Chồng mất vì tai nạn, chị Nguyễn Thị Giang nén đau thương ký vào đơn hiến tạng với mong muốn “bố của 3 đứa con” vẫn luôn tồn tại trên cõi đời. Vậy mà miệng lưỡi thế gian cay nghiệt, người ta đồn chị bán tim chồng để lấy hàng trăm triệu… ăn chơi.

Anh Soái và chị Giang (ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) lấy nhau khi anh 25 tuổi, chị 20. Trong một lần đi ăn cỗ, họ gặp gỡ và làm quen. Biết anh là người có học, hiền lành nên anh ngỏ lời, chị gật đầu. Cảnh nghèo khó vẫn khiến chị nhớ mãi, để đủ tiền cưới vợ anh phải cắm xe máy, vay mượn khắp nơi.

'Bán tạng con đổi 100tr', mẹ già ứa nước mắt vì đời quá ác: Hiến cho y học lại bị tiếng oan

hình ảnh

Sau này, hai vợ chồng sinh được hai bé trai, một gái. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua cho đến một ngày, anh Soái bị tai nạn tự ngã, đâm vào gồ bê tông chắn xe lớn đi vào đường làng, chấn thương sọ não.

Biết không thể cứu vãn, ban đầu  gia đình định đưa anh vẹn nguyên trở về đất mẹ, nhưng khi được bác sĩ chia sẻ về những bệnh nhân đang chờ chết vì không có tạng để ghép, chị Giang khựng lại.

Ngồi trong phòng bệnh, thấy chồng vẫn thở nhờ máy thở, mặt vẫn hồng hào, thật lòng chị Giang không đành. Lúc này, anh trai chồng chị đã nói: "Em hãy nghĩ đến 3 đứa con, hãy để các cháu được tự hào về bố, để một lúc nào đó các cháu vẫn thấy được bố mình đang sống".

Cuối cùng, gia đình chị nén đau thương, đồng ý hiến toàn bộ mô tạng của anh Soái. Ngày 1/10, khi anh Soái được rút ống thở cũng là lúc 4 kíp mổ hoạt động liên tục.

hình ảnh

Chị Giang thẫn thờ trong tang lễ của chồng (Ảnh: VNE)

Trong đó, một trái tim, lá gan và 2 quả thận được ghép cho 4 bệnh nhân xa lạ. Ngoài ra, 2 giác mạc của anh Soái đang được lưu trữ tại Ngân hàng mắt, sẽ ghép cho 2 người mù lòa giúp họ được nhìn thấy ánh sáng.

"Nhà em không sống được nữa, nhưng em mong muốn một phần cơ thể anh ấy vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới này", chị Giang nghẹn ngào nói với các y bác sĩ.

Kể từ khi lo xong đám tang cho chồng, chị Giang vẫn ngồi bần thần trong nhà, một thời gian dài không ăn uống, chị gầy rộc, chỉ còn 38kg, chị không muốn ra ngoài. Bởi, cứ ra ngoài ngõ là chị nghe tiếng dân làng xì xào, cay nghiệt.

 "Họ nói sao anh ngã nhẹ vậy mà cũng chết não, chắc gia đình đã bán tạng được mấy trăm triệu". Cô con gái thứ hai của chị đến lớp cũng bị bạn bè châm chọc những thông tin sai sự thật mà chúng nghe được từ người lớn "Bố mày bị lấy mất tạng...". Cô bé buồn, không muốn đi học.

hình ảnh

Anh Soái đã hiến tang cứu sống nhiều người (Ảnh: CAND)

Rồi có một lần, bé C. - cháu bé được nhận tim của chồng chị ở Lạng Sơn, về chơi cùng gia đình. Chị đăng ảnh lên facebook để sau này các con lớn lên và biết rằng, bố đã mất nhưng tim của bố vẫn sống trong hình hài những người khác. Vậy mà có người vào nhắn tin hỏi chị: “Bán tim chồng được bao nhiêu tiền?”.

Đã có lúc quá đau đớn, tôi chỉ muốn đi theo anh ấy. Có những ngày tôi nấu cơm cho con ăn mà đổ nước mắm vào nồi cơm, có những hôm đưa xe đi đổ xăng rồi không biết đi đâu, hết xăng lại dắt bộ về nhà. “, chị kể.

Chị nhớ chồng, nhớ những lời anh nói: “Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, gia đình mình sẽ đi chụp lại bộ ảnh cưới cùng 3 con”. Đến hẹn 10 năm mà không đủ tiền để chụp, anh lại bảo “Chờ anh đến dịp 15 năm em nhé”. Năm sau, tròn 15 năm như lời anh nói, dẫu có đủ tiền thì người lại không còn”, nhắc đến đó, chị Giang òa khóc.

hình ảnh

Căn nhà đơn sơ của 4 mẹ con (Ảnh: VietNamNet)

Đau đớn là thế, mệt mỏi là thế nhưng chị Giang cũng dần thay đổi, chị không thể để bản thân lay lắt, phải vì con mà đứng dậy. Chị cố gắng tươi tỉnh hơn, chị bỏ công việc chính (vì quá xa nhà), chuyển sang việc bán thời gian, làm cho xưởng nước gần nhà với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng.

Những hôm chị bận làm, bữa cơm chỉ có quả cà, bát rau muống và bìa đậu nhưng các con vẫn ăn ngon lành. Những ngày hết tiền, chị bảo con: “Mẹ không thể đi vay để ăn được nữa, như vậy chỉ còn nước bán nhà mà trả nợ.”

Vậy mà các cháu có ý thức lắm, chưa một lần đòi hỏi. Thậm chí, cu út còn an ủi mẹ: “Mẹ không phải lo, phải buồn, sau này con xây cho mẹ ngôi nhà tỉ tầng.” Chả biết cháu nghe đâu ra bảo “ngôi nhà tỉ tầng”, chị bật cười trong nước mắt.

hình ảnh

Chị Giang rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh của minh (Ảnh: VietNamNet)

Ngẫm cũng thật kỳ lạ, khi hành động hiến tạng là một nghĩa cử đầy cao đẹp thì trái ngược với nó, miệng đời lại xấu xí vô cùng. Chỉ thương lắm người mẹ nghèo một mình nuôi con nhỏ, kinh tế đã quá khó khăn, tinh thần đã quá kiệt quệ mà thị phi cứ bủa vây không ngừng.

Có người nói, sao chị không mặc kệ thiên hạ mà sống, mình làm việc thiện tự lương tâm mình biết, vậy là đủ. Nhưng con người đứng trong một tập thể đâu tránh khỏi phút đau lòng. Người ta nói chị đã đành, đến con chị đi học cũng không yên, hỏi sao người mẹ ấy không buồn cho được?

Nhưng càng khó khăn, lại càng cảm phục chị Giang nhiều lắm, chị mạnh mẽ và phi thường quá đỗi, chị dạy con biết tự hào về cha mẹ, tuy mình nghèo nhưng trái tim mình ấm áp thiện lương. Sau này, sẽ có lúc người đời hiểu ra và họ sẽ tự thấy mình quá tầm thường so với gia đình anh chị.

Nên nhớ, việc geo một hạt giống lành vào cuộc sống và những người như anh Soái chính là nguồn cảm hứng, khai sáng cho những người sống ở vùng quê để họ có cái nhìn thiện cảm vào hành động hiến tạng. Đó không phải là ‘chết không toàn thây’, mà chính là mang sự sống được tiếp diễn, sẻ chia đến những người cần hơn.

Nguồn tham khảo: VietNamNet