Không phải loại hải sản nào cũng tốt cho phụ nữ mang thai, vì vậy mẹ bầu cần hết sức lưu ý khi ăn hải sản nhé!
Hải sản là một trong những thực phẩm quen thuộc của cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là đồ ăn nằm trong danh sách mà các bà mẹ có thể sử dụng khi mang bầu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng hải sản sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. Một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ đã chỉ ra những lưu ý cụ thể dành cho thai phụ khi họ muốn thưởng thức các món ăn chế biến từ hải sản.
Ăn cá khi mang thai
Tiến sĩ Vaia Lida Chatzi, phó giáo sư về y tế dự phòng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (USC), người đứng đầu một nghiên cứu cho biết: "Cá là một nguồn dinh dưỡng quan trọng và không nên tránh ăn cá. Nhưng phụ nữ đang mang bầu chỉ nên ăn 1- 3 bữa cá mỗi tuần với lượng phù hợp bởi vì nhiều loại cá có khả năng bị nhiễm thủy ngân".
Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3, tốt cho sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA lưu ý rằng, choline, một trong những chất dinh dưỡng có trong cá, hỗ trợ sự phát triển của tủy sống và sự phát triển nhận thức của em bé ngay từ trong bụng mẹ.
Trong nghiên cứu cho thấy, những thai phụ ăn cá 1 - 3 lần mỗi tuần có chỉ số huyết áp và mức cholesterol tốt hơn những người không sử dụng đều đặn. Tiến sĩ Kelle Moley, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc khoa học của March of Dimes, cho hay việc thiếu axit béo có ích cho cơ thể có thể gây ra tình trạng ức chế tế bào của người mẹ.
Bà bầu nên ăn bao nhiêu thì đủ?
Theo FDA, cá chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất béo omega-3 và omega-6, sắt, i-ốt, choline, protein, selen và vitamin D và B12. Tuy nhiên, để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, theo FDA và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Mỹ khuyến nghị phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất 226g và tối đa 340g các loại hải sản chứa ít thủy ngân trong một tuần.
Đâu là những hải sản an toàn?
Có một số loại hải sản ít thủy ngân và nhiều axit béo omega-3 mà thai phụ có thể dùng gồm: Cá hồi; cá cơm; cá trích; cá mòi; cá thu Thái Bình Dương; cá tuyết; cá bơn; cá trích; con hàu; sò điệp; tôm; mực ống; cá rô phi...
Theo FDA và Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá mập; cá kiếm; cá ngừ mắt to; cá kình...
Bà bầu ăn sushi được không?
Thực sự là không nên! Bác sĩ sản khoa liệt kê sushi, sashimi và hàu, nghêu hay sò điệp sống là những thực phẩm phụ nữ mang thai nên tránh vì chúng có thể chứa ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây nguy hiểm đến thai nhi.
Không ăn cá sống sẽ khó đối với các bạn thích ăn sushi. Tuy nhiên bạn cần biết rằng cá sống và những động vật có vỏ, có thể gây ra một số bệnh nhiễm trùng. Đây có thể là các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, chẳng hạn như norovirus, Vibrio, Salmonella và Listeria.
Một số bệnh nhiễm trùng này có thể chỉ ảnh hưởng đến bạn, gây mất nước và suy nhược. Các bệnh nhiễm trùng khác có thể truyền sang con bạn với hậu quả nghiêm trọng, hoặc thậm chí gây tử vong.
Phụ nữ mang thai thường dễ bị nhiễm vi khuẩn listeria. Khi theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Listeria cao gấp 10 lần so với dân số chung. Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất và nước hoặc thực vật bị ô nhiễm. Cá sống có thể bị nhiễm bệnh trong quá trình chế biến, bao gồm cả hun khói hoặc sấy khô.
Vi khuẩn Listeria có thể truyền qua nhau thai, ngay cả khi bà mẹ không có bất kỳ dấu hiệu nào. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, sẩy thai, thai chết lưu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Bạn nên tránh cá sống và động vật có vỏ, bao gồm nhiều món sushi.
Tóm lại, bà bầu hoàn toàn có thể ăn hải sản nếu biết lựa chọn loại phù hợp và tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm. Hải sản là nguồn cung cấp dưỡng chất quan trọng như omega-3, protein và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên tạp chí cha mẹ yêu con.com khuyên bà bầu cần tránh những loại hải sản chứa nhiều thủy ngân và đảm bảo hải sản được nấu chín kỹ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Sự cân nhắc đúng đắn sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.