Phan Minh Đức - chàng trai từng vô địch Olympia năm thứ 10 đã quyết định dừng lại việc học Tiến sĩ ở Australia sau 2,5 năm theo đuổi. 

Mình rất thích xem chương trình Olympia vì có nhiều bạn trẻ rất giỏi và nhất là vòng chung kết năm sẽ theo dõi không sót vì háo hức muốn biết ai sẽ trở thành nhà vô địch “leo núi” với suất học bổng rất xịn để sang nước ngoài du học. 

Trong số những quán quân của chương trình, mình có theo dõi Phan Minh Đức - nhà vô địch năm thứ 10 vì anh từng được các du học sinh gọi vui với biệt danh “ông tổ ngành rửa bát” khi đi làm thêm lúc du học ở Australia. 

hình ảnh

(Ảnh 2sao)

Gần đây, mình lướt báo còn đọc được thông tin Phan Minh Đức đã bỏ học Tiến sĩ ngành Kinh tế năng lượng tại Australia sau 2,5 năm theo học. Trước đó, anh được chuyển thẳng lên bậc tiến sĩ ngành này tại trường đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân. 

Tuy nhiên, vào tháng 3/2021, Phan Minh Đức đã quyết định dừng lại sau thời gian dài suy nghĩ, đắn đo. Nhiều người nhìn vào hẳn sẽ cho rằng đây là lựa chọn khó hiểu vì dù sao anh chàng cũng đã hoàn thành nửa chặng đường để lấy bằng tiến sĩ. Còn với Minh Đức, anh chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên Zing news rằng: “Đến hiện tại, tôi đã dừng việc học tiến sĩ được 1,5 năm, tôi thực sự nhẹ nhõm và không hề hối hận về quyết định này”.

Sau 2,5 năm theo học tiến sĩ ngành Kinh tế năng lượng, nhà vô địch Olympia năm thứ 10 cho rằng anh chưa từng nghĩ học tiến sĩ là điều dễ dàng và ngay cả việc học hoặc dừng lại cũng không phải thích là được. Tuy nhiên, càng học càng khiến Minh Đức nhận ra bản thân không phù hợp với ngành học này. Việc nghiên cứu và viết khiến anh chàng cảm thấy không phải là niềm vui. 

“Đó không phải là suy nghĩ bộc phát, nó là sự bào mòn dần dần”, Minh Đức nói về quyết định nghỉ học tiến sĩ. 

Thậm chí, anh từng có thời gian cảm thấy bản thân rất mệt mỏi, áp lực, tốn thời gian, công sức cho việc học một ngành mà bản thân không có hứng thú. “Tôi cảm nhận thấy mình xuất hiện chứng trầm cảm nhẹ khi tiếp tục làm”, Minh Đức chia sẻ. 

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Trước khi quyết định chính thức sẽ dừng việc học tiến sĩ, anh chàng đã nhiều lần đắn đo vì nhìn lại kỳ vọng của người khác, công sức đã bỏ ra, cơ hội trong tương lai nếu tiếp tục… Minh Đức cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát khắp thế giới vừa qua là thời gian khiến anh nghiêm túc để lắng nghe bản thân muốn gì. 

“Tôi nhìn lại và nghĩ về việc mình đang làm, nó có đóng góp ra sao vào tương lai bản thân, đóng góp gì cho xã hội. Và tôi nhận ra mình không thể tiếp tục. Tôi đã đi được hơn nửa chặng đường, nhưng không đồng nghĩa với việc cứ cố theo đuổi, tôi sẽ hoàn thành 5 năm. Ngược lại, tôi sẽ ngày càng đi chậm lại và không thấy ngày kết thúc”, Minh Đức tâm sự. 

Đã theo đuổi chương trình học trong 2,5 năm nên khi dừng lại đã khiến Minh Đức phải mất hơn một tháng mới dần quen với lựa chọn này. Trong khi đó, nhiều người xung quanh lại chưa dễ dàng gì đồng cảm với lựa chọn của anh. Nhiều người cảm thấy khó hiểu, có khi còn cho rằng Minh Đức không bình thường khi từ bỏ tương lai nhiều hứa hẹn. 

Sau quyết định dừng việc học tiến sĩ, anh nhận ra rằng bằng cấp chỉ là bước đệm, chứng nhận bạn đã đạt được thành tựu và là cơ sở để mỗi người tiếp tục đi tiếp. “Tôi cảm thấy tiến sĩ giống như một chứng chỉ hành nghề, chứng minh bạn có khả năng nghiên cứu độc lập. Đôi khi, việc học không cần một thành tựu để chứng minh mình học tốt; quan trọng, người sử dụng thành tựu của việc học là chính mình”. 

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Nhìn lại khoảng thời gian 2,5 năm học tiến sĩ, tuy dang dở giữa chừng nhưng Minh Đức cho biết anh cũng thu nạp được những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm quý giá mà không dễ dàng gì có được nếu làm công việc khác. “Điều tôi hối hận nhất là từng né tránh, không chia sẻ với gia đình sớm hơn. Còn lại, mọi thứ diễn ra đều có sự đóng góp cho cuộc đời mình. Tôi chỉ tiếc nuối khi ngồi im và không làm gì cả”, Minh Đức bộc bạch.

Sau khi dừng lại việc học tiến sĩ, anh chàng dành thời gian để bản thân có thời gian suy nghĩ và tái tạo lại năng lượng. Minh Đức đi làm nhân viên pha chế bán thời gian. Công việc này mang lại sự thoải mái, vui vẻ, ít áp lực và là điều mà anh chàng từng ấp ủ muốn trải nghiệm nhưng trước đây chưa có cơ hội. 

Mình nghĩ hẳn nhiều người cũng từng như anh chàng này, bỗng một ngày cảm thấy bản thân không còn phù hợp với những gì đang đeo đuổi, không còn tìm thấy niềm hứng khởi cũng như ý nghĩa gì nếu tiếp tục. Tuy nhiên, để chọn dừng lại thì đó là lựa chọn cần rất nhiều dũng cảm, suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc thiệt hơn. Ngành học, công việc, các mối quan hệ… có rất nhiều thứ mà phải thử một thời gian rồi mới nhận thấy bản thân không thuộc về. 

hình ảnh

(Ảnh saostar)

Ở thời điểm hiện tại, Minh Đức dành nhiều thời gian cho bản thân được thoát khỏi những căng thẳng, mệt mỏi, áp lực và nhận ra mọi thứ xung quanh luôn có giá trị, chứa đựng nhiều thông tin để anh có thể học hỏi. Anh còn nghiệm ra rằng, việc học rất đa đang, thay vì mãi đào sâu về một thứ thì có thể học thêm cái mới mỗi ngày vì sự đa dạng, không ngừng cập nhật sẽ giúp bản thân không rơi vào nhàm chán vì lặp lại. 

Sau thời gian “nghỉ ngơi”, tháng 6 vừa qua, Minh Đức đã nộp hồ sơ theo học thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin doanh nghiệp, định hướng chuyển đổi số. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới so với anh và dĩ nhiên ngoài sự háo hức ban đầu thì vẫn có nhiều thử thách cần anh vượt qua. Minh Đức cho biết bản thân đã lựa chọn sau thời gian suy nghĩ, cân nhắc và cảm thấy lĩnh vực này phù hợp, mang lại giá trị cho cộng đồng. 

“Lần này, tôi lựa chọn trên cơ sở bản thân có những bộ giá trị, kỹ năng nào, sở thích mình nằm ở đâu, mình lựa chọn với mục đích gì, có ích như thế nào với xã hội… Mười hai năm sau vòng nguyệt quế, một lần nữa, tôi đặt ‘ngôi sao hy vọng’ vào niềm tin của việc tạo ra những giá trị thực sự cho cộng đồng”, Đức chia sẻ. 

Trong cuộc đời, không phải ai cũng có thể lựa chọn chính xác và đi đúng con đường để đến thành công. Những “phép thử” sẽ lần lượt xuất hiện trên mỗi chặng đường để giúp chúng ta biết được đâu mới thật sự là điều phù hợp với bản thân. Thay vì gượng ép để tiếp tục đeo đuổi một thứ không còn mang lại niềm hứng khởi, sự yêu thích, đam mê thì nên cân nhắc kỹ lưỡng để “quay xe” càng sớm càng tốt. 

hình ảnh

(Ảnh Dân Việt)

Một chi tiết khác về Phan Minh Đức từng khiến mình rất ấn tượng là cách anh chàng sống tự lập, không ngại làm việc chân tay như rửa bát thuê để kiếm thu nhập khi sang Australia du học. Thậm chí, khi đã “rành việc”, anh còn nhiệt tình giới thiệu việc làm này cho nhiều du học sinh Việt tại Australia như Hồ Ngọc Hân - nhà vô địch Olympia năm 9, sau này có Thân Ngọc Tĩnh, Ngọc Khánh - thí sinh của năm 12, Hoàng Thế Anh - nhà vô địch năm 13 và Văn Viết Đức - người vô địch Olympia năm 15.

Chàng trai sinh năm 1992 từng hài hước nói về biệt danh “ông tổ ngành rửa bát” mà nhiều du học sinh đặt cho: “Mình mang nghề rửa bát về cho không chỉ dân Olympia mà còn các anh chị, bạn bè học tập ở Swinburne"

Trong quá trình học tập tại Úc, Minh Đức và nhiều “nhà vô địch leo núi” Olympia hay các du học sinh đã tìm đến công việc rửa bát thuê sau giờ học. Công việc tưởng chừng là bị chê ở Việt Nam nhưng lại được “trọng dụng” rất nhiều tại xứ sở chuột túi. Không tốn quá nhiều thời gian cũng như kỹ năng, công việc đơn giản này mang đến thu nhập thêm cho các du học sinh. Với nhiều người có thể sẽ xấu hổ nhưng Minh Đức coi đây là công việc kiếm tiền chân chính. 

hình ảnh

Từ chia sẻ của Minh Đức cũng lần nữa mở ra bức tranh đời sống du học sinh Việt Nam khi xa nhà, một mình tìm kiếm kiến thức quý giá ở một đất nước khác. Không chỉ tiếp thu kiến thức, họ còn học được cách sống, cách sinh tồn và có trách nhiệm với chính mình và đây mới là điều quan trọng mà chẳng sách vở nào dạy được. Thay vì chỉ là “mọt sách”, suốt ngày chỉ biết cắm mũi vào sách vở để học đến khờ người, Minh Đức và nhiều du học sinh khác biết cách cân bằng cuộc sống, lựa chọn công việc làm thêm phù hợp để có thêm tiền trang trải cuộc sống ở xứ người. 

Với nhiều người trẻ tuổi, thậm chí có khi còn không biết rửa 1 cái bát hay quét nhà làm sao cho sạch. Một phần cũng vì được bố mẹ bảo bọc quá kỹ, không nỡ để con đụng đến việc nhà. Nói điều này lại nhớ đến trường hợp 1 thần đồng ở Trung Quốc bất ngờ bị nhà trường đuổi học vì sống quá bẩn, không biết tự chăm lo bản thân khi ở ký túc xá. Hóa ra thanh niên này đã được mẹ chăm bẵm từ nhỏ cho đế lớn và chỉ mỗi việc học là chính. Tưởng chừng thương con nhưng hóa ra chiều chuộng quá đà chính là cách hại con ngấm ngầm.

Tuy vậy, cũng phải nói đi cũng phải nói lại, nhiều bạn trẻ đi du học nhưng trót sa đà vào làm thêm vì món tiền công mang lại quá nhiều. Đó là chỉ biết nghĩ ngắn chưa biết tính đường dài. Đã cất công, tốn sức tốn tiền sang tận nơi xa xôi thì phải tận dụng triệt để thời gian để học và nếu có làm thêm thì cần sắp xếp thời gian hợp lý. Đi du học vẫn là để tiếp thu kiến thức, thay vì là con đường để kiếm tiền một cách trá hình.

Chưa kể nhiều người còn chấp nhận “làm chui” và dĩ nhiên không hưởng những chính sách như bảo hiểm lao động và trót có gặp tai nạn cũng chẳng ai đền bù, lúc ấy có khác nào tiền mất tật mang, chưa kể là một thân một mình nơi xứ lạ. Bởi vậy, khi du học thì điều quan trọng và cần ưu tiên hàng đầu vẫn là việc học, rồi sau đó nếu có thời gian phù hợp thì hãy nghĩ đến chuyện làm thêm kiếm thêm thu nhập.