Tháng 5 – tháng có ngày của mẹ của mỗi năm lại đến mang theo cái nắng đầu hè oi ả đến làm tràn ngập trong tôi bao cảm xúc. Trong cuộc đời của tôi có hai người mẹ, người mẹ thứ nhất một người đã sinh ra tôi và người mẹ thứ hai tuy “không đẻ không nuôi” nhưng lại yêu thương tôi hết mực và đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường chăm sóc và nuôi dạy con cái – là cháu nội của bà đến tận ngày hôm nay

 Người mẹ thứ nhất đã sinh ra tôi trong sự vất vả không cùng. Trước đây, khi còn thơ bé, tôi không thấu hiểu được nhiều điều mẹ đã hy sinh, đã vất vả để cho chúng tôi một cuộc sống no đủ, cho chúng tôi những kiến thức sống để vững bước vào đời. Nhưng đến hôm nay, khi tôi phải thức suốt đêm để chăm con ốm, tôi mới thấu hiểu hết nỗi khổ của người mẹ và bỗng nhớ lại câu chuyện mẹ kể cho tôi rằng: “Ngày trước, khi tôi còn nhỏ, ban ngày tôi rất ngoan nhưng cứ đến tối lại quấy khóc và đòi mẹ bế ra đường, đến khi nhìn thấy con chó đen ở ngoài đường gần nhà tôi thì tôi mới nín khóc và chịu cho mẹ bế về nhà. Nhiều người khuyên mẹ tôi rằng, nên làm lễ bán khoán tôi để cho dễ nuôi hơn.”. Khi ngồi ôm con, tôi có thể tưởng tượng ra hình ảnh của mẹ tôi ôm tôi ngày trước vất vả như thế nào khi ban ngày, mẹ phải làm công việc thủ công – nghề làm chăn bông cực kỳ mệt mỏi ngày ấy, còn ban tối thì tôi lại quấy đến khuya mới chịu đi ngủ. Tôi bỗng tự hỏi tại sao mẹ lại có sức khỏe phi thường như vậy, không biết mẹ được ngủ mấy giờ đồng hồ mỗi ngày, mẹ có ngáp ngủ như tôi bây giờ khi ngày phải đi làm, đêm trông con nhỏ hay không. Nhưng có một điều rằng chúng tôi sướng hơn mẹ ngày xưa rất nhiều là điều kiện kinh tế tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn thời của mẹ tôi rất nhiều. Và đúng thực là “có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Tình yêu của mẹ đối với con là vô bờ bến, là không gì sánh được. Sau khi tôi lập gia đình, mặc dù cuộc sống của tôi tốt hơn rất nhiều nhưng mẹ vẫn nghĩ thương tôi vì trước lúc tôi đi lấy chồng, điều kiện gia đình không được tốt như bây giờ nên tôi có phần thiệt thòi hơn các em.

Tôi cũng đã nhiều lần nói với mẹ rằng: “Ông trời đôi khi cũng thực sự công bằng, trước đây con vất vả thì bây giờ mẹ cũng thấy con có cuộc sống rất tốt rồi đó, nên mẹ cứ yên tâm”. Nhưng mẹ tôi với tình thương dạt dào ấy, mặc dù người mẹ có nhiều bệnh: máu nhiễm mỡ, dạ dày…nhưng mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, mẹ tôi lại đạp xe hơn 7 cây số đường để lên đỡ đần tôi và bố mẹ chồng tôi dù chỉ trong vài giờ đồng hồ để vơi đi nỗi nhớ con cháu với mong muốn rằng, con gái mình đi làm về sẽ bớt việc để làm và có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Mỗi lần tiễn mẹ về, nhìn theo bóng dáng mẹ đạp xe nhỏ dần lẩn khuất giữa đám đông, bất chợt vài câu thơ trong bài thơ “Mẹ ốm” cùa nhà thơ Trần Đăng Khoa lại ùa về trong tôi với lòng thương mẹ vô hạn:

Vì con, mẹ khổ đủ điều


Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn


Con mong mẹ khoẻ dần dần


Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.


Rồi ra đọc sách, cấy cày


Mẹ là đất nước, tháng ngày của con..."

Rồi mỗi lần cả nhà tôi về thăm mẹ, mẹ lại tất tả đi mua những đồ ăn để cùng tôi chế biến những món ăn mà chúng tôi thích nhất. Mẹ bảo với chúng tôi rằng, không gì vui bằng được ở bên con cháu, điều này khiến mẹ khỏe lên rất nhiều. Và phải lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp ở bên mẹ trong những ngày du lịch ở Quảng Bình với biết bao kỉ niệm để được nhìn thấy những khoảnh khắc mẹ thanh thản, mẹ vui vẻ sau khi tạm xa cuộc sống tất bật ở Hà Nội vài ngày.

Người mẹ thứ hai chính là mẹ chồng tôi . Khi tôi về làm dâu mẹ tôi đã bước sang tuổi hai mươi bảy, những kỷ niệm của những ngày trước khi kết hôn là những chuỗi kỷ niệm tuổi thơ ấu, tuổi cắp sách tới trường và kỷ niệm của tình yêu đôi lứa. Sau khi về làm dâu mẹ, tôi được sống cùng với bố mẹ và nhận nhiều thiên chức mà ông trời ban tặng cho mình: làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Vì vậy mà hơn 10 năm qua, những thiên chức mà tôi đảm nhận cùng với trách nhiệm của bản thân đối với gia đình đã tỉ lệ thuận với những kỷ niệm mà tôi có được bên mẹ kính yêu. Khi tôi mới “làm dâu”, mẹ nhẹ nhàng chỉ cho tôi những thói quen sinh hoạt của gia đình một cách ân cần nhất để tôi nhanh hoà nhập với gia đình mình; khi đó, mẹ cũng nhắc lại những kỷ niệm “làm vợ” mà mẹ đã từng trải qua để chúng tôi có được mái ấm gia đình nhỏ hạnh phúc nhất; và khi tôi trải qua những lần vượt cạn để nhận thiên chức thiêng liêng nhất - “làm mẹ” , khi tỉnh lại người đầu tiên đến bên tôi chính là mẹ, mẹ chăm sóc tôi trọn cả một tháng đầu ở cữ, mặc dù mẹ phải chống nạng để đi lại sau khi mổ sụn đầu gối ngay trước lúc tôi sinh cháu đầu lòng. Và một kỷ niệm tôi nhớ mãi đến bây giờ con không thể quên được, đó là ngày tôi sinh bé Bông vào một ngày thu của hơn 9 năm về trước. Hôm ấy, bệnh viện phụ sản Hà Nội do số lượng sản phụ quá đông nên họ quyết định cho những sản phụ đã sinh con bằng phương pháp tự nhiện đủ 24 giờ đồng hồ được xuất viện ra về. Lúc ấy, mẹ vẫn còn đi nạng nên không thể đến đón tôi được, bà ngoại của bé vừa từ viện về không thể kịp quay lại đón tôi ra viện trước 12h hôm ấy. Và rôi đã bế bé cùng với em con tự thu xếp hành lý để về nhà sớm cho thoải mái. Khi về đến nhà, mẹ vội chống nạng ra để đón cháu nội yêu quý của mình, mặt mẹ có hơi biến sắc nhưng vội giãn ra ngay khi em bé khóc ré lên. Sau đó vài ngày, mẹ mới nói với tôi rằng: “Hôm đó, khi con bế con từ bệnh viện về. Có lẽ do con chưa có kinh nghiệm bế bé sơ sinh cộng với sức khoẻ yếu sau ca sinh khó, nên con đã bế gập cổ bé nên bé về nhà có hiện tượng tím tái. Mẹ nhìn thấy vậy liền vỗ vào người bé Bông, bé khóc lên mẹ mới thấy yên tâm. Mẹ mong rằng, mình luôn khoẻ mạnh để khi con sinh bé thứ hai, mẹ sẽ là người bế cháu từ bệnh viện về”. Bắt đầu từ kỷ niệm ấy, mẹ không trách tôi mà luôn chỉ bảo cho con từ những việc nhỏ nhất để con hoàn thiện hơn trong việc đảm nhận những thiên chức trời ban cho mình. Những kỷ niệm đong đầy theo thời gian khi có thật nhiều giây phút và khoảnh khắc cảm động mẹ dành cho tôi suốt hơn 10 năm qua, tất cả đều được con ghi nhận và khắc sâu trong tâm khảm. Và lúc này đây tôi càng thấm thía hơn câu thơ trong bài thơ “Mẹ của anh” mà nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng viết:


“Phải đâu mẹ của riêng anh


Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi


Mẹ tuy không đẻ không nuôi


Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”


 Tôi  chỉ mong sao các mẹ mãi được mạnh khỏe để chúng tôi báo đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng và chăm sóc của các mẹ, để cố gắng hơn trong cuộc sống và mang lại niềm vui cho mẹ. Dù thời thế có thay đổi nhưng tình yêu của các mẹ dành cho các con sẽ vĩnh viến không bao giờ đồi thay, những chặng đường mẹ đi qua sẽ là những chặng đường tôi bước tới, bởi vì đồng hành trên chặng đường ấy sẽ là tình yêu bao la và tấm lòng trời bể của mỗi bậc cha mẹ dành cho con mình. Tôi sẽ bước tiếp chặng đường ấy với lòng biết ơn mẹ luôn khắc ghi trong lòng!

hình ảnh