Trước giờ tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần mình sống hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ các con thì sau này chúng sẽ nhìn vào mà biết cách cư xử với bố mẹ. Vậy mà không, thanh niên thời nay khác xưa quá mọi người ạ, chúng chẳng xem bố mẹ ra gì đâu.

Tôi năm nay 65 tuổi, ông nhà đã bước sang 70. Vợ chồng tôi có 3 người con, 2 gái, 1 trai. Trai út nhưng lại là đích tôn của gia đình nên có phần được chiều chuộng hơn.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nó mới lấy vợ và sinh được thằng cu. Nghe tin dâu đẻ, tôi mừng lắm, vội vàng bỏ hết công việc dưới quê tay xách nách mang từ mớ rau, con gà, bao gạo, quả trứng... lên Hà Nội để chăm con chăm cháu.

Con trai thấy mẹ lếch thếch lên đến nơi chẳng hỏi han được 1 câu đã càu nhàu. Nó kéo tay tôi ra ngoài sân rồi thì thầm:

“Hà Nội không giống như ở quê, mẹ phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, khi chăm cháu với vợ con phải cẩn thận nhé”.

Thấy con trai nhắc mình toàn điều thừa thãi, tôi bật cười trách nhẹ ‘Thằng ranh còn định dạy khôn mẹ, tao đẻ ra mày đấy’. Nhưng sống cùng 1 tháng mới thấy sự khác biệt về quan điểm và lối sống giữa 2 thế hệ khiến tôi khó lòng hòa nhập.

Con dâu luôn cau có và tỏ ra khó chịu, không hài lòng với những điều tôi nói. Nhất là hôm đầu tiên mẹ chồng lên ở cùng, khi vào phòng của vợ chồng nó, tôi cứ nghĩ như ở quê nên không gõ cửa mà cứ thế đẩy  vào. Đúng lúc ấy, con dâu đang mặc váy nằm tơ hơ, thấy tôi vào nó hét ầm lên bảo:

“Ơ kìa, bà làm gì thế? Sao vào mà không biết gõ cữa à”.

Tôi chỉ cười:

“Mẹ con đàn bà với nhau, có gì mà ngại”.

Tôi vô tư đi ra chẳng để ý đến vẻ khó chịu của con dâu. Vài lần sau tôi lại mở cửa ra vào như vậy, lúc này nó hét lên bảo: “Mẹ mất lịch sự vừa thôi chứ, đây là nhà con”.

Nghe câu đấy tôi tự ái kinh khủng, đành rằng nhà nó thì sao, tôi là mẹ chồng cơ mà. Tuy nhiên nghĩ rằng con dâu mới sinh, tâm tính còn chưa ổn định nên tôi cho qua. Thế nhưng càng sống, những bất đồng và mâu thuẫn càng lớn.

Cháu khóc, tôi bế nó ra võng ngồi đung đưa. Đang ngồi thì con dâu chạy ra giật lấy cháu trên tay tôi quát:

‘Mẹ muốn giết cháu hay sao mà đung đưa mạnh thế. Có biết não trẻ giai đoạn này chưa phát triển hết sao?’

Sau đó, con dâu bế đứa bé vào phòng đóng sầm cửa lại khiến con giật mình khóc ré lên. Lần này tôi quá bực nên đã vào phòng để nói chuyện phải trái với con dâu. Nó sau đó không nói gì, nhưng tôi làm gì nó cũng không ưa. Cơm mẹ chồng nấu, nó gẩy gẩy mấy hạt rồi không đụng vào nữa. Tôi vừa tiếc công mình, vừa tiếc của nên cứ cằn nhằn bảo “Chúng mày làm được bao nhiêu tiền mà lãng phí. Đổ đồ ăn đi là phải tội đấy”.

Chỉ là 1 câu nói thôi mà con dâu bù lu bù loa lên cho rằng tôi trù ẻo nó. Con bé gọi điện cho chồng làm ầm lên: “Anh tống cổ bà ấy về quê đi, không được tích sự gì chỉ gây phiền phức”.

Tôi đứng ngoài nghe rõ từng câu vì tường cách âm kém, giận và buồn vô cùng. Tối đó chờ con trai về, trước mặt cả 2 đứa tôi nói thẳng:

Chị quá quắt vừa chứ. Tôi bỏ nhà bỏ cửa để lên chăm con giúp anh chị chứ không phải người ở mà muốn nói gì cũng được’.

Con dâu cũng chẳng vừa, đối đáp ngang cơ với mẹ chồng luôn: “Bà bảo lên giúp thế đã làm được cái gì chưa hay chỉ gây bực bội. Còn bà không thích thì mời về, con không cần”.

Con trai đứng giữa nhưng chẳng bảo vợ 1 câu còn quay sang kéo tay tôi: Mẹ lên đã không chăm nổi cháu còn phá nát gia đình con”.

Tôi đau đớn đến nghẹn lòng vội vào phòng thu dọn hành lý bỏ về ngay trong đêm. Không chờ con trai chở ra bến tôi tự gọi xe ôm. Về đến nhà tôi không dám hé một lời với ai vì sợ người ta đánh giá mình và cười chê con. Thế nhưng càng nghĩ tôi càng thấy chua chát. Mẹ về nhà cả tuần mà không một đứa nào gọi điện xin lỗi hay hỏi han.

Mãi đến sáng nay con trai mới gọi, tôi đang mừng thầm vì cuối cùng nó biết nghĩ đến mẹ. Nhưng vừa nghe máy, nó đã vội giục giã tôi thu xếp lên ngay để bế cháu cho vợ đi làm, nhà chưa thuê kịp giúp việc.

Chưng hửng, tai tôi ù đi chẳng nghe lọt nổi câu nào nữa. Tôi không muốn lên Hà Nội nhưng nếu không lên, sau này về già chúng lại lôi chuyện mẹ không giúp đỡ con cái lúc khó khăn. 

Chẳng nhẽ từng này tuổi rồi, tôi vẫn phải nhẫn nhịn con để làm tròn nghĩa vụ của người bà nội hay sao. Nghĩ đến câu nói lúc dâu đuổi đi mà giờ tôi vẫn tức, chỉ muốn mặc xác chúng nó.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.