Chuột rút bắp chân là hiện tượng thường gặp khi cơ thể vận động quá sức khiến cơ bắp và hệ thần kinh vùng mệt mỏi, đặc biệt là tình trạng chuột rút bắp chân khi chơi thể thao trở nên rất phổ biến.

Chuột rút là gì?

hình ảnh

Các cơ ở chân của bạn được tạo thành từ các bó sợi luân phiên co lại và giãn ra để tạo ra chuyển động. Chuột rút là sự co thắt (siết chặt) đột ngột, không chủ ý của một trong các cơ này, điển hình là ở bắp chân của bạn.

Chuột rút có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút. Chúng có thể nhẹ hoặc đủ mạnh để đánh thức bạn khỏi một giấc ngủ ngon. Một cơn co thắt cơ đột ngột, gây đau đớn ở chân được gọi là co thắt cơ bắp hay chuột rút bắp chân.

Nguyên nhân dẫn đến chuột rút bắp chân

Nhiều người có suy nghĩ chuột rút chỉ xảy ra ở những người có cường độ vận động cao như vận động viên hay người lao động nặng,… nhưng thật ra đây là một suy nghĩ chưa hẳn là đúng. Tình trạng chuột rút bắp chân hoàn toàn có thể xảy ra ở mọi đối tượng và nguyên nhân có thể đến từ chính những vấn đề sức khỏe của chúng ta.

Bổ sung không đủ nước cho cơ thể

Cơ thể mất nước dẫn đến mất cân bằng chất điện giải sẽ dẫn đến nguy cơ bị chuột rút bắp chân. Thiếu hụt các chất điện giải sẽ làm giảm khả năng nhạy bén của các dây thần kinh khiến cơn đau co rút cơ bắp chân đến đột ngột.

Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ngày hoặc nhiều hơn nếu bạn thường xuyên đổ mồ hôi do thực hiện chế độ luyện tập nặng.

Cơ thể giữ ở một tư thế quá lâu

Khi ở trong một tư thế quá lâu và đột ngột di chuyển, các cơ bắp không kịp thích nghi sẽ bị co rút gây ra những cơn đau không mong muốn. Lời khuyên ở đây là bạn nên di chuyển, vận động, đồng thời xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân thường xuyên để phòng ngừa chuột rút xảy ra.

Thiếu hụt canxi

Tình trạng thiếu hụt canxi dẫn đến chuột rút chân còn thường diễn ra ở phụ nữ đang mang thai vì trong giai đoạn này, cơ thể cần nhiều canxi hơn để nuôi dưỡng thai nhi, đồng thời sự thay đổi hormone cũng khiến hiện tượng này rất thường xuyên xảy ra.

Vì vậy bà bầu nên ăn uống hợp lý, sử dụng thêm các thực phẩm chức năng bổ sung canxi để cơ thể và thai nhi luôn khỏe mạnh. Ngoài ra vận động nhẹ nhàng, tham gia các lớp học yoga bà bầu cũng giúp bạn hạn chế chuột rút đáng kể khi mang thai.

Chuột rút do thiếu máu, tuần hoàn máu kém

Lượng máu được cung cấp đến phần chân, tay, bắp chân,… không đủ, thiếu máu cũng là nguyên nhân dẫn đến chuột rút bắp chân và gây ra những cơn đau kéo dài với mức độ thường xuyên làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bị. Tình trạng này có thể cải thiện bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng tăng tuần hoàn máu, bổ sung sắt qua đường ăn uống,…

Do dây thần kinh bị chèn ép quá mức

Một số bệnh lý có thể dẫn đến nguy cơ chuột rút ở chân cao hơn so với những bệnh lý khác như viêm khớp, thoát vị đĩa đệm,... Nguyên nhân là do những bệnh này đè ép lên dây thầy kinh cột sống. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách giữ cho lưng luôn thẳng ở mọi tư thế, hạn chế mang vác đồ nặng,…

Cách xử lý khi bị chuột rút bắp chân

Sau đây là một số cách xử trí khi bị chuột rút bắp chân

#1 Căng cơ, thư giãn: Ngay khi cảm thấy những cơ co rút của cơ bắp việc bạn cần làm là hãy từ từ thả lỏng phần bị chuột rút sau đó duỗi nhẹ chân ra và để các cơ bắp thư giãn, ổn định lại. Ngoài ra, bạn có thể làm một vài động tác giãn cơ đơn giản để kéo giãn phần cơ bắp chân, việc này giúp nhanh chóng giảm hiện tượng chuột rút.

#2 Massage nhẹ nhàng: Khi bị chuột rút bạn có thể dùng tay để massage nhẹ nhàng lên phần cơ bắp chân đang bị chuột rút để thư giãn và giảm đau. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm dầu gió hoặc cao xoa bóp giúp tăng hiệu quả lưu thông máu và giãn cơ.

#3 Sử dụng thuốc điều trị chuột rút chân: Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị chuột rút bắp chân. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng mà cần có những tham khảo từ bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý chỉ áp dụng phương pháp này với những người thường xuyên bị chuột rút, ngoài ra đối với người chỉ gặp hiện tượng này do những lý do khách quan thì không cần sử dụng thuốc đặc trị.

Nguồn: nhathuoclongchau.com.vn