Tích cóp được tiền để xây nhà, tậu xe gần như là ước mơ chung của bất kỳ cặp vợ chồng trẻ nào. Tuy nhiên, ngoài việc kiếm thêm thu nhập thì việc tiết kiệm được xem là còn quan trọng hơn. Bởi người ta vẫn bảo mức chi tiêu tỉ lệ thuận với mức kiếm ra, vậy nên bạn kiếm được nhiều chưa hẳn bạn đã tích lũy được nhiều.

Tiết kiệm là cả một quá trình cần sự kiên trì và quyết tâm, đôi khi là cần cả sự khéo léo, thông minh nữa. Câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ dưới đây có lẽ sẽ là bài học cũng như động lực giúp nhiều mẹ có thêm ý tưởng tiết kiệm nè. Các mẹ đọc tham khảo nha.

Vợ chồng chị Hạnh quê ở Bắc Ninh, cưới nhau được hơn 1 năm, hiện đang thuê nhà ở khu Giải Phóng, Hà Nội. Chồng chị Hạnh là đầu bếp một nhà hàng nhỏ, lương 11 triệu/tháng. Chị thì làm thu ngân ở siêu thị, lương tháng 6 triệu đồng. Vậy là một tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 17 triệu đồng.

Mong muốn của vợ chồng chị là tích cóp được 10 triệu mỗi tháng.

hình ảnh

Bưởi vợ chồng chị mang từ quê ra ăn. Ảnh: NVCC

Để làm được điều này, chị Hạnh phải luôn tính toán kỹ càng mọi khoản chi tiêu trong tháng. Mỗi khi lương về, việc đầu tiên chị làm đó là gạt ngay 10 triệu sang tài khoản tiết kiệm gửi ngân hàng, mỗi tháng chỉ còn lại 7 triệu đồng, chị co kéo tiêu cho đến ngày lương tháng sau.

Cụ thể, các khoản chi tiêu hàng tháng của nhà chị Hạnh như sau:

- Tiền gửi tiết kiệm: 10 triệu

- Tiền nhà: 1,7 triệu

- Tiền điện nước: 300 ngàn đồng

- Tiền xăng xe của 2 vợ chồng: 500 ngàn đồng

- Tiền biếu bố mẹ: 1 triệu

- Tiền ma chay, hiếu hỉ: 500 ngàn đồng

- Tiền ăn: 3 triệu đồng

Mỗi tháng, vợ chồng chị lại thay phiên về quê nội, ngoại một lần, trước còn hay mua quà cáp nhưng ông bà không thích nên chị chuyển sang biếu tiền cho ông bà thích mua gì thì mua.

hình ảnh

Bữa cơm đầm ấm mỗi lần vợ chồng chị về quê. Ảnh: NVCC

Đổi lại, mỗi lần về quê lên, vợ chồng chị lại được bố mẹ hai bên cho rất nhiều đồ, nào là thịt gà, thịt lợn, rau củ quả, cá tôm, cua... Vậy là lại tiết kiệm được một khoản tiền ăn kha khá. Cơ bản, chị chỉ cần mua thêm thức ăn và hoa quả theo mùa nên cũng không tốn kém lắm. Thực phẩm thì chị Hạnh mua ở chợ cóc gần nhà chứ không bao giờ đi siêu thị, vừa đắt đồ ăn lại không tươi ngon bằng.

Hơn nữa, vì không phải là con trưởng trong gia đình, lại đi làm xa nhà nên mọi việc hiếu hỉ vợ chồng chị Hạnh vẫn chưa phải gánh vác nhiều.

Do vợ chồng chị Hạnh đi làm đều được công ty cho ăn trưa tại chỗ làm nên chị không phải mang cơm trưa cũng như không phải mất tiền ăn trưa. Tính ra chị cũng tiết kiệm được 1 khoản.

Tất nhiên, với khoản chi tiêu 7 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Hạnh phải hạn chế tụ tập bạn bè, ăn nhậu, ăn ngoài... Cũng là vì cả hai bận đi làm suốt nên cũng không có nhiều thời gian cho việc này. Hơn thế, vợ chồng chị Hạnh cũng chưa có con nên ít các khoản phát sinh như đau ốm, bỉm sữa...

hình ảnh

Ảnh minh họa

Còn với các khoản phát sinh khác như ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, chị đều tính toán và có dự định rõ ràng, tháng ít bù tháng nhiều, lấy khoản này đập vào khoản kia cho ổn thỏa...

Như vậy, tính ra mỗi năm vợ chồng chị cũng tiết kiệm được 120 triệu dù lương không mấy cao. Vậy mới biết, để tiết kiệm được, quan trọng nhất vẫn là có kế hoạch chi tiêu cụ thể và nhất quán thực hiện theo kế hoạch.

Ngoài ra, tự bản thân phải ý thức được việc tiết kiệm là nhằm mục đích gì? Có thể là mua nhà, mua xe, có thể là để đề phòng bất trắc xảy ra, tích lũy cho tương lai...

Khi đã có mục đích, bạn chắc chắn sẽ có động lực và kiên trì.

Nguồn: Tổng hợp