Bố mẹ hãy dùng những ca khúc đồng dao để kích thích sự phát triển của bé nhé!

Các bé luôn có nhu cầu giao tiếp, và những người thân yêu nhất để bé hàng ngày được giao tiếp chính là bố mẹ. Ngoài việc ôm bé, nói chuyện với bé hàng ngày, bố mẹ hãy dùng những ca khúc đồng dao để gắn kết tình thương yêu của mình với các bé, đồng thời giúp bé khám phá và phát triển nhận thức cũng như thể lực của bé. Hôm nay mình xin chia sẻ cùng các mẹ về cách chơi cùng các bé nhà mình với một số bài đồng dao để các mẹ cùng tham khảo.


Khi các bé đã biết ngồi mà ngồi chưa được vững, mình thường cho bé ngồi vào lòng của mình, đôi khi có cả sự tham gia của bố bé nữa. Mình đọc bài: “Chi chi chành chành” cho bé nghe khi mình xoè tay ra, còn bố của bé và bé cùng đưa ngón tay trỏ vào lòng bàn tay của mình. Khi đọc đến đoạn “ù oà ù ập”, mình vội nắm tay lại, bố của bé thì nhanh chóng rút tay ra, còn bé thì lần đầu tiên chưa biết rút tay nên bị mình nắm lại. Với bài đồng dao này, mình có thể giúp bé có được phản xạ cơ học như nhìn, lắng nghe, rụt tay lại và nắm tay. Nó có sự phối hợp của mắt và tai cùng với tay đó các mẹ ạ. Sau khi bé đã dần quen với bài đồng dao này, đến lúc mình chuẩn bị đọc “ù oà ù ập” là bé liền có phản ứng rút tay ra khỏi lòng bàn tay mình với nụ cười lém lỉnh đó. Nếu các mẹ cho bé đổi vai, bé là người xoè tay để nắm, thì khi mình chuẩn bị đọc “Ù oà ù ập”, bé sẽ vội nắm tay lại để bắt trúng được ngón tay của bố mẹ đó các mẹ ạ!


Có hôm mình cùng bé chơi với ca khúc “Tập tầm vông”. Đồ vật mình dấu trong tay thường là những món ăn mà bé ăn được ở lứa tuổi này như những quả dâu tây nhỏ, hay quả trứng chim cút đã luộc, mình có thể cầm gọn trong tay để bé không nhìn thấy được. Nếu bé đoán không trúng, mình xoè bàn tay không ra và nói với bé “tay này không có rồi. mẹ lại làm lại, nếu con đoán trúng tay có thì mẹ sẽ có phần thưởng dành cho con”. Trò chơi này cứ diễn ra như vậy, cũng sẽ có lần bé đoán trúng và những quả dâu tây, hay quả trứng chim cút chính là phần thưởng vừa ngon, vừa bổ dưỡng dành cho bé. Đây cũng là một cách để cho bé hào hứng hơn trong việc tập nhai và tập ăn những món mới đó các mẹ ạ!


Khi bé đã ngồi vững hơn, mình cùng với bé chơi trò “Kéo cưa lừa xẻ” .Trò chơi này vừa kích thích bé phát triển thể lực bằng cách kéo qua kéo lại để tăng cường độ dẻo dai của cơ tay bé, vừa là tiền đề để cho bé phát triển về trí lực. Khi mình vừa đọc đến đoạn cuối là “Về bú tí mẹ” là bé nhà mình liền chỉ ngay vào ngực mẹ như muốn nói “bú ti ở đây” đấy mẹ ạ. Vì vậy, trò chơi này còn giúo bé nhận biết được về cơ thể của mình và của mẹ nữa.


Và trò chơi qua bài đồng dao “Lộn cầu vồng’ cũng được mình thường xuyên cho bé chơi để luyện tập tay của bé. Mình ngồi đối diện với bé,hai tay mình nắm lấy tay bé giơ lên hạ xuống theo nhịp độ khi đọc đến câu cuối: “Ra lộn cầu vồng”mình liền giơ hai tay bé lên và lộn ra sau bé. Các mẹ có biết không, bé vội quay mặt ra sau nhìn mẹ và cười vang lên thích thú đó. Trò chơi này vừa tập cho cơ tay bé có độ dẻo dai, vừa tạo những giây phút giao lưu tình cảm giữa mẹ và bé.


Bởi vì nhà mình có hai bé, nên đôi khi cả nhà mình chơi trò "Rồng rắn lên mây" rất sôi nổi mà các bé tham gia rất hào hứng. Với bài đồng dao này, các bé thấy rất lôi cuốn và giúp bé giải phòng năng lượng nhờ sự vận động không ngừng, đồng thời giúp các bé thấy giảm bớt áp lục khi phải nghe lời bố mẹ là "ngồi ngoan và răm rắp nghe lời bố mẹ" đó các mẹ ạ!Và cũng nhờ bài đồng dao này, mình cũng bồi đắp cho bé tinh thần tập thể để làm tiền đề tốt cho bé khi học mẫu giáo đó.


Khi bé đã thành thục những trò chơi với những bài đồng dao quen thuộc, những lúc mình bận làm việc nhà vào buổi tối, ông xã mình sẽ là người thay mình cùng chơi với bé. Và những lúc như vậy, những ca khúc đồng dao quen thuộc đã trở thành công cụ giao tiếp để gắn kết tình yêu thương của cả bố đối với bé nứa.


Nhờ những bài đồng dao, mà mình có những giây phút tuyệt vời vui vẻ bên bé yêu mà quên đi những giờ làm việc căng thẳng ở cơ quan trong suốt cả ngày. Nhờ những bài đồng dao mà mình thấy hạnh phúc và tự tin trong vai trò của người làm mẹ bên cạnh con yêu. Và nhờ những bài đồng dao, mình có tâm trạng tươi vui khi chơi bên bé, với cảm xúc tích cực ấy, lượng sữa mình cho bé bú luôn đôi dào mà không bị thiếu sữa cho bé.


Ngày nay, với nhịp độ công nghiệp hoá của xã hội khiến cha mẹ trở nên bận rộn hơn, nhiều bố mẹ luôn mua những đĩa có ca khúc đồng dao hay những bài hát để bật cho bé nghe mà không trực tiếp tham gia trò chơi với các bé. Mình nghĩ như vậy sẽ giảm đi rất nhiều giá trị tuyệt vời của những ca khúc bất hủ với thời gian trong mọi thời đại này. Vì vậy, các bố mẹ hãy dành thời gian giải trí của mình vào việc trực tiếp chơi cùng các bé qua “công cụ giao tiếp” là những bài đồng dao nhé! Nó vừa là những giây phút vui vẻ với những hoạt động thể lực bên con, vừa là những khoảnh khắc để hiểu con sâu sắc hơn đó các mẹ ạ. Mong rằng những bài đồng dao sẽ đem lại cho các bố các mẹ những khoảnh khắc gần gũi tuyệt vời của bố mẹ bên các bé!