Tự dưng đâu trên trời rơi xuống cái chuyện xui xẻo, mà đáng lý ra mình đâu đáng để bị. Sợ bị tù tội, thiếu hiểu biết luật mà đôi vợ chồng già này đã vét sạch của cải “dâng cho” kẻ lừa đảo mà mình từng coi là con cháu trong nhà.

>>> Giả danh công an để lừa đảo hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản bằng 1 cuộc điện thoại

Vụ án mình sắp kể cho các mẹ nghe dưới đây nè, đọc xong thì đúng là một kịch bản hoàn hảo được dựng lên, nạn nhân phải mất rất nhiều tiền mới ngộ ra và đi báo Công an.

Theo nguồn tin mình đọc được từ báo Công Lý và Công an Nhân dân là như thế này.

Vào khoảng năm 2008, Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1984, ngụ ở quận 3, TP.HCM về làm dâu nhà bà L. Bạn thân của bà L. là bà B. vì thấy con dâu của bạn thân mình ưa nhìn, hoạt bát nên quý mến.

Lợi dụng lòng tin của bà B., vào khoảng đầu năm 2015, Hạnh mượn bà B. 100 triệu nói là để kinh doanh trái cây. Tiền cũ còn chưa trả thì Hạnh tiếp tục mượn bà B. 750 triệu đồng nói là để hùn vốn kinh doanh vào khách sạn ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM. Bà B. cho Hạnh mượn nhiều tiền cũng vì quý mến và xem Hạnh như con cháu trong nhà.

hình ảnh

Ảnh trái: Đối tượng Lê Thị Mỹ Hạnh. Nguồn: Báo Công Lý. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến khoảng tháng 2/2016, bà B. có nhắc Hạnh trả nợ, nhưng Hạnh lấy lý do đã cho bà Trần Kim Lợi, là chủ của một tiệm vàng ở chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM vay, bà Lợi mang đi đánh bài và thua. Vì bà Lợi chưa trả tiền cho Hạnh nên Hạnh cũng không có tiền trả cho bà B.

3 tháng sau, Hạnh mang nhiều nữ trang có đính đá quý đưa cho bà B. xem và nói đây là tài sản của bà Lợi thế chấp để vay tiền của Hạnh, nên Hạnh đưa lại cho bà B. để làm tin. Vài lần đưa nữ trang xong, lấy được lòng tin của bà B., Hạnh tiếp tục mượn thêm 1 tỷ đồng.

Một thời gian sau, Hạnh quay lại gặp bà B. kể lại rằng, bà Lợi buôn lậu nữ trang, đá quý nên bị Công an quận 3 bắt và bà Lợi đã khai ra bà B., vì bà B. có liên quan đến số lượng lớn nữ trang của bà Lợi.

Thấy bà B. lo sợ nên Hạnh trấn an, nói bà B. “Mẹ an tâm đi, con đã tìm được người đóng giả mẹ để làm việc với Công an, Tòa án rồi. Tạm thời mẹ đã thoát tội”. Bà B. vừa mừng vừa sợ nên đã trả lại hết số nữ trang kia cho Hạnh. Sau này, Công an mới xác định được số nữ trang đó là giả.

Vài ngày sau đó thì bà B. nhận được tin nhắn của một người tự xưng tên là Thu Nguyệt, Luật sư của người mà Hạnh nhờ để đóng giả bà B. Vị “Luật sư dỏm” này đã nói với bà B., người thế bà B. đã bị Công an đánh, phải vào Bệnh viện cấp cứu. Nên muốn yên chuyện thì bà B. phải chi tiền điều trị cho người này và lo cho cả Công an?! Bằng không, bà B. sẽ bị bắt. Sợ bị tù tội nên bà B. đã đồng ý và nhiều lần chuyển tiền cho vị “Luật sư dỏm” kia, tổng cộng là 350 triệu đồng.

Thời gian này, Hạnh đã lánh mặt, nhắn tin cho bà B. nói mình đã bị Công an bắt giam vì liên quan đến vụ tiệm vàng của bà Trần Kim Lợi. Rồi Hạnh giới thiệu một người tên Khang, tự xưng là “sếp” của khách sạn nơi Hạnh hùn vốn sẽ liên hệ với bà B. có việc quan trọng. Khang nhắn tin nói với bà B. số cổ tức mà Hạnh được chia là gần 3 tỷ đồng. Hạnh đã ủy quyền cho bà B. đến khách sạn để nhận lại số tiền này. Sau đó, Hạnh gọi điện nói với bà B. là mình đã bị bắt giam, nên không nhận được tiền, nhờ bà B. đến nhận tiền. Rồi nói từ trước giờ nợ của bà B. tổng cộng 2,1 tỷ đồng, nhận số tiền này, bà B. trừ nợ, còn lại giữ cho Hạnh. Tiếp tục, Khang lại nhắn tin cho bà B. nói muốn nhận 3 tỷ trên thì phải đưa tiền để làm thủ tục.

Nhiều lần, Khang đã đưa người đến nhà bà B. để lấy tiền, tổng cộng 880 triệu đồng. Lấy hết lý do để moi tiền xong thì Khang nói với bà B. là mình cũng liên quan đến Hạnh trong vụ chủ tiệm vàng Trần Kim Lợi nên cũng đã bị bắt, không thể giúp bà B. lấy tiền ra được.

Quá nhiều người liên quan đến vụ của chủ tiệm vàng Trần Kim Lợi bị bắt khiến bà B. càng thêm lo sợ. Bà B. sau đó đã quyết định thổ lộ với chồng. Nghe xong, ông chồng tức giận, bảo sẽ không đưa tiền cho ai nữa và làm đơn tố cáo Hạnh cho cơ quan Công an.

hình ảnhẢnh chụp báo Công Lý

Do biết chuyện chồng bà B. nói làm đơn tố cáo, nên Hạnh xuất hiện tại nhà bà B. nói là mới lo lót cho Công an nên được thả ra. Hạnh dọa, nếu tố cáo Hạnh thì sẽ không lấy được tiền ở khách sạn nơi Hạnh hùn vốn. Tổng cộng cổ phần mà Hạnh “sở hữu” ở khách sạn là hơn 6,1 tỷ đồng. Chồng bà B. nghe vậy cũng chưa đồng ý.

Vài hôm sau, bất ngờ có một cán bộ phường đến chơi, bất ngờ hỏi bà B. có biết vụ án của bà chủ tiệm vàng Trần Kim Lợi không, rồi không nói gì thêm. Vì sự úp mở này nên vợ chồng bà B. lại tin vụ án này là có thật. Sau đó, chồng bà B. đã thay đổi, không làm đơn tố giác Hạnh đến cơ quan Công an nữa.

Không lâu sau đó, có người tự xưng là Thành, cán bộ Công an quận 3, yêu cầu bà B. đưa 30 triệu để dàn xếp vụ án, rồi hỏi bà B. có muốn nhận số tiền hơn 6,1 tỷ đồng không, bởi chỉ có cơ quan Công an mới giúp bà B. lấy được tiền, vì Hạnh cũng liên quan đến vụ án tiệm vàng nêu trên.

Cũng vì muốn lấy lại số tiền đã mất, nên vợ chồng bà B. đồng ý và được yêu cầu nộp vào 3,2 tỷ đồng mới rút được. Vợ chồng bà B. lại tiếp tục chi tiền này thông qua một người tên Bá, với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.

Lấy tiền của vợ chồng này quá dễ, Hạnh lại tiếp tục nhắn tin cho bà B. nói là lại bị Công an bắt vì có liên quan đến vụ án trên, muốn gỡ tội phải chi 200 triệu đồng, rồi sau đó có một người lạ mặt đến nhà bà B. lấy số tiền trên.

Mấy ngày sau, Hạnh về và gặp bà B. nói ở tù ghê lắm, bị đánh đập suốt, con của bà chủ tiệm vàng cũng bị đánh chết luôn. Lo sợ tột độ, nên vợ chồng này cầu cứu Hạnh giúp thoát ra vụ án này. Vài ngày sau, kẻ đóng giả Công an tên Thành đã gọi điện yêu cầu vợ chồng bà B. đến trụ sở vì có Thứ trưởng Công an vào chỉ đạo làm rõ vụ án.

Đến nơi thì Thành nói cứ ngồi ở quán cà phê trước cổng chờ Thứ trưởng đang họp án. 2 tiếng trôi qua, Thành kêu vợ chồng bà B. về có gì Thứ trưởng sẽ gặp làm việc sau. Rồi tiếp có kẻ đóng giả Thứ trưởng Công an đe dọa sẽ bắt bà B. vì đã đủ chứng cứ. Vợ chồng bà B. lo sợ tột độ, nên sẵn cớ Hạnh ra tay nói đưa thêm gần 2,5 tỷ đồng để lo cho “Thứ trưởng”?!

Đến Bộ Công an coi như đã hết lý do, nhưng lại muốn vét sạch tiền của vợ chồng bà B. nên Hạnh nói ngày mai Thủ tướng Chính phủ sẽ vào kiểm tra vụ án, nói đưa thêm 500 triệu đồng để làm phí. Lúc này vợ chồng bà B. đã hết tiền thật, nên không đủ tiền, Hạnh hỏi tiếp còn bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, Hạnh sẽ giúp. Gom góp được 250 triệu đồng rồi bà B. đưa cho Hạnh. Vừa giao tiền xong, đọc báo thấy tin Thủ tướng Chính phủ đang công tác ở Hà Lan.

Lúc này, vợ chồng bà B. mới tỉnh ngộ và biết mình bị lừa. Tìm hiểu mới phát hiện chẳng có vụ án nào liên quan đến vụ án chủ tiệm vàng Trần Kim Lợi. Thấy thế, vợ chồng bà B. lần này quyết làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Cũng từ đó, Hạnh đã trốn khỏi địa phương.

Các tình tiết của vụ án giống như chuyện hài, khó tin, nhưng qua xác minh, Công an cho biết đó là sự thật, Hạnh đã dựng lên màn kịch hoàn hảo cùng đồng bọn để lừa vợ chồng bà B. vốn nhẹ cả tin và có cả chuyện thiếu hiểu biết pháp luật.

Được biết số tiền trên là vợ chồng bà B. dành dụm khi đi dạy thêm, với tiền của con ở nước ngoài gửi về.

Đến hôm qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM cho biết đã bắt tạm giam Hạnh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng đã đủ để có thể áp dụng khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản… Và phải trả lại số tài sản đã chiếm đoạt được cho bị hại.

Coi hết vụ án mà vẫn còn thấy ngỡ ngàng đó các mẹ ơi, bởi đưa số tiền lớn cho ai thì cũng phải coi kỹ lưỡng trước sau, đừng quá tin người để rồi tiền mất tật mang nha.

Tổng hợp