Bếp là nơi quan trọng trong nhà, thường được chú trọng đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy.

Bếp là nơi dễ xảy ra hỏa hoạn, dù hầu hết các gia đình ở thành thị không dùng rơm, củi.

Điều đầu tiên các thành viên của gia đình cần nhớ là thiết bị trục trặc hoặc sơ ý trong sử dụng hoàn toàn có thể gây hỏa hoạn cho căn bếp và cả ngôi nhà. Ở mức độ nhẹ hơn, lửa và nguồn nhiệt (từ bếp, thức ăn) có thể gây bỏng cho người nấu bếp và người sử dụng không gian đó. Nhiên liệu khí gas, thứ phổ biến trong nhiều gia đình thành thị có nguy cơ cháy nổ rất cao.

Tiếp theo, căn bếp hiện đại thường quy tụ nhiều thiết bị điện. Chúng thường có công suất lớn nên việc quá tải nguồn điện trong sử dụng rất dễ xảy ra, từ đó dẫn tới chập cháy. Chưa kể, nước và độ ẩm cao hơn bình thường ở bếp có thể gây rò điện, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngoài ra, trong bếp còn có những mối nguy hiểm khác như sàn trơn trượt, các tủ treo cao dễ làm người sử dụng ngã. Nếu gia chủ không bảo quản tốt thực phẩm, bếp còn trở thành ổ côn trùng, chuột, bọ. Sử dụng nồi áp suất hay thao tác bất cẩn như làm đổ, vỡ bát đĩa... cũng có thể gây nguy hiểm trong không gian bếp.

An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu với căn bếp. Ảnh: Hà Thành

An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu với căn bếp. 

Một căn bếp an toàn, trước tiên là sự an toàn liên quan đến lửa và nguồn nhiệt. Các loại bếp nấu và thiết bị liên quan phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc sử dụng khí gas làm nhiên liệu cần tuân thủ những nguyên tắc như dùng bình gas chính hãng, có van khoá, dây dẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Không thiết kế ổ điện ở nơi đặt bình gas và chứa dây dẫn gas.

Khi sử dụng, gia chủ phải luôn kiểm tra các thiết bị thường xuyên, đặc biệt là van khoá và dây dẫn gas bởi sau một thời gian sử dụng, dây gas có thể hở ở các đầu nối hoặc bị chuột cắn.

Thông thường, sau 3 - 5 năm, gia chủ nên thay dây gas mới. Khi thấy có mùi khí gas, tuyệt đối không bật nguồn lửa hoặc cắm các thiết bị điện có thể gây ra tia lửa. Bạn nên sử dụng thiết bị cảnh báo hở khí gas đặt trong khu vực đặt bình gas và bếp nấu. Khi bật bếp không lên lửa, gia chủ không cố bật vì khí gas thoát ra gặp tia lửa có thể bùng cháy lớn hoặc gây nổ.

Khí gas cũng có thể gây ngạt cho người, đặc biệt ở những nơi có nguồn cấp lớn như hệ thống gas trung tâm. Với bình gas đơn lẻ, nên khóa van gas những lúc không dùng.

Với hệ thống điện, cần thiết kế đảm bảo công suất cho các thiết bị. Các thiết bị có công suất lớn như tủ lạnh, bếp nấu, lò nướng có thể dùng aptomat riêng để khi quá tải hay đoản mạch hệ thống sẽ tự ngắt. Tránh tối đa việc tiếp xúc nước với các thiết bị điện, công tắc, ổ điện để tránh rò rỉ điện gây điện giật.

Không vận hành quá nhiều các thiết bị có công suất lớn cùng một lúc như lò vi sóng, nồi cơm điện, bình đun nước... có thể gây quá tải dẫn đến chập cháy.

Khi đun nấu, tránh để gió thổi tạt lửa bếp. Tuyệt đối không xịt thuốc diệt côn trùng khi đang nấu bếp vì loại thuốc này có hợp chất gây cháy. Không rời xa bếp khi đang nấu.

Hiện tại, trên thị trường có những loại bếp điện, bếp từ có chế độ hẹn giờ và tự ngắt khi nguồn nhiệt lên cao quá, hoặc khi nước trào ra bếp. Đây là những yếu tố tăng độ an toàn cho căn bếp.

Ở khu vực bếp nấu, gia chủ không đặt hoặc đặt cách xa các loại khăn, giẻ, giấy dễ bén lửa. Tuy vậy, dù dùng bếp gas hay bếp điện, bếp vẫn nên có một bình cứu hoả mini thường trực.

Những thiết bị hiện đại trong bếp vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nên gia chủ luôn cần thận trọng. Ảnh: Hà Thành

Những thiết bị hiện đại trong bếp vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nên gia chủ luôn cần thận trọng. 

Một số thiết bị trong nhà bếp khác có thể gây nguy hiểm (bỏng, đứt tay) như lò vi sóng, lò nướng, máy xay sinh tố, dao kéo. Với các thiết bị và dụng cụ này, việc tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng là điều tối cần thiết. Bên cạnh đó, gia chủ cần cẩn trọng trong quá trình thao tác, vận hành.

Tủ lạnh là một thiết bị tưởng chừng như rất hiền lành nhưng thực tế không phải thế. Nếu không giữ vệ sinh tốt, tủ lạnh chính là ổ vi khuẩn và mầm bệnh. Vì vậy, bạn cần vệ sinh tủ thường xuyên, để đồ đúng các phân khu chức năng, các thực phẩm tươi sống cần có bao gói. Cần mạnh tay loại bỏ những thứ đồ quá hạn, thức ăn lưu cữu vì những thứ này rất dễ phát sinh vi khuẩn có hại, gây bệnh tật. Chỉ mở tủ lạnh khi cần thiết để tránh chất bẩn và vi khuẩn xâm nhập.

Tóm lại, giữ bếp an toàn là một vấn đề hết sức quan trọng trong ngôi nhà để người ở thoải mái, tận hưởng không khí đầm ấm của gia đình. Xu hướng hiện tại là những căn bếp thông minh với nhiều thiết bị tân tiến nhưng sự an toàn vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.

Gia chủ cần chú trọng sự an toàn của bếp từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị và đến quá trình vận hành, sử dụng. Bạn cũng nên có một số thứ đồ sơ cứu như bông băng, gạc, kem chống bỏng, thuốc khử trùng để có thể ứng cứu kịp thời khi hữu sự.