Bồ hòn có những công dụng gì?

Một số thử nghiệm về tác dụng dược lý của bồ hòn cho thấy:

  • Cao chiết nước và cồn của bồ hòn có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Staphylococcus pyogenes…
  • Bồ hòn (phần trên mặt đất) cũng cho thấy hoạt tính diệt tinh trùng, được thử nghiệm trên chuột và người. Một dạng kem bào chế từ saponin toàn phần của bồ hòn đã được thử dược lý và lâm sàng đề áp dụng tại âm đạo làm thuốc chống thụ thai.

Theo Đông ý, rễ bồ hòn có vị đắng, tính mát, hơi độc, quy vào các kinh phế, tỳ và có tác dụng tiêu đờm hòa trệ. Quả bồ hòn có tác dụng sát trùng.

Về công dụng của bồ hòn thì từ lâu, nhân dân ta đã dùng quả bồ hòn để giặt quần áo thay cho xà phòng, có hiệu quả tốt trong trường hợp giặt đồ len, lụa khi không chịu được độ kiềm của xà phòng. Hạt bồ hòn thường được xâu thành tràng hạt cho các nhà sư. Theo tài liệu cổ, bồ hòn có  tác dụng chữa ho trừ đờm, nhân quả bồ hòn có thể dùng chữa hôi miệng, sâu răng. Ở một số vùng, người dân dùng vỏ cây bồ hòn giã nát rồi ngâm nước tắm cho động vật để diệt bọ, rận, chấy.

Trong y học dân gian Ấn Độ, người ta dùng vỏ quả (cùi) bồ hòn trộn với mật ong, làm thành viên hoàn (mỗi viên 2g) để điều trị viêm phổi. Mỗi lần sẽ uống một viên chung với sữa nóng, ngày 2 lần.

Nhân dân một số vùng Nepal dùng vỏ quả bồ hòn tán nhỏ thành bột nhão đắp hàng ngày để trị những bệnh ngoài da như ghẻ, bệnh nấm da. Cũng có thể dùng vỏ quả bồ hòn tán nhỏ trộn với bột ngô với lượng gấp đôi, dùng gội đầu thường xuyên để trị gàu và diệt chấy.