Bình thường kể ra, chả mấy ai quan tâm đâu, nhưng rồi đến một ngày, khi chính mình rơi vào bẫy lừa này, mới hoảng hồn sao hồi trước mình không chú ý.

>>> Vợ chồng già tin lời con dâu của bạn thân, bị lừa mất trắng 9 tỷ vì thiếu hiểu biết luật

Mới đây, trang Vietnamnet đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố hai kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghe kể lại, sự việc xảy vào một ngày đầu tháng 8/2019, chị N.T.H., ngụ ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội nhận được một cuộc gọi từ một người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội, báo chị H. có bưu phẩm liên quan đến lệnh triệu tập của Viện kiểm sát nhân dân do một ngân hàng khởi kiện và chị đã nợ 45 triệu đồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News. 

Ngay lúc đó, chị H. trả lời mình không hề nợ thì chị được nối máy với đầu dây bên kia được báo là số hotline của cơ quan Công an để được giải đáp. Người này xưng với chị là Trung úy Nguyễn Trung Thành, tiếp tục nối máy cho một người khác xưng là Nguyễn Hữu Thơ – cán bộ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Người này nói chị H. hiện đang là nghi can trong vụ buôn bán ma túy và có liên quan đến một ngân hàng. Đường dây buôn bán ma túy này hiện đã có 2 người bị bắt giữ. Cuộc gọi tiếp tục nối máy cho kẻ xưng là Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Người này hướng dẫn chị H. truy cập vào địa chỉ Congan.hanoi113.com và nhập các thông tin bao gồm số CMND của chị H. vào mục tìm kiếm.

Tại đây, chị H. thấy có 2 văn bản có tên mình, đó là  “Lệnh bắt tạm giam liên quan đến vụ án ma túy" và "Lệnh yêu cầu chuyển tài sản vào các số tài khoản của cơ quan Công an để kiểm tra, xác minh, nếu không liên quan sẽ trả lại trong vòng 24 - 48 giờ”.

Cứ ngỡ mọi thứ là thật, khoảng 10 giờ cùng ngày, chị H. ra ngân hàng rút tiết kiệm rồi làm thủ tục chuyển khoản 4 tỷ vào 2 tài khoản theo chỉ dẫn của nhóm tội phạm.

Ngay khi vừa nhận tiền chuyển từ chị H., bọn này đã tìm cách tẩu tán tài sản. Sự việc sau đó được phát hiện vào trình báo Công an. Qua quá trình điều tra, vừa rồi Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội hoàn tất thủ tục truy tố Nguyễn Đình Vân, 25 tuổi, quê ở Hải Dương và Nguyễn Mạnh Hiền, 24 tuổi, quê ở Hưng Yên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua lời khai, 2 đối tượng thú nhận được thuê để mở tài khoản ngân hàng, làm xong được trả tiền. Khi đã có đủ hàng loạt tài khoản ngân hàng và sim điện thoại, mới lên kế hoạch giả danh cơ quan tố tụng để gọi điện đe dọa chị H. Khi nhận được tiền xong, 2 đối tượng được “chỉ đạo” rút tiền, và được trả “tiền công”.

hình ảnh


Ảnh: Cần thận trọng những cuộc điện thoại mạo danh Công an yêu cầu khai báo thông tin cá nhân. Nguồn: Báo Công an TP.HCM. 

Dù biết hành vi này là phạm tội nhưng cả 2 vì hám lợi nên đồng ý giúp sức. Trong sự việc này, công an vẫn đang điều tra kẻ chủ mưu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể phải nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản… Trong đó, với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 50 triệu đồng trở lên là cơ sở để xem xét tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội danh. Như đối với vụ việc này, mức phạt thấp nhất với 2 đối tượng này là 02 năm tù và cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Mặc dù khung hình phạt đối với tội danh này không hề nhẹ, nhưng bọn lừa đảo vẫn cứ nhan nhản ngoài kia. Để tránh trường hợp mình trở thành nạn nhân tiếp theo của bọn lừa đảo này, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

#1. Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân của mình, bao gồm họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ nhà, hay các thông tin nhân thân khác cho người lạ. Thay vào đó, mẹ cần biết cách tự bảo mật an toàn thông tin cá nhân của mình. Một số trò chơi giải trí trên trang mạng hay các chiêu lấy thông tin cá nhân bằng việc tặng quà hay các thứ khác mẹ nên đề phòng.

#2. Với các mã OTP hay số tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm và tiền gửi không cung cấp cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ thông tin nhân thân và lai lịch của họ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VTC News và Thời báo Kinh doanh. 

#3. Đối tượng lừa đảo thường nhắm đến phụ nữ là chính, vì phụ nữ thường yếu tâm lý, không xử lý nhanh các tình huống như thế này. Vậy nên khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn bất thường, kiểu như nhân viên bưu điện báo có bưu phẩm liên quan đến lệnh triệu tập, có thông báo truy nã… thì lập tức phản ứng liền, hoặc tắt máy ngay, đừng để mình trở thành “con mồi” bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo của bọn chúng bằng “trò tâm lý”.

Phụ nữ mình dễ lo lắng, nhất là với gia đình, người thân, bọn này thường dùng “đòn tâm lý” để yêu cầu nạn nhân khai hết các thông tin có liên quan đến mình, rồi lấy đó để đe dọa ngược lại nạn nhân.

Thực tế, theo quy định của pháp luật về tố tụng, để triệu tập hoặc mời một người có liên quan đến vụ án, phía cơ quan chức năng cần gửi lệnh về địa chỉ nơi cư trú của người này, chứ không phải gọi điện thoại như kiểu này. Chỉ trong trường hợp phạm tội quả tang, thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt và giải ngay tội phạm đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hay UBND nơi gần nhất. 

Công an khuyến cáo người dân khi thấy khả nghi, vui lòng gọi vào số điện thoại 069.2348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Những điều mình kể ra trên đây, với mong muốn mẹ xem và đề phòng mình gặp tình huống tương tự thì biết cách giải quyết. Đừng tỏ ra hoảng loạn, mất tinh thần để rồi thiếu cảnh giác nếu một ngày mẹ nhận được cuộc gọi báo mình đang trong danh sách tội phạm truy nã nha!