Chế độ ăn uống cân bằng và khoa học góp phần cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn cần phải bổ sung một số vitamin trong chế độ ăn uống để cung cấp đủ cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên không phải cứ bổ sung càng nhiều càng tốt.





Acid Folic


Hầu như mẹ bầu nào cũng biết, có một số vitamin và dưỡng chất cực kỳ cần thiết trong suốt thai kỳ. Ví dụ, Axit folic bổ sung vào thời kỳ đầu mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ như: rối loạn cột sống, khuyết tật của ống thần kinh của thai nhi (nứt đốt sống và não úng thủy)… Trong suốt thời gian mang bầu, thời điểm vàng phụ nữ cần được bổ sung axit folic là 3 tháng trước khi mang thai để chuẩn bị cho thời kỳ bầu bì. Acid Folic lúc này vừa cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của người trưởng thành, vừa giúp cơ thể mẹ đáp ứng cho sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước tử cung. Mẹ bầu được khuyên nên bổ sung Acid Folic cho đến hết tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ (12 tuần). Trong suốt thời gian đó, mẹ nên kết hợp giữa một chế độ ăn uống lành mạnh với bổ sung axit folic. Mẹ có thể thêm các thực phẩm giàu axit folic vào thực đơn của mình như các loại rau xanh: bông cải xanh, cải bắp, bông cải xanh, đậu, măng tây, lòng đỏ trứng và các loại trái cây như cam, bưởi.



Acid folic cho bà bầu được khuyến cáo mỗi ngày chỉ từ 400 đến 600 mcg. Acid folic dư sẽ được thải ra nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu dùng liều cao hơn 1.000 mcg acid folic mỗi ngày và suốt một thời gian dài có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, có vị lạ trong miệng, phấn kích và nặng nề nữa là động kinh.



Sắt


Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng mà phụ nữ cần phải có được trong suốt quá trình thai nghén. Sắt giúp các tế bào máu lưu thông và giúp não của bé phát triển.



Nếu mẹ không nhận được đủ lượng chất sắt hàng ngày, mẹ có nguy cơ thiếu máu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và phờ phạc ngày này qua ngày khác. Thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ sinh non và sinh thiếu cân, nghiêm trọng hơn thì có thể khiến thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị tử vong. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bị mất nhiều máu khi sinh hoặc bị trầm cảm sau sinh.



Khi đi khám thai kỳ, mẹ sẽ được các bác sĩ uống bổ sung sắt với liều lượng khoảng 20-30mg. Ngoài ra, mẹ bầu có thể chọn ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, như thịt đỏ, cá, trứng, rau lá xanh, trái cây khô, bánh mì và ngũ cốc được làm từ ngũ cốc nguyên hạt.



Vitamin C


Ở phụ nữ có thai, hàm lượng vitamin C trong máu và trong bạch cầu (kho dự trữ chất này) thường giảm sút. Nếu không có đủ vitamin C trước và trong thai kỳ sẽ dẫn tới mẹ dễ bị vỡ màng ối sớm.





Vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho quá trình thai nghén (Ảnh: Internet)



Vitamin C cũng giúp mẹ có thể hấp thụ nhiều sắt hơn từ thực phẩm thông thường, nên mẹ sẽ không bị tình trạng thiếu máu. Vitamin C có thể được truyền từ cơ thể mẹ sang cơ thể của thai nhi thông qua nhau thai. Tuy vậy, các bác sĩ khuyên rằng các mẹ bầu không nên sử dụng vitamin C liều cao trong khi mang thai và cho con bú. Mỗi ngày, nhu cầu vitamin C ở phụ nữ mang thai là 55 mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 70 mg/ngày.



Mẹ bầu có thể uống vitamin C cùng các viên sắt trong quá trình mang bầu (hoặc uống các loại nước hoa quả giàu vitamin C như nước cam tươi… ) để tăng cường khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể. Ngoài ra, mẹ nên ăn các loại trái cây và rau quả - nguồn cung cấp vitamin C, chẳng hạn như nước ép trái cây, ngũ cốc, hoặc củ-quả giàu vitamin C như cam, chanh, nho, dưa hấu, dâu tây, xoài, dứa, chuối, bơ, táo, cà chua, đậu, khoai tây, súp lơ.



Omega-3


Các axit béo omega-3 đã được các nhà khoa học xác nhận tầm quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Axit béo omega-3 giúp hệ thần kinh của em bé đang phát triển trong tử cung người mẹ được mạnh mẽ hơn. Omega-3 cũng giúp ngăn chặn bệnh tim cho cả mẹ và con, giúp ng chống các bệnh tim mạch, giảm nhồi máu cơ tim, giảm bệnh động mạch vành và giảm mỡ máu. Đồng thời các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy axit béo omega dung nạp trong quá trình mang thai giúp trẻ thông minh hơn.



Các loại cá béo như cá mòi, cá thu và cá hồi đều giàu axit béo omega-3, nhưng mẹ không nên ăn nhiều hơn hai lần một tuần vì cá có thể chứa thủy ngân cao và gây hại cho thai nhi. Phụ nữ mang thai nên dùng ít nhất 250mg Omega-3 mỗi ngày. Omega-3 đặc biệt quan trọng vào quý cuối của thai kỳ, khi đó, thai nhi cần Omega-3 để hình thành 70% não bộ và hệ thần kinh.



Omega-3 có trong các hạt như hạt bí ngô, hạt hướng dương, quả óc chó và trứng, bánh mỳ, nước hoa quả, rau lá xanh thẫm. Mẹ có thể bổ sung omega-3 dạng thuốc bổ sung.



Vitamin A


Vitamin A giúp thai nhi tăng trưởng tế bào não, nhưng các khuyến cáo đưa ra là mẹ chỉ nên ăn thức ăn chứa vitamin A chứ không nên bổ sung vitamin A vì nếu thừa có thể gây ngộ độc cho thai nhi. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), nhu cầu vitamin A của phụ nữ mang thai chỉ nên dừng lại ở mức yêu cầu trung bình là 1232.1 iu/ngày (khoảng 370 mg retinol). Nếu lượng vitamin A vượt quá mức tương đương 3000 mcg retinol ( 10.000 iu) có thể gây khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi.



Vitamin A có trong rau xanh, gan, chất béo, sữa, lòng đỏ trứng, dầu gan cá. Nếu mẹ mang thai tiêu thụ vitamin A liều lượng lớn thì thai nhi có thể gặp nguy hiểm. Gan, pate gan, xúc xích gan có rất nhiều vitamin A, mẹ nên tránh lạm dụng các thực phẩm chế biến từ gan động vật.



Tuy nhiên, các mẹ có thể dùng Beta-caroten hay còn gọi là tiền vitamin A, sẽ an toàn hơn. Beta-caroten có trong ớt chuông, cà rốt, khoai lang, cà chua, xoài, mơ và rau cải xoong.



Viên vitamin tổng hợp


Mẹ có thể chọn một viên thuốc bổ tổng hợp khi đang cố gắng thụ thai hoặc trong những trường hợp mang thai đặc biệt. Những vitamin này sẽ giúp mẹ có được những dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ, bao gồm cả axit folic và sắt.



Vitamin tổng hợp có đầy đủ các khoáng chất sắt, canxi, magie, kẽm, acid folic và các loại vitamin A, B, C, D, E thay vì bổ sung từng loại viên theo kết quả xét nghiệm về độ thiếu hụt dưỡng chất. Ngoài ra, vitamin tổng hợp còn giúp các mẹ loại bỏ mối lo bổ sung dư liều.



Loại mẹ bầu nên sử dụng là viên vitamin tổng chứa đầy đủ các vitamin gồm B1, 2, 3, 5, 6; K; D3; E và các loại khoáng chất canxi, sắt, phốt-pho, DHA, kẽm, i-ốt, selen, đồng, magie, mangan. Lưu ý: viên có chứa canxi phải uống cách xa thời điểm viên có chứa sắt. Mẹ nên tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ sản khoa để có thể dùng loại vitamin tổng hợp ưng ý nhất.