Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, đó là câu hát từng được nhiều người chia sẻ. Nhưng đời đâu bao dung để bạn sai mãi, như anh chàng trong câu chuyện bên dưới đã tái diễn sai phạm đến không nhớ nổi, ngày tựa đầu cạnh quan tài mẹ mới thấy đời ngắn ngủi nếu cứ ăn chơi sa đọa. 

Từng là một đứa con trai út được đánh giá thông minh sáng dạ ngay từ nhỏ, Nguyễn Thanh Đàm là hy vọng của gia đình. Bố anh là giáo viên dạy Văn, mẹ là công nhân ở nông trường cà phê. Trong nhà có 4 người con trai, ba anh lớn sau này đều tốt nghiệp đại học và có sự nghiệp thành danh. Tuy nhiên, cuộc đời của Đàm lại khác, như bánh tàu đi chệch khỏi đường ray và từng là gánh nặng, nỗi khổ tâm của gia đình. 

hình ảnh

Năm Đàm học lớp 7, bố bị liệt nên mẹ ngược xuôi chạy chữa và tình cờ mọi người không còn nhiều thời gian để quan tâm đứa con trai đang tuổi dậy thì dễ sa ngã. Ban đầu Đàm bị lôi kéo, từ bỏ học, đánh nhau, rồi lén trộm tiền chữa bệnh của bố đi đi cá cược, chơi bida. Năm lớp 11, Đàm bị bắt vào trường giáo dưỡng vì tội đánh nhau và dàn cảnh cướp trên xa lộ. 

Hàng xóm gặp Đàm là mắng chửi vì cho rằng anh lôi kéo con em họ, nhưng chỉ riêng mẹ lại không mắng mà chỉ nói một câu: “Về đi học đi con”. Chỉ là một công nhân, bà lo lắng cho tương lai của đứa con lêu lỏng nhưng dùng tình thương để con quay đầu. Đàm nghe lời mẹ, quay lại trường và đậu kì thi tốt nghiệp THPT năm đó.

Nghĩ vậy là xong bổn phận với mẹ, gã thanh niên quay lại con đường cũ. Năm 2002, Đàm lãnh án 3 năm tù vì cướp tài sản 3 lần. Trong thời gian chạy trốn, vào chiều 29 Tết, Đàm ghé nhà thầy chủ nhiệm lớp 12, hứa rằng sẽ thi Đại học sau khi ra tù. 

Nghẹn ngào là những ngày con thụ án, người mẹ tảo tần một mình bắt xe đi quãng đường 100km xa xôi để mang những món con thích. Không trách mắng, bà chỉ nhẹ nhàng khuyên “Ráng cải tạo tốt còn về đi học”. Con có thể sai, vào tù ra trại nhưng lời người mẹ lúc nào cũng mong muốn con học cái chữ, có tấm bằng để đời không long đong. Lần nào cũng vậy, khi Đàm đi vào con đường sa ngã, từ bỏ trường lớp là người mẹ lại nhẹ nhàng, “đi học đi con”. 

Tình cảm và kì vọng của mẹ đã khiến Đàm quyết tâm “cải tà quy chánh” nhưng môi trường trong trại giam, rồi ngày vừa tự do là có “chiến hữu’’ tới đón làm anh quên mất lời hứa với mẹ năm nào. 

Biết con làm bảo kê ở bến xe, người mẹ lặn lội tìm đến khuyên nhủ để con về nhà. Thấy cảnh bố liệt nằm một chỗ, mẹ vất vả khiêng bao cà phê đến ngã quỵ, Đàm nghẹn ngào nhận ra lỗi lầm bất hiếu. Lần đó, anh được người bạn tặng quyển sách và đã thức trắng đêm đọc hết 300 trang sách. Sáng hôm sau, Đàm tìm lại những cuốn ôn thi Đại học rồi khăn gói lên Sài Gòn. anh sẽ làm lại đời. 

Thời gian ở Sài gòn, Đàm sợ đám “huynh đệ” cũ lại tìm đến và sa ngã nên anh chuyển chỗ trọ. Ngoài giờ học, anh tự xích chân mình lại và nhờ bạn cùng phòng giữ giùm chìa khóa để tránh “chồn chân” mà đi vào con đường cũ. 

Nhờ quyết tâm, anh chàng thi Đại học với số điểm 22,5 nhưng trượt ngành Xây dựng của Đại học Bách Khoa. Tuy buồn nhưng anh lại thấy tự hào khi biết mẹ khoe với hàng xóm về đứa con trai đạt điểm cao được đăng trên báo. Sau đó, Đàm học ngành Công nghệ thông tin ở một trường Đại học khác. Thời gian này, anh lại ngựa quen đường cũ và bị đình chỉ học vì đánh nhau, nợ môn. 

Sau lần đó, anh thi lại Đại học và đậu vào ngành Kỹ thuật ô tô, Đại học Công nghiệp. Nhưng lần này Đàm lại phạm tiếp sai lầm khi thành đầu mối tiêu thụ xe trộm cắp để trang trải cuộc sống. Khi công an phá án, Đàm nhận được điện thoại kêu gọi đầu thú trong 3 ngày.

Sau bao phân vân, anh thú thật với mẹ. Bà khóc cạn nước mắt nhưng sau đó chỉ nhẹ nhàng dặn dò “vào đó đừng sinh sự để còn về đi học”. Dù Đàm có phạm lỗi, tù tội cỡ nào thì trong mắt người mẹ thì bà vẫn tin con còn cơ hội làm lại, nếu chịu học. 

hình ảnh

Gia đình nhỏ hạnh phúc của Đàm. (Ảnh: VNE)

Ngày mãn hạn, Đàm nhận cái tát như trời giáng của anh trai ngay tại tòa vì bao phẫn uất dồn nén lâu nay. Quá xấu hổ, anh lao vào chiếc xe tải trên đường nhưng may mắn thoát chết. Sau lần đó, Đàm nghĩ mình phải sống khác đi, không thể vật vờ tù tội mãi được. 

Đàm lao vào học điên cuồng, như để chuộc lại bao sai lầm sau năm tháng sai lầm của tuổi trẻ. Anh học, mày mò thành lập diễn đàn về ô tô. Năm 2011, anh khởi nghiệp nhưng do chưa có kinh nghiệm nên phá sản. Năm 2013, anh làm lại từ đầu, lập công ty riêng và có những thành công bước đầu. 

Lúc này, trong suy nghĩ của người con phạm quá nhiều sai lầm là chỉ mong muốn để mẹ chứng kiến anh đã thay đổi, đã thành công. Vậy mà tin sét đánh, người mẹ tảo tần đáng thương đã qua đời. Ngày đeo khăn tang tựa đầu sát quan tài của mẹ, anh tự trách bản thân chưa kịp đền đáp gì thì mẹ đã đi. 

"Tôi đã từng rất buồn nhưng tôi tin, trong khoảng thời gian ít ỏi đó, mẹ đã thấy tôi thay đổi. Đó là bằng chứng cho niềm tin của mẹ về tôi là đúng", Đàm chia sẻ, "Trước những bế tắc trong cuộc sống, tôi chỉ cần nhắm mắt một phút, nghĩ về những ngày trong tù và mẹ, tự nhiên tôi tìm được lối ra".

Mỗi thánh nhân đều có quá khứ và mỗi tội đồ đều có tương lai. Câu này ý nói người tốt đến đâu cũng có lầm lỗi vì nhân vô thập toàn và kẻ sai phạm cỡ nào cũng có tương lai để làm lại cuộc đời. Như câu chuyện quá đáng ngưỡng mộ của người đàn ông vào tù ra tội, làm “đại ca” trong quá khứ nhưng nay đã thành danh, có địa vị trong xã hội và có vợ con hạnh phúc đã minh chứng cho câu nói ấy. Con người biết quay đầu, bản lĩnh vượt lên quá khứ sai lầm rồi sẽ tìm ra ánh sáng. 

Nhưng đáng nể và nghẹn ngào hơn hết chính là tình cảm quá đỗi thiêng liêng của người mẹ. Dù cả thế gian có quay lưng, có buộc tội nhưng mẹ luôn tin ở con, không trách mắng và mở ra cho con tương lai nếu chịu “học”. Câu chuyện xúc động cũng là lời nhắn gửi đến mọi người về giá trị của gia đình, về tình thương và kỳ vọng của cha mẹ. Ai cũng mong mỏi con mình sẽ giỏi giang, hay chỉ cần sống lương thiện cũng đủ khiến họ vui lòng.

Nguồn tham khảo: VNE