11 năm ròng rã ở bệnh viện, tình thương và nghị lực của người mẹ đã giúp con trai giành lại cuộc sống. 

Những ngày này, câu chuyện về Phan Hữu Nghiêm 11 năm nằm ở Bệnh viện C.R điều trị bệnh ưa chảy máu đã khiến nhiều người quan tâm. Đằng sau căn bệnh hiểm nghèo đó, hình ảnh bà Trần Thị Mai - mẹ của Nghiêm thật cao đẹp và giàu lòng hy sinh như bao bà mẹ khác trên đời. 

Ngày 14/4 vừa qua, bà Mai cùng con trai xuất viện trở về quê nhà Vĩnh Long. Đã hơn 10 năm, người phụ nữ 67 tuổi mới có giấc ngủ ngon trên chiếc giường của mình trong ngôi nhà nhỏ. Hơn 10 năm con trai ở bệnh viện cũng là ngần ấy năm bà trải chiếu nằm dưới giường bệnh để tiện chăm con.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

11 năm ở viện, Nghiêm là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, nhiều lần phẫu thuật nhất, với số tiền viện phí lớn nhất, khoảng 40,8 tỷ đồng, ở Bệnh viện C.R. Nói về hành trình cùng con trong viện, bà Mai chỉ cười vì "không thấy có gì khó khăn, không vất vả vì quen với những việc này rồi". Phải nói, chỉ có tình thương của mẹ mới nói ra những lời này bởi nhìn lại những vất vả, hy sinh của bà khi cùng con đi viện, giành mạng sống từ tử thần mới càng bái phục, ngưỡng mộ. 

Nhiều lần nhìn con đau đớn, trải qua biết bao cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh, bà Mai chỉ ước có thể chịu đựng thay con. Khi con trai quá đau đớn đến mức muốn bỏ cuộc, trái tim người mẹ lại càng phải vững vàng, bản lĩnh hơn để động viên con. 

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Năm 2010, bà Mai cùng con trai vào bệnh viện khám. Do mắc căn bệnh máu khó đông, đã vậy một lần tắm sông Nghiêm bị ngã đập bụng vào mạn xuồng nên các cơn đau dồn dập xuất hiện. "Ngày rời quê cứ nghĩ chỉ lên điều trị một vài tuần rồi về, không ngờ kéo dài tận 11 năm", bà Mai nói. 

Bác sĩ xác định cú ngã năm nào khiến trong cơ thể Nghiệm tạo khối máu tụ. Khi đó, cách điều trị còn hạn chế, bác sĩ không dám phẫu thuật vì nếu không thể cầm máu, bệnh nhân sẽ tử vong trên bàn mổ.

Từ đó đến nay, người mẹ già cùng con trai xem bệnh viện là nhà. Chỉ mấy ngày Tết, hai mẹ con mới được bác sĩ cho về nhà vài ngày nhưng lòng cũng nơm nớp lo vì sợ vết thương sẽ chảy máu ồ ạt khó lành. 

"Cuộc mổ nào của Nghiêm cũng là ca đại phẫu", tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, chia sẻ.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Sau hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ cũng như tình thương từ mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho Nghiêm, kỳ tích đã xuất hiện. Do đã loại bỏ các phần xương viêm, hoại tử nên giờ Nghiêm không thể đi lại bình thường. Anh nhờ đến sự hỗ trợ của đôi nạng để tự đi lại trong nhà, tự lo vệ sinh cá nhân. "Đây là điều mà có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến", bà Mai nói.

Trong ngày anh chàng xuất viện, người mẹ đã được phía lãnh đạo bệnh viện tặng bó hoa và gọi bà là “người mẹ vĩ đại”. Biết rằng, hành trình 11 năm nằm viện của Nghiêm có sự giúp đỡ rất nhiều từ y bác sĩ nhưng hy sinh, tình thương, lòng kiên trì của người mẹ đã giúp kỳ tích xuất hiện. 

hình ảnh

Giờ đây, nói qua vài dòng chữ không thể nào bộc lộ cho trọn những vất vả, đau đớn, thấp thỏm, hy vọng và cả những bế tắc đã diễn ra trong 11 năm người mẹ đồng hành cùng con trai. Đến cả giấc ngủ cũng khó lòng trọn vẹn, bà chọn ngủ dưới giường để giúp con giành lại cuộc sống.