Làm mẹ cha, chẳng ai mong con mình trở thành tội phạm, nhưng cuộc đời không nói trước được điều gì. Có người vì quá thương con mà khiến trẻ nảy sinh thói hư tật xấu, có người vì mải mê với công việc không giáo dục con cái đàng hoàng.

Để rồi hậu quả lớn nhất mà họ nhận được, là khi con cái suýt hại ch.ết mẹ cha. Như câu chuyện sau là minh chứng rất đau lòng.

Phạm Anh Dũng (ở Ứng Hòa, Hà Nội) dù đã 53 tuổi, nhưng vẫn chưa lập gia đình, sống ăn bám vào mẹ cha. Đã thế, gã còn nhiều lần ra tù vào tội. Ngày xảy ra vụ án (12/2020), trong bữa cơm tối, gã tranh cãi với với cha của mình là ông Phạm Gia T. (SN 1946) về việc mua rượu để uống.

Trong lúc nóng giận, Dũng đã tát bố mình vài cái. Sau đó, hai cha con lao vào vật lộn nhau. Lúc này, mẹ của Dũng, bà Nguyễn Thị Th. đành đến nhà anh Lê Trọng Đạt, công an viên xã Quảng Phú Cầu để trình báo sự việc.

Khi thấy anh Đạt đến hòa giải, cha con ông T. dừng lại không đánh nhau nữa. Sau khi anh Đạt về, bà Th. đi xuống bếp, còn Dũng và ông T. ngồi đối diện nhau ở bàn uống nước. Dũng lấy phích nước để rót nước uống thì bị ông T. dùng tay gạt làm rơi phích xuống nền nhà, khiến phích bị vỡ và hai cha con lại tiếp tục cãi chửi nhau.

hình ảnh

Dũng nhiều lần ra tù vào tội nhưng khi được thả về, vẫn rượu chè bê tha (Ảnh: VietNamNet)

Trong lúc bực tức, bị cáo lấy dao, đứng đối diện bố đang ngồi dưới ghế, đâm mũi dao về phía ông T. nói: “Ông có tin tôi đâm ông không?” Thấy vậy, người cha ưỡn ngực, dùng tay phải tóm vào cổ tay con trai nói: “Mày đâm đi”. Ngay lập tức, bị cáo đâm 1 nhát vào ngực cha. Khi con trai rút dao ra, ông T. kêu: “Chảy máu rồi”, và gượng dậy đi ra khỏi nhà, hai tay ôm ngực rồi ngã gục ở cổng.

 Lúc này bị cáo mới cùng mọi người gọi xe đưa bố đi viện. Sau đó, Dũng đến Công an huyện Ứng Hòa đầu thú. Về phần ông T., bị gãy xương sườn, tổn thương phổi. Do được cấp cứu kịp thời nên ông không tử vong, bị tổn hại sức khỏe 15%.

Ngày con bị đưa ra xét xử ở TAND TP Hà Nội, vợ chồng ông T. dắt díu nhau đến tòa từ sớm, mang theo lỉnh kỉnh bánh, sữa cho đứa con trai bất hiếu. Người cha bất hạnh kể, hôm xảy ra sự việc, khi đã có hơi men, con trai bắt đầu chửi ông và chuyện ông bị đứa con nghiện ngập chửi bới xảy ra thường xuyên. “Tôi hầu như thường xuyên bị con trai chửi, nó không có ý thức tôn trọng bố mẹ... Nó cứ nóng lên, uống rượu xong thì bất kỳ con dao nào từ to, bé đều dí vào miệng tôi nhiều lần”.

 Nói đến đây ông T. khóc nức nở. Ông nghẹn ngào cho hay, chuyện xảy ra ông không hề mong muốn, bởi ông cũng là cha, không ai muốn đẩy con mình vào con đường tù tội. “Dù con tôi có sai thì vẫn là con, tôi mong toà xem xét hình phạt cho cháu. Việc của chúng tôi là do mình không biết cách giáo dục con...”.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, Dũng thừa nhận việc làm của mình là sai, mong HĐXX cho bị cáo mức án thấp để sớm được làm lại cuộc đời. Nghe con trai trình bày, người cha già lấy tay gạt vội dòng nước mắt. Tuy nhiên, tòa vẫn tuyên phạt Phạm Anh Dũng 13 năm tù.

hình ảnh

Người đàn ông 53 tuổi vẫn còn ăn bám mẹ cha (Ảnh: VietNamNet)

 Ngẫm mà chua chát cho một gia đình đầy bất hạnh! Ngẫm mà tội nghiệp cho những người làm mẹ làm cha khi có đứa con trai bất hiếu. Họ cả đời lam lũ nuôi chúng nên người, có trách móc vài câu cũng chỉ mong con mình tỉnh ngộ để kiếm việc làm cho tử tế.

Vậy mà con cái không hiểu, không cảm thông, chúng còn ghét bỏ mình nhiều hơn. Để rồi khi xảy ra sự cố nguy hiểm, chính họ là người phải gánh chịu hậu quả đau lòng nhất. May cho ông T. còn giữ được mạng sống, nếu có gì xảy ra, hẳn bi kịch còn đau gấp bội.

Thật không hiểu thế hệ trẻ ngày nay sao lại manh động đến như thế, sẵn sàng gây chiến từ những điều nhỏ nhặt, sẵn sàng làm bị thương bất kỳ ai phản kháng, kể cả người trong gia đình. Chúng vì nghiện ngập, vì cờ bạc, vì thú vui phù phiếm, có thể đánh mất mọi lý trí của bản thân mình.

Càng nghĩ lại càng ngao ngán cho người đàn ông 53 tuổi, anh ta đã sống hơn nửa đời người, nhưng vẫn còn ăn bám gia đình, ngửa tay xin tiền mẹ cha. “Hệ quả” một phần vì lối sống ích kỷ, coi trời bằng vung, nhưng phần lớn là do giáo dục thiếu hụt mà ra, bởi ngay từ nhỏ đã không được uốn nắn.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Cá chuối đắm đuối vì con” để ám chỉ việc các bậc cha mẹ dốc hết tiền của, tinh thần và sức lực của mình vào con mà không một lời oán thán hay hối hận. Thế nhưng, cha mẹ chỉ nên là người chỉ dạy, không phải chỉ đạo đời con, chỉ nên là người hướng dẫn chứ đừng bao bọc, chở che, bởi hậu quả của nó vô cùng khó lường.

hình ảnh

Không biết sau khi mãn hạn tù, Dũng trở thành một cụ ông 66 tuổi, lúc ấy liệu mẹ cha của ông ta vẫn còn? Liệu ông ta còn có cơ hội báo hiếu hay lại về nhà tiếp tục ăn bám. Nếu vậy thì cái vòng luẩn quẩn sẽ vô cùng chua chát.

Thôi thì sau cùng, hãy xem đây là bài học cảnh tỉnh dành cho tất cả chúng ta, bởi sinh con đã là chuyện khó, nuôi con khôn lớn thảo hiền còn khó gấp trăm. Cha mẹ cứ nghĩ mình đã hết sức hết lòng với con cái, nhưng trong thâm tâm chúng nghĩ gì, lại là chuyện rất khác, nên cần phải quan tâm và sẻ chia nhiều hơn nữa.

Còn về phần của những đứa con, dù mẹ cha giàu có hay nghèo hèn thì nghĩa vụ của chúng ta vẫn phải yêu thương họ, nếu không thể chăm sóc đến cuối đời, nếu không đủ bao dung để quan tâm, thì ít nhất cũng phải sống cho đàng hoàng, tử tế, hành xử cho chừng mực. Còn giết mẹ đánh cha, thì trời đất không dung, sớm muộn cũng nhận quả báo.

Nguồn: VietNamNet