Từ xưa đến nay, chuyện hàng xóm tranh nhau những con vật nuôi đi lạc (như chó, bò, gà, heo...) vốn chẳng có gì đáng nói. Vậy mà ở  Hà Tĩnh, lại xảy ra một trường hợp vô cùng hy hữu, khiến tòa án phải đem bò đi giám định ADN.

Theo bản án của huyện Hương Khê, vào tháng 11/2015, con bò mẹ của gia đình ông Cương sinh một con bê cái. Cưng chiều con vật, lão nông đặt tên là "chị đẹp", đem thả nuôi trong rừng.

Đến năm 2017, ông Quyết là hàng xóm cạnh nhà ông Cương, được nhà nước hỗ trợ tiền mua một con bê cái 6 tháng tuổi. Ông này đem thả chung vào rừng sinh sống cùng với đàn bò của ông Cương.

Bị hàng xóm bịt kín lối đi, con gái trèo tường đưa cơm cho mẹ già 78t: Buồn vì láng giềng gần

hình ảnh

Vài tháng sau, con bê nhà ông Quyết bị mất không rõ lý do, mọi nỗ lực tìm kiếm đều bất thành. Một ngày đầu tháng 8/2018, trong lúc đi rừng, ông Quyết thấy "chị đẹp" của gia đình ông Cương có nhiều đặc điểm giống với bê con thất lạc nhiều tháng trước của mình nên lùa về chuồng, nhốt lại nuôi.

Thấy hàng xóm bắt bò không rõ lý do, ông Cương yêu cầu trả song bị khước từ. Sự việc khiến hai gia đình sứt mẻ tình làng xóm. Ông Cương làm đơn khởi kiện ông Quyết lên TAND huyện Hương Khê, yêu cầu trả lại con bò.

Tòa án nhiều lần tổ chức hòa giải bất thành nên định giá con bò đang tranh chấp là 12 triệu đồng, đề nghị đem bò đi giám định ADN trước khi xét xử, trưng cầu giám định huyết thống mẹ con giữa "chị đẹp" với hai bò mẹ liên quan.

Tại phiên xử, ông Cương và Quyết ngồi chung một chiếc ghế song không ai hỏi nhau câu nào. Được tòa cho trình bày, ông Cương khẳng định con bò mà ông Quyết đang giành nuôi chính là "chị đẹp" được ông cưng chiều, "dù có thất lạc hàng chục năm cũng nhận ra, không thể lẫn vào đâu được".

hình ảnh

Phiên tòa bi hài của 2 người đàn ông tranh nhau một con bò (Ảnh: nguoinghe.vn)

Giọng gắt, ông Cương nói "chị đẹp" của ông có lông màu vàng, sừng ngắn, hai xoáy ở chính giữa trán và gần bụng. "Lúc nhỏ con bò có một mụn cóc bên trái, dù đã chữa lành nhưng vẫn còn sẹo. Trước khi thả vào rừng tôi còn cắt một nhúm lông đuôi để làm dấu, giờ vẫn còn nguyên”

Về phần ông Quyết, cảm thấy mình đuối lý, bèn giải thích "do tin vào linh cảm". Ông chỉ nhớ con bò có lông vàng đậm, lúc thả vào rừng có buộc dây vải xanh ở cổ làm dấu, nhưng giờ dấu không còn.

"Trường hợp nếu không phải là bò của tôi thì mong tòa xét công chăn dắt trong thời gian giải quyết tranh chấp", ông Quyết đề nghị. Ngồi phía dưới theo dõi việc phân xử con bò bằng giám định AND, người nhà của hai bên nhiều lúc bật cười trước những tranh luận của hai lão nông.

Sau cùng, kết quả xét nghiệm cho thấy, con bò đang tranh chấp thuộc về sở hữu của gia đình ông Cương. Vì lẽ đó, tòa yêu cầu bị đơn là ông Quyết phải trả lại "chị đẹp" cùng 11 triệu đồng tiền chi phí giám định ADN.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Dân Trí)

Đúng là cười ra nước mắt các mẹ nhỉ, một câu chuyện tưởng chỉ có trong tiếu lâm, mà lại hiện hữu giữa đời sống thường ngày. Nhưng đằng sau đó, có một số bài học mà chúng ta cần phải ngẫm nhiều lắm.

Thứ nhất, bản án mà tòa giành cho ông Quyết là minh chứng của câu nói ‘tham thì thâm’. Dẫu biết mất bò ai chẳng tức, nhất là khi đó là tài sản dùng để làm ăn, nuôi sống gia đình. Nhưng đừng vì thế mà mù quáng đổ tội lên đầu người khác.

Thứ hai, mỗi khi đánh giá việc gì, kết luận ai ra sao... cũng phải dựa trên pháp luật và phải có tang chứng, vật chứng. Không thể dùng linh cảm của bản thân rồi tự cho mình đúng, đem tài sản của người khác về nuôi nhốt trong nhà mình.

Thứ ba, khi biết mình sai, đuối lý thì nên thẳng thắn nhận lỗi để được cảm thông, giúp đỡ. Ai đời lại đòi người chịu thiệt hại phải bồi thường ‘ngược’ số tiền mà mình đã dùng để chăm sóc cho con bò? Nào ai mướn, nào ai ép? Tự mình làm thì mình phải chịu.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Tin247.com)

Và rồi, cái giá chát đắng của gã hàng xóm tranh nhau con bò là 11 triệu tiền đền bù, không hề nhỏ với người nông dân. Là một sự ‘thâm hụt’ phải trả cho cái sự toan tính ngớ ngẩn của mình. Có lẽ khi nhốt bò, ông Quyết không ngờ câu chuyện ấy có thể trở thành vụ án, đem lại hậu quả lớn về kinh tế.

Nhưng có lẽ, thứ mà ông Quyết mất nhiều nhất chính là tình làng nghĩa xóm. Bò mất rồi thì mua con mới, tiền mất rồi thì cố kiếm lại, nhưng tình đã cạn thì chẳng thể nào cứu vãn. Đúng là đời chua chát, bởi họ vốn từng thân thiết, xem nhau như người nhà, còn chăn nuôi chung cùng nhau.

Giá như đừng vì lòng tham, đừng vì một con bò thì giờ đây hai gia đình sẽ không cảm thấy ngột ngạt khi bước ra vườn, bước ra đường, bước ra thôn xã... và ông Quyết sẽ không phải cúi gầm mặt với bà con vì e ngại bị cười chê.

Nhưng sợ nhất vẫn khi ốm đau, hoạn nạn, có sự cố.... cần lắm một sự giúp đỡ, nhưng hàng xóm cạnh mình đã không còn muốn ‘chìa tay’.

Nguồn tham khảo: VNE