Quán quân duy nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia không du học Úc và chọn học tại một trường đại học “con nhà giàu” ở Việt Nam. 

Nhắc đến Đường lên đỉnh Olympia hẳn nhiều người không còn quá xa lạ bởi sân chơi này là nơi các tài năng trẻ được thử sức mình cũng như tìm kiếm cơ hội nhận suất học bổng gần 1 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ du học Úc. Nhiều quán quân của chương trình đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ danh giá và đang sống, làm việc tại Úc. 

Tuy nhiên, trong gần 20 mùa Olympia, có một quán quân không chọn du học Úc và ở lại Việt Nam để học đại học, đó là Trần Thế Trung. Anh chàng là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 và cuộc sống hiện tại của Thế Trung đang thế nào hẳn khiến nhiều người tò mò phải không nè. 

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Theo thông tin mình đọc được, Thế Trung cũng như những quán quân trước là từng có ý định sẽ chọn Úc để du học. Nam sinh còn hứa sẽ quay về Việt Nam cống hiến, làm việc sau khi hoàn thành chương trình học ở Úc. 

Tuy nhiên, thời điểm Thế Trung trở thành quán quân cũng là lúc thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên kế hoạch của nam sinh này đành phải hoãn lại. Trong thời gian đó, Thế Trung đã học thử online 6 tháng theo chương trình của trường Swinburne (Úc) và nhận thấy bản thân không phù hợp. Sau thời gian suy nghĩ, quán quân Olympia năm 2019 quyết định dừng lại việc du học Úc và chọn ở lại Việt Nam để học đại học. Thế Trung từng chia sẻ thế này: 

“Em đắn đo một thời gian trước khi đưa ra quyết định này, may mắn em nhận được ủng hộ từ gia đình cũng như bạn bè. Vậy là lời hứa trở về Việt Nam sau khi du học không thể thực hiện được nữa".

Mình nghĩ, 6 tháng học online do dịch bệnh bùng phát cũng phần nào giúp Thế Trung nhận ra bản thân phù hợp với môi trường học ở đâu. Lúc đầu, điều này có thể là trở ngại bởi việc du học phải hoãn lại nhưng hóa ra nhờ đó lại giúp nam sinh nhận ra bản thân không phù hợp, tránh bị mất thời gian và từ đó có hướng đi đúng hơn trong con đường học vấn. 

hình ảnh

(Ảnh 2sao)

Sau này, Thế Trung đã chia sẻ cụ thể hơn về chuyện chọn ở lại Việt Nam để học đại học thay vì du học Úc như nhiều quán quân khác của chương trình. 

"Thứ nhất, việc lựa chọn đi du học và sau khi học xong ở lại hay trở về là lựa chọn của mỗi người. Đó là lựa chọn cá nhân. Đương nhiên, cách đây 2 năm, khi đạt danh hiệu quán quân, mình đã từng chia sẻ, là một người yêu nước, mình thường nhìn về quê nhà và luôn nghĩ mình có thể làm gì để hoàn thiện tình hình ở đây. Ý mình không phải điều gì đao to búa lớn mà chỉ như là giúp đỡ được gia đình mình và giúp mọi thứ xung quanh tốt lên.

Thứ hai, chuyện 18 quán quân tiền bối của mình, những gì họ quyết định cho cuộc sống của họ thực tế không liên quan đến ai cả. Vậy nên mình hay nói chắc nịch rằng sẽ trở về Việt Nam ngay khi học xong nhưng chắc mình không thực hiện được lời hứa đó rồi vì mình có đi được đâu".

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình kênh YouTube Khánh Vy)

Công bằng mà nói, mình nghĩ Thế Trung hoàn toàn có quyền lựa chọn du học hay vẫn ở lại Việt Nam bởi 18 quán quân trước không liên quan gì đến nam sinh này, mỗi người đều có quyết định riêng. Dĩ nhiên, nếu được học ở một đất nước phát triển như Úc thi cơ hội được tiếp cận với kiến thức là rất cao, chưa kể được phát triển sự nghiệp, cuộc sống… Nhưng điều này không phải là mẫu số chung, là điều bắt buộc quán quân nào cũng phải làm theo như một công thức. 

Còn chuyện nhiều quán quân Olympia sau khi được du học ở Úc mà không quay về Việt Nam cống hiến, thay vào đó họ chọn sống và làm việc ở Úc cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Có người cho rằng đây là “chảy máu chất xám” vì nhiều tài năng của Việt Nam đã sang sinh sống, làm việc ở nước khác mà không cống hiến cho nước nhà. Tuy vậy, cũng có những ý kiến phản bác cho rằng, ở nước ngoài họ sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn cho việc học, nghiên cứu, làm việc. Đôi khi, tuy là làm việc ở nước ngoài nhưng những sản phẩm của họ lại gián tiếp giúp Việt Nam phát triển và đó cũng là một cách cống hiến. Mình nghĩ lựa chọn quay về việt Nam hay tiếp tục ở lại Úc để học chuyên sâu hơn và xây dựng sự nghiệp là phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng là môi trường nào giúp họ được phát triển hơn, thoải mái hơn mà thôi. 

"Theo mình, với các anh chị quán quân trước dù chọn ở lại hay về Việt Nam thì quyết định ấy đến rất tự nhiên. Những cơ hội phát triển cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống đã dẫn các anh đến các quyết định này vì nó có thể giúp các anh chị học tập, nghiên cứu, làm việc 1 cách thoải mái nhất mà vẫn có thể có những đóng góp cho đất nước. Điều này khiến mình rất ngưỡng mộ và mong khán giả có thể hiểu cho các anh đang ở nước ngoài!", Thế Trung từng chia sẻ về vấn đề nhiều quán quân Olympia không về lại Việt Nam mà ở lại Úc. 

hình ảnh

(Ảnh: Báo Nghệ An)

Còn với Thế Trung, sau khi học thử online 6 tháng và nhận ra không phù hợp với chương trình học ở Úc, nam sinh này đã theo học chuyên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại trường đại học cũng thuộc dạng danh tiếng ở Việt Nam và có ba cơ sở ở Melbourne (Úc). Theo chia sẻ từ quán quân Olympia, đây là ngành học yêu thích của cậu từ khi còn học cấp ba. Ngoài việc học ở trường, Thế Trung còn nhận làm thêm các công việc liên quan đến thiết kế - chuyên ngành mà nam sinh này đang theo học. Nam sinh cũng cho biết bản thân không cảm thấy hối hận vì lựa chọn ở lại Việt Nam và không du học Úc.

Cuộc sống của Thế Trung dần dần sôi động, được gặp gỡ, quen biết với nhiều người hơn khi cậu bạn tham gia vào môn thể thao bóng rổ. Thế Trung từng làm trọng tài cho một số trận thi đấu bóng rổ không chuyên. Trong một bài phỏng vấn, nam sinh cho biết cuộc sống của cậu bây giờ thoải mái hơn, không còn áp lực phải làm hài lòng tất cả mọi người, thay vào đó là được làm những gì mà bản thân yêu thích: 

“Khi đã ở vị trí đó, chắc chắn cuộc sống sẽ có những khó khăn và thú vị nhất định. Trải qua nhiều chuyện, bây giờ những gì em có thể làm là ngẩng cao đầu bước tiếp, bước đi tìm kiếm bản ngã và những gì thuộc về mình”, Thế Trung tâm sự. 

Trở thành quán quân của Đường lên đỉnh Olympia với suất học bổng gần 1 tỷ nên nhiều bạn trẻ được dư luận quan tâm đặc biệt, thậm chí có những trường hợp từng đối diện với những ý kiến trái chiều như quán quân Olympia năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng. Với lời chia sẻ của Thế Trung, mình cảm thấy mừng khi nam sinh này đã chững chạc hơn, trưởng thành và kiên định theo đuổi con đường mà mình đã chọn vì cảm thấy phù hợp thay vì cố gắng chỉ để khiến nhiều người hài lòng. 

hình ảnh

Câu chuyện của Thế Trung khiến mình nhớ đến trường hợp của Phan Minh Đức - quán quân Olympia năm thứ 10. Gần đây, Minh Đức cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng khi anh chàng chia sẻ về quyết định bỏ ngang tiến sĩ dù đã theo học 2,5 năm ròng rã. Lý do khiến Minh Đức quyết định là vì cảm thấy áp lực, không phù hợp với ngành học này. “Đó không phải là suy nghĩ bộc phát, nó là sự bào mòn dần dần”, Minh Đức nói về quyết định nghỉ học tiến sĩ. 

Thậm chí, anh từng có thời gian cảm thấy bản thân rất mệt mỏi, áp lực, tốn thời gian, công sức cho việc học một ngành mà bản thân không có hứng thú. “Tôi cảm nhận thấy mình xuất hiện chứng trầm cảm nhẹ khi tiếp tục làm”, Minh Đức chia sẻ. 

Trước khi quyết định chính thức sẽ dừng việc học tiến sĩ, anh chàng đã nhiều lần đắn đo vì nhìn lại kỳ vọng của người khác, công sức đã bỏ ra, cơ hội trong tương lai nếu tiếp tục… Minh Đức cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát khắp thế giới vừa qua là thời gian khiến anh nghiêm túc để lắng nghe bản thân muốn gì. 

“Tôi nhìn lại và nghĩ về việc mình đang làm, nó có đóng góp ra sao vào tương lai bản thân, đóng góp gì cho xã hội. Và tôi nhận ra mình không thể tiếp tục. Tôi đã đi được hơn nửa chặng đường, nhưng không đồng nghĩa với việc cứ cố theo đuổi, tôi sẽ hoàn thành 5 năm. Ngược lại, tôi sẽ ngày càng đi chậm lại và không thấy ngày kết thúc”, Minh Đức tâm sự. 

Đã theo đuổi chương trình học trong 2,5 năm nên khi dừng lại đã khiến Minh Đức phải mất hơn một tháng mới dần quen với lựa chọn này. Trong khi đó, nhiều người xung quanh lại chưa dễ dàng gì đồng cảm với lựa chọn của anh. Nhiều người cảm thấy khó hiểu, có khi còn cho rằng Minh Đức không bình thường khi từ bỏ tương lai nhiều hứa hẹn. 

Sau quyết định dừng việc học tiến sĩ, anh nhận ra rằng bằng cấp chỉ là bước đệm, chứng nhận bạn đã đạt được thành tựu và là cơ sở để mỗi người tiếp tục đi tiếp. “Tôi cảm thấy tiến sĩ giống như một chứng chỉ hành nghề, chứng minh bạn có khả năng nghiên cứu độc lập. Đôi khi, việc học không cần một thành tựu để chứng minh mình học tốt; quan trọng, người sử dụng thành tựu của việc học là chính mình”. 

Nhìn lại khoảng thời gian 2,5 năm học tiến sĩ, tuy dang dở giữa chừng nhưng Minh Đức cho biết anh cũng thu nạp được những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm quý giá mà không dễ dàng gì có được nếu làm công việc khác. “Điều tôi hối hận nhất là từng né tránh, không chia sẻ với gia đình sớm hơn. Còn lại, mọi thứ diễn ra đều có sự đóng góp cho cuộc đời mình. Tôi chỉ tiếc nuối khi ngồi im và không làm gì cả”, Minh Đức bộc bạch.

Sau khi dừng lại việc học tiến sĩ, anh chàng dành thời gian để bản thân có thời gian suy nghĩ và tái tạo lại năng lượng. Minh Đức đi làm nhân viên pha chế bán thời gian. Công việc này mang lại sự thoải mái, vui vẻ, ít áp lực và là điều mà anh chàng từng ấp ủ muốn trải nghiệm nhưng trước đây chưa có cơ hội. 

hình ảnh

Từ câu chuyện của Thế Trung và Minh Đức, mình nhận ra rằng mỗi người có một cuộc đời riêng và dĩ nhiên là chẳng ai giống ai. Đôi khi, người ngoài cuộc cứ nghĩ rằng việc A việc B mới là tốt, trong khi bản thân bạn lại không cảm thấy như vậy nhưng lại cố gắng chiều theo ý của người khác để họ được vui lòng, không chê trách, phán xét bạn. Tuy vậy, nếu cứ phải gồng lên để sống một cuộc đời không phải của mình thì rất dễ mệt mỏi, kiệt sức, chán nản và thậm chí khó lòng gặt hái thành tựu tốt. Quan trọng nhất, bạn phải bình tĩnh lắng nghe bản thân thật sự cần gì và thích hợp với điều gì hơn là chỉ nghe ý kiến từ người khác rồi chăm chăm làm theo.