Trong giá rét của Hà Nội lúc này, quán cơm mang tên Yên Vui chỉ 2 nghìn đồng/suất đủ rau thịt cá như ủ ấm rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. 

Cuộc đời dù có khắc nghiệt bao nhiêu nhưng tình người luôn là điều đẹp đẽ, giúp xoa dịu những khốn khó, thiếu thốn. Người Việt có truyền thống “Lá lành đùm lá rách” tưởng là chuyện vĩ mô nhưng hóa ra lại tiềm ẩn trong những cách sẻ chia, giúp đỡ nhau giữa đời thường rất đơn giản. Điển hình như câu chuyện về quán cơm Yên Vui tại Hà Nội thu hút nhiều người quan tâm trong những ngày giá rét thế này. 

Nằm tại số nhà 136 ngõ 88 Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội), quán Yên Vui tấp nập người ra vào. Khách đến dùng cơm chỉ cần trả 2 nghìn đồng là có thể no bụng với suất ăn đầy đủ thịt rau cá như bao hàng quán khác. Quán được mở cửa phục vụ từ 10h30 đến 13h30 vào thứ 2, 4, 6 trong tuần. Điều đặc biệt là khách của quán Yên Vui đa phần là những người lao động bình dân có cuộc sống khó khăn, các trường hợp khó khăn,  người vô gia cư và  hay những trẻ nhỏ.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Anh Nguyễn Cao Sơn - Chủ nhiệm quán Yên Vui cho biết, sau 5 ngày đi vào hoạt động, quán đã nấu được khoảng 600 suất cơm cho người lao động có thu nhập thấp. Chỉ 2.000 đồng/suất, thực khách đã có thể no bụng và ai có nhu cầu ăn thêm cơm và canh sẽ không phải trả thêm tiền.

“Suất cơm 2 nghìn đồng chỉ là giá tượng trưng để mọi người thấy rằng họ bỏ tiền ra mua cơm, không ai cho ai hay nợ ai điều gì. Như vậy, mọi người sẽ thấy thoải mái hơn. Tôi mong muốn sẽ lan tỏa được yêu thương đến cho mọi người, nhất là sau thời điểm dịch, cuộc sống của người dân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong bà con đến đây ăn bữa cơm giống như gia đình”, anh Sơn chia sẻ. 

hình ảnh

hình ảnh

Mỗi suất cơm 2 nghìn đồng có món mặn, canh, cơm, hoa quả. (Ảnh Internet)

Con số 2 nghìn đồng mang tính tượng trưng, như giúp những người đến ăn không phải áy náy. Khắp Việt Nam, những quán ăn thế này vốn không ít. Tuy nhiên điều đặc biệt ở Yên Vui chính là đầu bếp của quán đang làm việc tại một khách sạn 5 sao trên địa bàn Hà Nội. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của quán, anh đã tự nguyện đến nấu ăn để phục vụ bà con những phần cơm chỉn chu, ngon miệng. 

Trong quán cơm hiện có 6 nhân viên chính và họ cũng chỉ nhận một số lương mang tính tượng trưng vì ai nấy đến đây cũng muốn góp chút sức lực để san sẻ cùng người khó khăn. Thế mới thấm thía “của cho không bằng cách cho”. Tuy quán chỉ thu 2 nghìn đồng/suất nhưng phục vụ rất tận tâm, đầu bếp nấu chín “xịn sò” chuẩn 5 sao đàng hoàng.

hình ảnh

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Sơn cho biết quán sẽ cố gắng mở cửa phục vụ từ thứ 2 đến thứ 7 với thực đơn gồm món mặn, cơm, canh, hoa quả tráng miệng để san sẻ với những người khó khăn. Ngoài nguồn tiền tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, quán Yên Vui còn được các nhà cung cấp thực phẩm ủng hộ tận tình. 

“2 nghìn đồng không mua nổi mớ rau mà ở đây chúng tôi lại được ăn một suất cơm đầy đủ rau, thịt, lại còn sạch sẽ nữa. Tôi vui lắm, từ nay sẽ tiết kiệm được khoản tiền gửi về đóng học cho con”, một phụ nữ bán hàng rong chia sẻ. 

Giữa tiết trời lạnh cắt da cắt thịt của Hà Nội lúc này, quán Yên Vui mở cửa như sưởi ấm những người có hoàn cảnh khó khăn. Giá trị của mỗi suất cơm tuy bé nhỏ với người dư dả nhưng có khi là cả “kho báu” với người túng nghèo như người phụ nữ chia sẻ ở trên. Những người thực hiện dự án thiện nguyện này và muôn vàn trái tim nhân ái khắp Việt Nam đã có nghĩa cử thật đẹp. Họ đã xây những cây cầu bằng tình thương, sự sẻ chia để kết nối con người lại với nhau. 

Nhìn câu chuyện, chúng ta không chỉ có cảm phục mà cần phải có hành động thiết thực. Có những người dư dả, có chút điều kiện đã chọn cách trích một chút từ tiền lương hằng tháng để nhận nuôi trẻ em nghèo. Có những người không xe hơi, nhà lầu nhưng họ vẫn rất rộng rãi góp tiền vào những quỹ từ thiện đáng tin cậy để kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ thiên tai. Thế đấy, hãy để hoa nở trên những mảnh đời bất hạnh từ chính sự sẻ chia của bạn, tuy nhỏ nhưng chắc chắn sẽ góp một phần ý nghĩa cho đời.