Nhiều trường học chặt bỏ cây phượng lâu năm để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng liệu đây có phải là giải pháp tốt nhất? 

Sau vụ việc cây phượng bất ngờ bật gốc và ngã đè tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) vào sáng 26/5 khiến 1 học sinh qua đời, nhiều nơi đã tiến hành chặt bỏ cây phượng trong trường học. Từ lâu, đây là loại cây gắn với thời học sinh và được đi vào văn thơ nhạc họa nên khi chứng kiến hàng loạt phượng bị chặt bỏ đã khiến nhiều người nghẹn ngào. 

hình ảnh

Vụ bé trai mất vì cây phượng bật gốc: Lời hứa với mẹ và em đã không thành, mãi nằm dưới gốc cây

Khi chọn giải pháp đốn chặt cây phượng trong trường học cũng là vì muốn đảm bảo an toàn cho nhiều học sinh. Tuy nhiên hành động này chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng” trong khi trước đó nhiều trường không quan tâm đến việc chăm sóc cây. Nhiều khi nhìn bề ngoài, trông cây to lớn bề thế tán rộng xum xuê nhưng bên trong mục ruỗng do sâu đục hoặc bộ rễ bị chết dần. 

hình ảnh

Ảnh: Yeah1

Sau khi vụ việc một học sinh qua đời vì phượng bật gốc, nhiều người mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến loại cây này ở góc độ an toàn thay vì chỉ nhìn nó như một hình ảnh gắn với thời học trò. Theo chia sẻ từ trang Zing news, bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, TP HCM đã chỉ ra những sai lầm của nhiều trường khi chọn trồng cây phượng trong khuôn viên sân chơi của học sinh: 

"Vấn đề là các trường đem cây phượng về trồng khi nó đã lớn, đường kính 20-30 cm, để cây nhanh kết tán và có bóng mát. Chính vì thế, rễ cây thường ít phát triển, không bám sâu vào lòng đất và rất dễ bị mục.

Hơn nữa, ở thành phố, mức độ bê tông hóa cao, cây không có không gian để phát triển bộ rễ. Một cây phượng ngoài tự nhiên, bộ rễ có thể to ít nhất gấp 2 lần tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoặc trong thành phố, do không có không gian, bộ rễ chỉ bám nông trên mặt đất nên rất dễ đổ”. 

hình ảnh

Ảnh: Yeah1

Bất kì chuyện gì cũng đòi hỏi chúng ta phải am tường, thấu hiểu rõ ràng để tránh những rủi ro và ngay cả chuyện trồng một cái cây trong sân trường cũng vậy. Cắt bỏ trụi lủi những mảng xanh là bộc phát, lo sợ nên dẫn đến hành động chưa tính toán kĩ càng. 

Đặc biệt là mùa hè oi bức nếu cây xanh bị đốn hạ thì nhiệt độ càng thêm nóng và khả năng lọc tiếng ồn, bụi bẩn dĩ nhiên cũng bị hạn chế. Chặt cây trong khuôn viên trường chỉ nên tiến hành sau khi xác định cây đã già, sâu đục mục ruỗng và bộ rễ đã chết dần. Điều này cần đến chuyên gia thay vì tán loạn chặt bỏ hết. 

Cái khó ló cái khôn, thay vì hoảng loạn chặt bỏ cây phượng sau vụ việc đau lòng ở trường THCS Bạch Đằng, nhiều trường học đã chọn cách giăng dây làm hàng rào “niêm phong” để học sinh không đến gần gốc. Hay gần đây, có nơi đã đầu tư khung kim loại để gia cố, chống đỡ gốc phượng trong trường học để vừa an toàn, vừa giữ lại mảng xanh quý giá. Có trường lại chọn trồng những loại cây thay thế, tán cây cành lá không quá bề thế xum xuê nhưng vẫn có bóng mát và mảng xanh. 

hình ảnh

hình ảnh

Chăng dây làm hàng rào hay làm giá đỡ kim loại cho phượng. (Ảnh: Yeah1)

Đặc biệt trong thời gian bước vào mùa mưa, trường học cần cắt tỉa cây để loại bỏ cành già dễ gãy đổ, tránh gây hại người bên dưới. Ngoài ra, người lớn cũng cần giáo dục trẻ nhỏ những biện pháp an toàn để bảo vệ. 

Mùa hè này, phượng lại được nhắc đến nhiều nhưng không còn lãng mạn, đầy kỉ niệm như trước. Thay vào đó là nhiều người lo lắng, hoảng loạn vì bất trắc có thể tiềm ẩn dưới bóng cây kỉ niệm. Tuy nhiên không thể vì thế mà “giết lầm hơn bỏ sót”, một cái cây cũng có đời sống và gắn với ký ức con người miễn chúng ta chịu chăm sóc, quan tâm đến chúng.

Nguồn tham khảo: Yeah1, Tổng hợp internet