Chú rể dính đầy sơn khắp người, đầu lại phải đội chậu trong ngày cưới của chính mình. Đoạn clip khi chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút nhiều người quan tâm và bình luận. 

Trong ngày cưới, ai nấy cũng mong muốn niềm vui đến với mình. Ngay cả bà con, khách khứa khi đến chung vui ngày cưới cũng phải niềm nở tươi tắn vì đó như một lời chúc phúc đến cặp đôi. Cũng có nơi bày ra nhiều trò vui để không khí hôn lễ trở nên thân mật, gắn kết mọi người với nhau hơn. Tuy nhiên dù thế nào cũng phải có giới hạn, ít nhất giữ cho cô dâu chú rể được tinh tươm, lịch sự nhất có thể. 

Nói điều này vì đoạn clip 30s được lan truyền trên mạng đã khiến nhiều người phẫn nộ cũng như đưa ra nhiều bình luận chỉ trích. Cụ thể, một chú rể không mặc áo, hì hục kéo chiếc xe ba bánh phủ vải đỏ đi trên đường. Phần thân trên của anh chàng đáng thương bị dính đầy sơn, bột và cả vệt mực đen. 

Trong lúc chú rể hì hục kéo xe, một người khác chạy đến và ụp chiếc chậu màu xanh lên đầu trông vô cùng thảm thương. Đáng nói, những người có mặt lại reo hò cổ vũ rất hào hứng thay vì can ngăn hành động quá trớn này. Có người còn thản nhiên cầm điện thoại quay lại khoảnh khắc te tua này của chú rể. 

hình ảnh

Chú rể bị tạt sơn vẫn thoải mái. (Ảnh Internet)

Phản ứng của chú rể cũng khiến nhiều người quan tâm. Chẳng những không khó chịu khi bị te tua, anh chàng còn tỏ ra thoải mái, cố gắng hoàn thành những thử thách được giao ngay trong ngày cưới của mình. Trong khi nhiều chú rể khác lại bảnh bao, lịch sự đi cưới vợ thì anh chàng đáng thương này lại dính bẩn khắp người, còn làm trò mua vui mọi người.

Được biết đây là tục lệ địa phương ở nhiều vùng miền Trung Quốc, gọi là “náo động phòng” hay “náo hôn”. Theo đó khách mời hay bạn bè của cô dâu chú rể sẽ nghĩ ra nhiều trò vui, thử thách để trêu ghẹo hai nhân vật chính nhằm tạo ra không khí vui vẻ. Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế, thử hỏi có bao nhiêu người cảm thấy vui vẻ, thậm chí còn khiến không khí hôn lễ trở nên hỗn loạn. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa trái: v.qq)

Ở Việt Nam, từng có câu chuyện tương tự khi bạn bè cô dâu chú rể “tấn công” hai nhân vật chính ngay trước cửa nhà. Lúc đang xếp hàng chụp ảnh, nhóm bạn của chú rể cầm pháo bông gần đó và la lên: “Đầu hàng không". Dù chú rể liên tục giơ tay xin tha nhưng không đủ sức ngăn đám bạn ngừng trò gây ảnh hưởng đến hôn lễ. Để ý cô dâu vừa khó chịu, vừa rơm rớm muốn khóc lại càng thấy tội vô cùng. Có ai muốn đám cưới bị phá một cách vô duyên như vậy đâu. 

Ngày vui, dĩ nhiên những trò đùa vừa phải sẽ góp phần tạo không khí gần gũi, cởi mở hơn. Tuy nhiên trò đùa lố lăng và không có điểm dừng này như “phá” đám cưới, khiến cô dâu chú rể méo mặt chịu trận.

Những người bạn của cô dâu chú rể trong hai vụ việc trên có thể xuất phát từ lòng tốt, muốn không khí tiệc cưới vui vẻ và mọi người “quẩy” cùng nhau thoải mái. Tuy nhiên, nên nhớ nhiệt tình nhưng không đúng lúc và kém duyên sẽ thành phá hại. Rõ ràng hai câu chuyện trên chỉ có kết cuộc phá hoại ngày vui của cô dâu chú rể. Làm gì làm cũng phải có chừng mực, để ý và suy nghĩ đến hậu quả để tránh xảy ra cớ sự đáng tiếc.