Để máy giặt trong nhà tắm, không có thanh bám... khiến nhà tắm có thể trở thành nơi nguy hiểm nhất trong nhà mà bạn chưa biết.



1. Bao lâu cần kiểm tra ổ cắm điện trên tường nhà tắm một lần?





Ổ cắm ở phòng tắm được thiết kế để có thể phát hiện rò điện và tự động ngắt điện khi có sự cố. Ổ cắm này có hai nút ở giữa. Mỗi tháng một lần, bạn cần nhấn vào nút "kiểm tra" (test) và nghe xem có tiếng "tách" không. Nếu có nghĩa là ổ cắm hoạt động hiệu quả. Bấm nút "khởi động lại" (reset) để hoạt động bình thường.



2. Điều gì dễ khiến bình nóng lạnh nhà bạn bị rò điện, gây chết người?





Bật máy nước nóng suốt 24/24h vừa tốn điện vừa có nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải gây ra rò điện.



3. Có nên đặt máy giặt trong nhà tắm?





Máy giặt​ và ổ điện đặt bên trong nhà tắm dễ gây chập điện, cháy điện khi vô tình tiếp xúc với nước bắn ra. Ngoài ra, môi trường ẩm thấp làm máy dễ bị nấm mốc xâm nhập, giảm độ bền. Các loài gián, chuột... thích môi trường ẩm ướt trong phòng tắm và có thể tới cắn phá làm hỏng dây điện máy giặt nhà bạn.



4. Phòng tắm nhà bạn có lắp thanh bám không?





Trơn trượt và ngã trong phòng tắm là việc dễ xảy ra và có thể gây chấn thương. Dù trẻ nhỏ và người già thường dễ gặp nguy cơ này nhất, bất cứ ai cũng có thể bị ngã khi đi trên nền ướt. Nên lắp vài thanh bám ở dưới vòi sen và gần bồn cầu.



5. Nếu nhà có trẻ nhỏ, nên làm gì để tránh trẻ vào nhà tắm một mình và có thể trượt ngã hay nghịch hóa chất tẩy rửa?





Trượt chân ngã, nhào vào xô, chậu nước, bồn, bỏng nước nóng, nghịch, nuốt phải các hóa chất tẩy rửa để trong phòng tắm... là những tai nạn mà rất nhiều trẻ nhỏ đã gặp phải, nguy hiểm tới cả tính mạng. Vì vậy, người lớn cần luôn chú ý giám sát, không bao giờ để trẻ ở trong nhà tắm một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn. Trẻ có tính ham nghịch, thích khám phá, dễ quên nên chỉ dặn dò thôi là không đủ.



6. Những gì bạn nên cất trong nhà tắm?





Nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi mạnh trong phòng tắm ẩm và có thể bám vào tất cả các bề mặt. Các vi khuẩn gây hại nhất có thể xâm nhập vào cơ thể bạn qua mắt, mũi, miệng, vì vậy chớ nên cất bàn chải đánh răng và kính áp tròng trong nhà tắm. Cũng đừng để thuốc ở đó vì hơi ẩm có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Những thứ này nên được để ở nơi khô ráo, có thể là một chiếc kệ ngay cửa phòng tắm.



Nếu đã quen để bàn chải trong phòng, hãy để ở nơi cao ráo và luôn nhớ đóng nắp bồn cầu khi xả nước để hạn chế các vi khuẩn ở đó xâm nhập ra đồ xung quanh.



7. Nhà tắm của bạn có cần quạt thông khí thải không?





Quạt thông khí thải hút hơi ẩm của không khí sau khi tắm, giúp hạn chế sự sinh sôi của các nấm mốc và vi khuẩn dễ gây dị ứng. Bạn cũng nên mở quạt này khi lau cọ toilet để thông các khí độc hại.



8. Máy sấy tóc có nên vẫn cắm ở ổ trong phòng tắm khi không sử dụng?





Máy sấy tóc (và các thiết bị điện khác như bàn là, máy cạo râu) nên được rút khỏi ổ cắm ngay sau khi dùng. Dù cho bạn có sử dụng loại máy sấy chất lượng tốt, tự động ngắt điện khi bấm nút tắt thì vẫn có nguy cơ sốc điện nếu máy lỡ rơi vào bồn tắm hay bồn cầu.



9. Bao lâu bạn giặt khăn tắm một lần?





Giặt khăn tắm mỗi ngày một lần là quá nhiều, làm khăn nhanh rách. Nhưng nếu để khăn quá một tuần mới giặt thì lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Giặt một tuần một lần là vừa phải. Tuy nhiên, không áp dụng mức này với khăn lau mặt. Khăn lau mặt cần được giặt sạch sau mỗi lần dùng.