Chế độ ăn cho bà bầu cân đối và điều độ là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, nhất là sự phát triển của bé trong suốt thai kỳ và sau khi bé chào đời.


Nhận được tin nhắn hai vạch, điều này đồng nghĩa cuộc sống của bạn đang dần thay đổi và chuyển sang một bước ngoặt lớn. Trong đó, dinh dưỡng khi mang thai cực kỳ quan trọng và cần sự để tâm đặc biệt trong thai kỳ. Một chế độ ăn cho bà bầu theo từng tháng ăn uống lành mạnh là điều kiện cần và đủ để mẹ bầu khỏe mạnh, theo đó thai nhi có thể phát triển toàn diện hơn.




1/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ nhất


Tháng đầu của thai kỳ, cơ thể bắt đầu thay đổi, hormone nội tiết tố tăng lên, làm bạn thường xuyên cảm giác buồn nôn và khó chịu bụng. Đó chính là dấu hiệu của ốm nghén. Lúc này, thật khó để có thể kết hợp ăn uống đủ chất và giúp làm dịu cơn thai nghén. Đừng lo, bật mí chế độ dinh dưỡng trong tháng đầu mang thai cho bà bầu mẹo ăn uống lý tưởng sau:


- Ăn một bữa ăn nhẹ giàu carbohydrate khoảng 15-20 phút trước khi ra khỏi giường. Để sẵn ở đầu giường một lọ bánh quy mặn, các loại hạt, ngũ cốc hoặc trái cây sấy khô.


- Chia 3 bữa ăn chính thành 6 bữa nhỏ mỗi ngày.


- Chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, kết hợp ăn tinh bột cùng nguồn protein nạc từ thịt gà và gá. Đừng quên uống thêm sữa ít béo và bổ sung thêm các chế phẩm từ sữa vào buổi sáng và buổi tối.


- Uống nước giữa các bữa ăn, chứ không nên uống trong bữa ăn.


- Tránh những món khó tiêu nhiều chất béo, chiên, rán, ngọt hoặc cay. Chúng chỉ khiến tình trạng ốm nghén của bạn thêm tồi tệ mà thôi.


Trong tháng đầu tiên này, bác sĩ thường khuyên bạn nên uống axít folic. Bổ sung dưỡng chất này là rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Bạn cũng có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu folic như: Các loại rau xanh đậm, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Trong tháng đầu mang thai, tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như trứng sống, thịt tái, sashimi…



2/ Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 2




Đến tháng thứ 2, bà bầu sẽ có sự thay đổi rõ rệt với những dấu hiệu mang thai dễ nhận thấy như dừng hẳn vòng kinh, thường xuyên đau đầu, cảm giác chóng mặt kèm với buồn nôn, núm vú sậm màu và đau tức... Cũng trong giai đoạn này, các cơn ốm nghén sẽ làm phiền bà bầu nhiều hơn, gây cảm giác vô cùng mệt mỏi và khó chịu. Vì thế, điều quan trọng nhất là bạn hãy nghỉ ngơi thật nhiều và cố gắng bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, cho dù bạn không muốn ăn một chút nào. Bà bầu nên ăn nhiều trái cây và các thực phẩm dễ tiêu hóa như: cháo, bánh mì, ngũ cốc…


Giai đoạn này nếu bạn chưa uống được sữa bầu thì cũng không cần quá lo lắng nhé, bởi lúc này thai nhi còn rất nhỏ và chưa cần quá nhiều dinh dưỡng.


3/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 3


Trong 2 tháng đầu tiên của thai kỳ, có thể chuyện ăn uống không phải đề tài yêu thích của bà bầu bởi tác dụng phụ của buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ. Tuy nhiên, một khi đã bước qua tháng thứ 3, tình hình sẽ dần chuyển biến tích cực hơn. Cảm giác khó chịu do chứng ốm nghén đang giảm đi trông thấy.


Nếu 2 tháng trước vẫn chưa ăn đúng cho lắm, không sao, bạn có thể cho vào quỹ đạo từ bây giờ. Cấu trúc bữa ăn vẫn là 3 bữa chính và 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Vào cuối tháng thứ 3, bạn nên tăng khoảng 0,4-1,7kg. Sau cột mốc này, mỗi tuần bạn sẽ tăng khoảng 0,5kg.


Lời khuyên dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 3 này như sau:


- Tạo thói quen ăn nhiều rau và trái cây trong bữa ăn. Giảm đồ ăn vặt không thân thiện, nhiều calo, ít dinh dưỡng như đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến. Thay vào đó, chọn món giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như các loại hạt, trái cây sấy khô.


- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm chất lỏng từ nước trái cây tươi, súp, canh. Lượng sữa ít béo giàu canxi tăng lên 3-4 ly/ ngày.


- Tiếp tục bổ sung vitamin, khoáng chất bác sĩ kê toa.


4/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 4


webtretho



Tháng thứ tư, bụng đã lấp ló xuất hiện. Đây cũng là lúc bạn nên chú trọng nhiều hơn vào việc duy trì và đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 4 đa dạng và cân bằng. Trong thời gian này, các chuyên gia khuyến cáo về việc ăn thực phẩm giàu sắt. Sự gia tăng của lưu lượng máu dẫn đến nhu cầu chất sắt cao.


Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm. Để tăng cường sự hấp thụ chất sắt, bạn nên bổ sung thêm vitamin C từ chanh, cam, dưa hấu, bông cải xanh, ớt chuông xanh trong thực đơn hằng ngày. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn uống sắt khi mang thai nếu cần thiết.


Quan trọng hơn cả, tuyệt đối không bỏ bữa hay nhịn ăn. Ít nhất sau 4 giờ đồng hồ, bà bầu nạp thêm thức ăn lành mạnh vào cơ thể để ngăn ngừa chứng buồn nôn, ợ nóng, mệt mỏi và buồn ngủ.


5/ Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 5


Đến tháng thứ 5, thai nhi có sự phát triển mạnh mẽ về não bộ. Vì thế, trong chế độ dinh dưỡng để con thông minh cần chú ý bổ sung các chất cần thiết giúp kích thích não bộ phát triển tốt nhất. Giai đoạn này bà bầu nên hạn chế ăn quá nhiều thịt và thực phẩm chứ nhiều đường trắng. Bởi quá nhiều thịt và đường sẽ khiến não bộ của thai nhi không linh hoạt và phát triển chậm hơn. Tốt nhất, hãy tích cực bổ sung các thực phẩm giàu DHA như trứng, cá và các loại đậu...


6/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 6



Chúc mừng mẹ bầu, đến cuối tháng này, bạn đã hoàn thành 2/3 chặng đường. Đây là thời gian bạn cảm thấy đói liên tục do bé con lớn hơn và cần nhiều dinh dưỡng hơn. Từ đầu thai kỳ đến cuối tháng thứ 6, bạn nên tăng được 6-8kg.


Lời khuyên về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tháng thứ 6 nên ăn gì như sau:


- Đáp ứng cơn đói bằng thực phẩm lành mạnh, tốt nhất nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu như ngũ cốc, rau, trái cây, sữa, chế phẩm từ sữa, thịt và các loại đậu, hoặc có thể bổ sung thêm chất béo lành mạnh.


- Chọn thực phẩm chứa carbohydrate nâu như yến mạch, gạo nây, vì chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp ngăn ngừa chứng táo bón khi mang thai.


- Chắc chắn rằng bản thân vẫn đang uống vitamin theo toa của bác sĩ.


7/Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 7


Đến tháng thứ 7, bà bầu nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phong phú với đa dạng các loại thực phẩm hơn. Hãy thêm vào thực đơn nhiều thực phẩm hữu ích như gạo, ngũ cốc, các loại hạt, rau củ, hoa quả, trứng, cá, thịt... Mặc dù vậy bạn cũng cần kiểm soát lượng thực phẩm đưa vào cơ thể để tránh tăng cân quá mức nhé. Nếu cân nặng của bạn quá lớn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đấy.


Đây cũng là thời kỳ mà nhu cầu sắt của cơ thể bà bầu rất lớn, vì thế hãy chú trọng bổ sung loại chất này. Ngoài uống thêm viên sắt, bà bầu nên ăn các loại thực phẩm như thịt nạc, cá, rau quả, trái cây, gan động vật, các loại đậu...


Bên cạnh đó, bà bầu cũng lưu ý bổ sung thêm canxi, phốt pho, i- ốt và kẽm cho cơ thể nhé. Những thực phẩm giàu các chất này mà bà bầu nên ăn là rong biển, tảo đỏ, sứa, đậu tương, đậu phụ, rau cải, mộc nhĩ đen, lạc, trứng gà, lòng đỏ trứng, xương đầu động vật, thịt nạc, gan động vật cùng các loại cá, tép moi, trai biển.


8/ Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 8



Ở tháng thứ 8, bà bầu cần một nguồn dinh dưỡng rất lớn. Để hấp thụ thức ăn hiệu quả, bạn không nên ăn liền một lúc thật no, mà hãy chia nhỏ thành nhiều bữa. Điều này cũng giúp làm giảm cảm giác đầy bụng, trướng bụng gây khó chịu cho bà bầu.


Nếu bạn tăng cân nhanh, trung bình mỗi tuần tăng khoảng 0,5 kg trở lên thì nên tăng cường rau củ và trái cây, hạn chế các loại thực phẩm ngọt, nhiều đường và dầu mỡ. Bởi nếu thai nhi quá nặng cân thì việc sinh nở sẽ khó khăn đấy nhé.


Giai đoạn này bà bầu cũng nên ưu tiên những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như thịt, cá... để bổ sung thêm năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Nên tránh ăn đậu nành, khoai hồng để không bị chướng bụng. Bà bầu cũng không nên quá lạm dụng các sản phẩm bổ dưỡng như dầu gan cá, vitamin tổng hợp hay nhân sâm.


Những thực phẩm được khuyến khích ăn trong tháng thứ 8 của thai kỳ là: gạo, ngũ cốc, trứng, các loại thịt, cá, gan động vật (mỗi tuần ăn một lần), rau xanh, trái cây.


9/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 9


Thời gian này bà bầu sẽ khá bận rộn để chuẩn bị cho việc chào đời của bé con, vì vậy chuyện lơ là ăn uống tất nhiên sẽ diễn ra. Thực tế, 4 tuần cuối, bé con phát triển nhanh nhất với tốc độ chóng mặt. Đó là lý do vì sao bầu vẫn phải duy trì chế độ ăn uống đa dạng và dinh dưỡng.


Đến gần cuối tháng 9, bạn nên tăng khoảng 11-15 kg tính từ đầu thai kỳ đến giờ. Lời khuyên hữu ích lên thực đơn mỗi ngày cho bà bầu tháng cuối như sau:


- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa thay vì 3 bữa chính. Tránh bỏ bữa, nhịn ăn trong thời gian dài.


- Tiêu thụ thêm nhiều thực phẩm giàu canxi để giữ hệ xương chắc khỏe, đồng thời chuẩn bị cho việc “xuất” sữa cho con bú sau này.


- Uống nhiều nước, tránh ăn mặn để ngăn ngừa chứng phù nề.


- Cố gắng không ăn đồ ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, để tránh tăng cân quá nhiều.


- Nạp thêm nhiều chất béo lành mạnh.


- Ăn thêm rau, trái cây ngăn ngừa táo bón.


- Không được quên chất sắt trong thực đơn ăn uống để ngăn ngừa thiếu máu, thiếu sắt.


- Ăn 2 phần cá béo mỗi tuần để bổ sung thêm omega-3 giúp trí não bé phát triển toàn diện.


- Uống vitamin bổ sung theo toa bác sĩ kê.


- Tránh ăn đồ sống, chưa chín, phô mai chưa tiệt trùng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, sảy thai, sinh non.


Chế độ ăn cho bà bầu khi mang thai cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, không thừa và không nên thiếu. Một vài gợi ý trên hi vọng giúp mẹ bầu tìm được thực đơn hợp lý.


Xem thêm:


http://www.webtretho.com/forum/f13/chi-tiet-che-do-an-tung-tuan-trong-9-thang-thai-ky-de-thai-nhi-tang-can-khoe-manh-2498147/


http://www.webtretho.com/forum/f92/thuc-don-an-kieng-danh-cho-nguoi-bi-tieu-duong-thai-ky-can-cac-me-tu-van-gap-a-1131994/


http://www.webtretho.com/forum/f92/giup-em-voi-cac-me-oi-cach-an-uong-danh-cho-ba-bau-bi-tieu-duong-thai-ky-948102/



Xem clip:Thực phẩm bà bầu không nên ăn để thai nhi khỏe mạnh


http://www.webtretho.com/video/wp-content/uploads/sites/43/2017/06/Gw1Ga8Ev3Z-480x360.jpg


Tố Nữ (Tổng hợp)


Nguồn:http://phununews.vn/me-va-be/che-do-an-cho-ba-bau-theo-tuoi-thai-ky-242336/