nguy kịch. 

"Nếu được ghép thận thì tốt lắm, nhưng mình không dám ước điều đó vì xa vời với mình. Giờ mình chỉ có nguyện vọng là nếu như đến một ngày nào đó, mình không còn cố gắng được nữa, thì mong được hiến các bộ phận khỏe mạnh cho y học. Mình chỉ hỏng mỗi hai quả thận thôi mà, những bộ phận khác mình sẽ giữ gìn khỏe mạnh", anh Quân chia sẻ ước nguyện của mình. 

Nghe mà nể phục vô cùng, sống trong cảnh cô quạnh và bệnh tật dày vò càng khiến người đàn ông này khao khát được sẻ chia. Có lẽ nghịch cảnh đã giúp anh nhận ra sự quý giá của việc “cho đi” vì khi ấy anh nhận về tình thương, niềm vui và như sưởi ấm cuộc đời cô độc của mình.