TAND TP.HCM đang tiến hành giải quyết vụ việc Công ty cổ phần M-TP Talent đề nghị hủy phán quyết trọng tài.
M-TP Talent do ông Nguyễn Thanh Tùng - được biết đến với nghệ danh Sơn Tùng M-TP - làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Cụ thể, Công ty M-TP Talent yêu cầu TAND TP.HCM hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 164/23 HCM của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - chi nhánh TP.HCM, trong đó nguyên đơn là Công ty TAD Global Việt Nam, bị đơn là Công ty M-TP Talent.
Trước đó, phán quyết trọng tài chấp nhận 80% yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, Công ty M-TP Talent phải lại cho Công ty TAD 80% giá trị các dịch vụ chưa hoàn thành, tương ứng gần 5 tỉ đồng kèm theo đó là 8% tiền thuế VAT, 80% phí trọng tài. Bị đơn còn phải chịu phạt 8% giá trị phần dịch vụ mà đáng lẽ bị đơn phải trả đúng hạn. Tổng số tiền Công ty M-TP Talent phải trả cho Công ty TAD là gần 6 tỉ đồng.
Cho rằng phán quyết trọng tài vi phạm các nguyên tắc cơ bản pháp luật nên Công ty M-TP Talent đã có đơn đề nghị tòa án hủy phán quyết trọng tài.
Theo nội dung vụ việc, ngày 31-3-2022, Công ty TAD ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ và cấp quyền sử dụng hình ảnh và 5 phụ lục với Công ty M-TP Talent. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 25 tỉ đồng, thời hạn thực hiện trong vòng 1 năm kể từ ngày 1-4-2022.
Theo đó, ca sỹ Sơn Tùng M-TP tham gia sản xuất tạo ra các nội dung kỹ thuật số và sử dụng nội dung này trên nền tảng vũ trụ ảo RACA. Công ty TAD sẽ tạo ra vùng đất của nghệ sỹ Sơn Tùng M-TP trên nền tảng RACA bao gồm nhân vật ảo, hình đại diện ảo và các vật phẩm ảo.
Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty TAD đã thanh toán 100% phí dịch vụ. Thời gian đầu, các bên tiến hành triển khai các công việc theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó các công việc bị gián đoạn trong nhiều tháng cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Nguyên nhân, phía Công ty TAD cho rằng do tháng 5-2022, Sơn Tùng M-TP bị xử phạt hành chính vì MV There’s no one at all và coi đó là một scandal ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh nên không muốn thực hiện các hạng mục công việc trong khoảng thời gian tiếp theo.
Ngược lại, Công ty M-TP Talent nêu "lý do thực tế là do tình hình kinh doanh của Công ty TAD, nền tảng RACA không tốt mới là lý do kinh tế thực sự đằng sau”.
Các hạng mục chưa hoàn thành bao gồm tham dự 1 buổi ghi hình biểu diễn, quay và thu âm phi quảng cáo, đăng bài trên mạng xã hội với tổng giá trị khoảng 6,2 tỉ đồng.
Sau đó, hai bên đã trao đổi với nhau để tìm phương án giải quyết các công việc tồn đọng và gia hạn hợp đồng đến hết ngày 31-7-2023 thay vì sẽ hết hạn vào ngày 30-4-2023.
Đến tháng 6-2023, trong lúc các bên đang chuẩn bị thực hiện các công việc còn tồn đọng để thanh lý hợp đồng, M-TP Talent tuyên bố từ chối thực hiện các công việc còn lại theo hợp đồng với lý do hợp đồng đã hết hạn kể từ ngày 30-4-2023, các email gia hạn hợp đồng trước đó chỉ là thiện chí của Công ty M-TP Talent chứ không phải nghĩa vụ hợp đồng.
Do đó, Công ty TAD đã khởi kiện M-TP Talent tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC).
Phán quyết trọng tài cho rằng việc gián đoạn thực hiện các công việc trong hợp đồng không có nghĩa là Công ty M-TP Talent được miễn trừ nghĩa vụ thực hiện các dịch vụ chưa hoàn thành.
Hội đồng trọng tài cho rằng, khi các bên đã thống nhất qua email về việc chuyển đổi một số hạng mục công việc và dự kiến thực hiện sau ngày 30-4-2023 thì “trong bối cảnh của nguyên đơn, một người thông thường sẽ có niềm tin là các hạng mục công việc sẽ được thực hiện”.
Phán quyết trọng tài cũng nêu “nếu Hội đồng trọng tài phủ nhận niềm tin hợp lý của nguyên đơn… thì vô tình trọng tài đã đi ngược đạo đức xã hội, khuyến khích xã hội dùng “bẫy thời hạn, thời hiệu” để gài nhau, nhằm chiếm đoạt tiền mà không phải thực hiện dịch vụ”.
Hội đồng trọng tài cho rằng việc gia hạn hợp đồng thêm 2 tháng có phần gấp gáp cho bị đơn. Vì vậy nguyên đơn không vi phạm hợp đồng và là bên chịu thiệt hại nhưng việc bị đơn không hoàn thành dịch vụ có một phần lỗi của nguyên đơn.
Cuối cùng, phán quyết trọng tài chấp nhận 80% yêu cầu của Công ty TAD như đã nêu trên.
Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM