Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa tiếp nhận một bé 6 tháng tuổi trú tại quận 8, được ba mẹ bế vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở

Mặc dù đã được các y bác sĩ kíp trực tích cực cấp cứu suốt 1 giờ đồng hồ nhưng bé vẫn không qua khỏi.

Theo ba mẹ bé, khoảng 4h ngày 3-11, bé đang nằm ngủ cạnh ba và mẹ trên nệm đặt sát vách tường, bề dày nệm 26cm, thì bé khóc đòi sữa khiến cả ba và mẹ đều tỉnh dậy. Ba cho bé bú sữa bình, sau đó ngủ tiếp, còn mẹ ăn sáng rồi đi chợ.

7h sáng, khi ba tỉnh dậy không thấy con đâu, quay sang thấy bé nằm sấp, úp mặt, kẹt cả thân người trong khoảng hở giữa thành nệm và tường. Ba của bé vội vàng lật bé dậy, lúc này toàn thân bé tím tái, không cử động nên tức tốc ẵm vào Bệnh viện Nhi đồng 1.

Các bác sĩ cho biết khi đến bệnh viện lúc 9h sáng, có thể bé đã tử vong từ lâu - khoảng 1 giờ trước.

Từ vụ bé 6 tháng tử vong do kẹt vào khe đệm: BS hướng dẫn cách cho trẻ ngủ an toàn - Ảnh 1.

Có nên cho trẻ dưới 6 tháng ngủ cùng cha mẹ

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng – Bác sĩ nhi khoa tại Texas, Hoa Kỳ cho biết đây không phải là trường hợp hiếm gặp.

Bác sĩ Hưng cho biết năm nào cũng có trường hợp cha mẹ ngủ quên đè chết ngạt con mình. Một cánh tay của người lớn nặng ngàn cân đối với con còn nhỏ.

Một nguyên tắc bác sĩ Hưng luôn nhắc nhở là ngủ chung phòng chứ không chung giường khi con còn nhỏ. Ngủ nôi không nệm mềm dày, không gối mềm, song chắn không quá rộng, nằm ngửa, không chung giường với người lớn.

Theo quan niệm phương Đông, ngủ chung với trẻ sẽ làm tăng tình cảm mẹ con, dễ dàng chăm sóc con vào ban đêm, dễ dàng cho con bú... Tuy nhiên theo quan niệm phương Tây, trẻ ngủ riêng sẽ tăng tính tự lập, cho trẻ được bầu không khí thoáng đãng để hít thở, và cũng tiện cho sinh hoạt của bố mẹ.

PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng quan niệm của mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, các ca đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ thường xảy ra khi trẻ ngủ một mình hoặc ngoài vòng giám sát của một người lớn chịu trách nhiệm chăm sóc bé.

Ở trẻ sơ sinh nếu nằm cùng mẹ được mẹ chăm sóc nhiều hơn nhưng lại có nguy cơ nếu chung giường cha mẹ có thể vô tình cha hoặc mẹ nằm đè lên bé, quơ trúng bé, đè lên mặt, mũi bé khiến bé bị ngạt thở.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ từ chăn, ga giường đều có thể khiến bé bị ngộp. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo có thể nằm chung phòng với cha mẹ nhưng cho bé nằm ở nôi riêng để cha mẹ tiện chăm sóc bé về đêm.

Hội nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng nên đặt cũi của trẻ trong phòng ngủ của cha mẹ, nhưng tránh để bé ngủ chung giường với bố mẹ cho đến khi bé 1 tuổi. Nếu việc ngủ chung là không thể tránh khỏi thì chỉ cho bé ngủ chung phòng với bố mẹ, chứ không chung giường, cho đến khi bé ít nhất 6 tháng tuổi.

Khi cho trẻ ngủ luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ. Đặt trẻ ngủ trong tình trạng tay và chân được thoải mái tạo một khoảng rộng để trẻ có thể chuyển động xung quanh. Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ trong đêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

PGS Dũng lưu ý giường ngủ, nôi, cũi của trẻ cần đảm bảo không có quá nhiều loại thú nhồi bông, đồ chơi, chăn đệm lộn xộn vì chúng có thể khiến trẻ dễ bị ngạt do không thể xoay đầu khi có vật đè trên mặt hoặc khi trẻ lật sấp có thể không thở được do ga giường lộn xộn.

Đối với cha mẹ nếu uống rượu say hoặc có thói quen hút thuốc lá không nên nằm cạnh trẻ sơ sinh vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo Ngọc Anh

Pháp luật và bạn đọc

Nguồn: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tu-vu-be-6-thang-tu-vong-do-ket-vao-khe-dem-bs-huong-dan-cach-cho-tre-ngu-an-toan-162200811084539935.htm