Nhìn cụ ông ngoài 60 tuổi bước vào phòng tập gym với thân hình cơ bắp cuồn cuộn, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ‘ông này’ phải có điều kiện lắm, phải chịu chơi lắm, về già có thời gian dư dả để đi làm ‘đẹp’ cho mình.

Nhưng hãy nhớ đến câu mà người xưa đã dạy: “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”, bởi cụ ông nói trên là một thợ hồ đúng nghĩa, hiện ông vẫn đang vất vả mưu sinh để nuôi sống cả gia đình.

hình ảnh

Đều đặn vào 8h tối, ông Võ Văn Vân, (64 tuổi ở phường 10, quận 8) có mặt tại phòng gym sau một ngày đổ bê tông ở công trình. Theo chia sẻ, ông Vân đến với môn thể hình khá muộn dù trước đó "xem truyền hình thấy diễn viên trong phim Mỹ có thân hình to cao rất đẹp", ông cũng ước sau này mình cũng được như thế.

Năm học lớp 7 trên đường đi học về thấy cục đá lớn, ông thử dùng hai tay nhấc lên hạ xuống suốt 3 km từ trường về nhà. Lớn lên, ông Vân lập gia đình, sinh con, gánh nặng cơm áo khiến ông quên mất giấc mơ về một thân hình đẹp.

"Khoảng năm 50 tuổi, một lần nằm trên võng thấy cái bụng to che khuất ly cà phê vợ đã pha đặt trên bàn ở đằng xa, tôi bất giác nghĩ cái bụng này cảnh báo sức khỏe về già chắc sẽ mắc nhiều bệnh. Không phải cứ làm thợ hồ, lao động nhiều thì sẽ thay thế được thể thao", ông kể.

Từ đó, khi đi làm, hễ công trình có giàn giáo, ông lại nhảy lên hít xà vài hiệp. Ở nhà, ông tập hít đất, gập bụng. Ngày nào ông cũng tập. Nhưng bất chấp sự chăm chỉ và cố gắng tập tành của ông, cái bụng chẳng nhỏ đi và cơ bắp cũng chẳng nở nang như ước muốn.

hình ảnh

Cụ ông kiên trì suốt 11 năm để tập luyện (Ảnh: Zing.vn)

Tháng 3/2009, ông Vân nhận sửa một phòng tập ở phường Bình An, quận 2. Khi công trình hoàn thành, thấy phòng tập có các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cùng những hình ảnh lực sĩ được treo lên, ông Vân nhớ lại ước mơ năm lớp 7 của mình và quyết định đăng ký đi tập ở đây.

 Hôm khai trương, ông là một trong những người đến đăng ký đầu tiên. Anh Nguyễn Khánh Toàn, chủ phòng tập đến giờ vẫn nhớ như in hình ảnh người đàn ông 53 tuổi bước vào đăng ký tập với chiếc áo sơ mi sờn cũ, mang đôi dép xỏ ngón và chiếc quần jeans dài dày cộm để bảo hộ lao động.

Kể từ đó, dù cả ngày đã phơi mình dưới nắng để trộn cát, vác xi măng, nhưng sau giờ làm ông lại chạy xe hơn 12 km từ quận 8 đến quận 2 để tập. Đã 11 năm, nhưng số ngày nghỉ tập của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có năm vợ ông Vân bệnh đi viện, ông phải nghỉ làm chăm sóc. Hơn 8h tối con gái mới vào thay ca nhưng ông vẫn tranh thủ chạy đến phòng tập, dù tối đó tập chưa đến 30 phút thì phòng đóng cửa. Cũng đợt đó, thấy gia đình ông Vân khó khăn, không có tiền trả viện phí, mọi người ở chỗ tập góp nhau, phụ giúp ông ít tiền trang trải.

"Anh em ở phòng tập giống như gia đình thứ hai của tôi vậy. Gần nhà cũng có chỗ tập, chỉ đi bộ là tới nhưng tui chấp nhận đi xa là vì tình nghĩa 11 năm nay", ông phân trần.

hình ảnh

Cụ ông và bữa ăn đạm bạc khi làm phụ hồ (Ảnh: FB)

Để hiểu thêm về bộ môn đang tập, ông mua sách tập thể hình để ghi nhớ tên các nhóm cơ. Nghe nhiều người nói thịt bò, cá hồi tốt cho người tập thể hình nhưng vì không có điều kiện, ông Vân đọc sách, rồi ăn trứng, chuối... rẻ hơn mà tác dụng cũng không kém.

Bữa sáng của ông thường chỉ là bánh mì hoặc xôi, bữa trưa là đĩa cơm bình dân cùng những người bạn thợ hồ của mình. Đi tập về, ông Vân ăn món vợ nấu, thường chỉ là cơm với con cá kho nhỏ và đĩa rau luộc. "Cơm ở nhà còn đạm bạc hơn cả đĩa cơm bình dân ngoài tiệm nữa", ông Vân cười.

Giờ đây, goài việc có một thân hình "như lực sĩ", thì sức khỏe của ông Vân cũng cải thiện và tốt hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Ông cũng không mắc bệnh người già.

Có lẽ với nhiều người, việc đi tập gym thường chỉ dành cho dân văn phòng công sở, dành cho những nam thanh nữ tú có điều kiện kinh tế để giữ gìn vóc dáng, chứ hiếm có ai mà sáng đi phụ thợ hồ, tối lại về tập thể hình như ông Vân. Bởi lẽ, công việc một ngày của ông đã quá đỗi nặng nhọc, mất sức.

Nhưng xin đừng nghĩ vậy mà chê cười cụ ông, vì sống trong đời, mỗi cá nhân đều cần có một đam mê. Cụ ông không mê tiền, mê gái, không mê cờ bạc rượu chè, không mê lối sống trụy lạc, vậy là đáng mừng cho gia đình và xã hội.

Cụ ông mê gym là ước mơ hoàn toàn chân chính, gym vừa tốt cho sức khỏe, vừa giúp ông phấn chấn tinh thần. Hơn hết, chính là sự kiên trì không từ bỏ suôt 11 năm của ông, dù nhà xa phòng tập, dù điều kiện thiếu thốn rất nhiều.

hình ảnh

(Ảnh: Zing.vn)

Nhìn thành quả ngày hôm nay, chúng ta chỉ thấy ông Vân có một thân hình săn chắc, cơ bắp nhưng ngẫm sâu hơn, là bài học về sự nỗ lực không ngừng. Ước mơ ấy bắt đầu từ 13 tuổi, đến năm 53 tuổi mới có thể thực hiện, vậy là ông đã ‘dang dở’ gần 40 năm.

Nhưng ông Vân không hề bỏ cuộc, muộn còn hơn không, dù ông chẳng đổi đời như bao kẻ khác. Ông vẫn nhọc nhằn mưu sinh với bột hồ, vôi vữa…. Nhìn người ta ăn cá hồi gạo lực rồi tới phòng tập, mình cơm trắng cá kho vẫn hạnh phúc như thường, và đều đem lại một kết quả như nhau.

Nhìn ông, thế hệ trẻ hãy cảm thấy ngưỡng mộ và nên học hỏi. Chúng ta đừng viện cớ mưu sinh, đổ lỗi cho số phận, nghèo khó… để quên đi những khao khát của bản thân mình. Ai cũng có thể làm được, chỉ cần hỏi lòng mình có thực sự muốn hay không?

Nguồn tham khảo: VNE