Một lòng muốn góp chút tốt đẹp cho đời vào lúc ra đi nhưng cay nghiệt miệng đời khiến người thân của những người hiến tạng phải uất ức chịu tiếng “bán tạng con”.



“Bán tạng con đổi 100 triệu”, miệng đời ác nghiệt có tha cho ai



Đã qua lễ cúng thất 49 ngày, gia đình anh Đào Hữu T. (trú tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn chưa hẳn nguôi ngoai trước nỗi mất đi người thân. Trước khi ra đi, anh T. chào từ biệt người nhà lên thành phố làm công nhân cho một công trình và hẹn vào dịp rằm sẽ về. Sau đó, trong lúc đang đi xe máy giữa đường, anh đột ngột bị té xe và bất tỉnh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh T. được chẩn đoán đột quỵ não, không thể hồi phục và không phải do tai nạn giao thông. Giữa lằn ranh sinh tử, dù đau lòng khi chứng kiến con trai gặp nạn không qua khỏi, người mẹ lớn tuổi chợt nhớ đến nguyện vọng được hiến tạng của con.



webtretho


Mẹ già nghẹn ngào khi bị mang tiếng bán tạng con đổi 100 triệu. (Ảnh: PLO)



Nhắc lại chuyện, bà Nguyễn Thị Biên (75 tuổi) không kiềm được nước mắt, đau lắm chứ cảnh người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh. Bà khẽ nói khi nhìn di ảnh con trai: “Mẹ và các anh chị con đã làm theo đúng di nguyện của con trước lúc mất. Gia đình rất vui lòng vì con đã làm được việc tốt, những người được con hiến tạng đều khỏe cả. Mọi người xung quanh cũng đã hiểu hết việc con làm rồi”.



Dù đã chia sẻ với người thân, bà con về quyết định hiến tạng của con trai nhưng bà Biên nghèn nghẹn kể lại, trong lúc đang tổ chức đám, có người chạy vào hỏi thẳng bà bán tạng con được bao nhiêu tiền, nghe nói bệnh viện cho 100 triệu hả. Trái tim của người làm mẹ đang đau quặn vì mất con, giờ nghe thêm lời dị nghị của làng xóm lại càng tổn thương. Họ nói, hiến tạng sao không nghe tivi đăng tin. Hò xì xầm sau lưng gia đình bà và nghĩ rằng gia đình cũng được món “hời” sau khi anh T. ra đi.



Anh Đào Hữu Tận (49 tuổi) chia sẻ thời gian đầu khi gia đình bị dị nghị là bán tạng em trai, anh cảm thấy rất khó chịu và phẫn uất. “Trong vòng 10 ngày đầu, chúng tôi cảm thấy sốc, bức xúc và khó chịu lắm, em trai tôi có tấm lòng hướng thiện, giúp ích cho xã hội, tại sao mọi người lại không hiểu”.



Nhiều trường hợp hiến tạng khác đã khiến người nhà bị gán tiếng oan, lầm lũi trước những ánh mắt phán xét của dư luận. Tuy nhiên, người sống thiện, không làm chuyện hổ thẹn lương tâm thì chẳng sợ điều gì. Đến giờ này, sau khi hiểu được ý nghĩa việc của anh T làm, mọi người cũng không còn bàn ra tán vào dị nghị gia đình đã “bán con” đổi trăm triệu.



Theo chia sẻ từ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy) được biết hai thận, hai giác mạc của anh T. đã được ghép cho bốn bệnh nhân ở phía Nam, còn một quả tim và một lá gan đã được chuyển ra phía Bắc ghép cho hai bệnh nhân do trong danh sách bệnh nhân chờ ở phía Nam không có người tương thích. Các bệnh nhân sau khi nhận được tạng hiến đều hồi phục tốt và ổn định. Như vậy, anh T. ra đi nhưng một phần thân thể vẫn còn tồn tại, mang đến sự sống của những người khác. Quả thật có những cái chết hóa thành bất tử là vậy, hành động của anh quá nhân văn.


webtretho


Đại diện bệnh viện và chính quyền trao kỷ niệm chương cho gia đình anh T. (Ảnh: PLO)



Chuyện lành gieo đi xa



Kể từ ngày hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng, nhiều người sinh sống gần nhà anh T. cũng cân nhắc noi theo. Bà Nguyễn Cao Thị Dung (60 tuổi, hàng xóm) mắt đỏ khi đến viếng anh T.. Lúc mới nghe nó nói, tôi bất ngờ lắm và hỏi nó thật không, không biết mổ xẻ hiến sao, nó nói tỉnh queo mình chết rồi còn biết gì nữa. Đến khi nó chết đi thì tôi biết việc nó nói và làm là thật, không phải nói chơi. Nó còn quá trẻ nhưng đã suy nghĩ được như vậy khiến tôi rất cảm phục” - bà Dung chia sẻ.



Sau khi hiểu được việc làm của anh T., bà Dung cho biết đã tìm hiểu thủ tục đăng ký hiến tạng và làm tư tưởng cho các con. “Trước đây nghe tới hiến tạng nhưng tôi nào biết hiến ra sao, nghĩ cũng thấy ghê vì không biết có được về nhà không hay mất luôn xác, giờ thì tôi đã hiểu rồi. Mà đã xác định là hiến thì làm gì có chuyện bán lấy tiền. Nếu hiến tạng mà được mấy trăm triệu thì chắc cả xã hội sẽ hiến hết để lấy tiền về để lại cho con cháu”, bà Dung bày tỏ.



Hay một thầy giáo cũ của anh T. thắc mắc: “Không lên BV Chợ Rẫy vẫn làm thẻ hiến tạng có được không?”. Ông Trần Anh Đức, thầy cũ của anh T., hỏi rồi ngậm ngùi chia sẻ về nghĩa cử của học trò: “Đội ngũ giáo viên chúng tôi thấy rất phấn khởi khi có được một học trò có nghĩa cử hiến tạng cứu người. Tôi cũng mong thế hệ trẻ sẽ noi gương hành động này”.



webtretho


(Ảnh: phunuonline)



webtretho


Một người mẹ bật khóc khi gặp lại người nhận được quả thận của con trai đã qua đời. (Ảnh: tuổi trẻ)



Lúc còn sống, anh T. cũng khuyên mẹ nghĩ đến chuyện hiến tạng vì khi ‘thác về”, xác thịt cũng thối rữa hoặc thiêu ra tro nên hiến cho y học biết đâu sẽ cứu giúp những hoàn cảnh đáng thương có được ánh sáng hay trái tim khỏe mạnh trở lại.



Có thể ở nhiều vùng xa xôi, chưa hiểu được hết ý nghĩa của việc hiến tạng nên khi nghe chuyện, mọi người cay nghiệt bàn ra tán vào là “bán thi thể”. Tuy nhiên, ai cũng có trái tim và lòng hướng thiện, chỉ là có được khơi đúng chỗ và truyền được cảm hứng hay không. Như một vài người hàng xóm với anh T., ban đầu họ cũng ngờ ngợ bán tín bán nghi về chuyện này nhưng khi tỏ tường đã nảy sinh ý nguyện hiến tạng giúp đời.



Gieo một hạt giống lành vào cuộc sống và những người như anh T. chính là nguồn cảm hứng, khai sáng cho những người sống ở vùng quê để họ có cái nhìn thiện cảm vào hành động hiến tạng. Đó không phải là ra đi không toàn thây, mà chính là mang sự sống được tiếp diễn, sẻ chia đến những người cần hơn.





Nguồn bài viết tham khảo: Pháp luật online