Cứ nghe tiếng con ho là các mẹ lo sốt sình sịch, nghĩ ngay đến viêm phổi. Thực tế, không phải lúc nào ho cũng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm này.



Ảnh minh họa



Khi nào bé ho



Ho là một phản xạ tự nhiên của đường hô hấp, dù đó là người lớn hay trẻ nhỏ như trẻ sơ sinh. Ho là một phản ứng bảo vệ và đương nhiên nó không gây hại. Trừ khi ho quá mức thì nó lại là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy tiếp sau.



Lẽ thường, bé yêu của bạn sẽ không ho, mà ngoan ngoãn ngủ ngoan hoặc chơi ngoan. Nhưng khi hệ hô hấp có vấn đề thì ngay lập tức ho xuất hiện.



Ho xuất hiện khi đường thở bị phù nề, sưng nên. Ví dụ viêm mũi bé cũng ho, viêm họng bé cũng ho, viêm tuyến bạch huyết dọc đường thở bé cũng ho. Tất cả những nguyên nhân nào làm sưng nề đường hô hấp đều gây ho cho bé yêu của bạn.



Ho cũng xuất hiện khi đường thở có dịch đờm. Dù đó là dịch đờm trong, xanh hay vàng thì đều gây ho. Dịch đờm bám vào đường hô hấp, làm kích thích đường thở, bám vào lớp lông chuyển làm dính lớp lông này. Hậu quả là bé sẽ ho rũ rượi. Ví dụ như nhiễm khuẩn vùng hầu họng sẽ gây ra ho dạng này. Hoặc viêm phổi sẽ có ho như vậy.



Ho còn xuất hiện khi đường thở bị chít hẹp. Vì một lý do nào đó, đường thở của bé yêu của bạn bỗng dưng bị hẹp lại, thì bé yêu sẽ ho không dứt. Đường thở bị hẹp lại do dịch đờm tiết ra nhiều quá, cũng có khi sưng nề lớn quá khiến cho bé không khỏi khó chịu. Cứ nằm xuống là ho rũ rượi, ho như cuốc, ho đến phát nôn phát ọe.


Một số ít nguyên nhân gây ra chít hẹp là do các khối u ngoài đường thở chèn vào. Nhưng nhóm bệnh lý này gặp một tỷ lệ rất thấp ở trẻ em. Thường là các khối u bẩm sinh hoặc do dị tật trong lồng ngực.



Có một chi tiết thú vị là không phải cứ ho là viêm phổi. Không phải cứ nghe thấy ho là vội vàng bế ngay con đi bệnh viện bởi không phải lúc nào đó cũng là bệnh nguy hiểm. Nó cũng có khi chỉ là những nguyên nhân kiểu như gai mồng tơi của thời tiết. Vậy ho có những nguyên nhân nào?



Giải mã tiếng ho



Ngay khi bé yêu của bạn ho, bạn hãy chú ý lắng nghe tiếng ho của bé nhé. Và tương ứng với tiếng ho đó có một số nguyên nhân trùng hợp sau đây:



Dị ứng với lạnh hoặc gió. Lạnh là sở trường của mùa đông và mặc nhiên mùa đông như là mùa của ho về. Khi bị lạnh, đường thở sưng lên và kích thích các cơn ho xót ruột. Đặc điểm nhận dạng: bé không sốt, không chảy nước dãi ở miệng, ho khan và không có đờm. Thức thì ho còn ngủ thì êm re. Cơn ho thường nhẹ và ít khi ho rũ rượi kéo dài.



Cảm cúm. Bệnh này do vi rút cúm gây ra. Vi rút cúm có đặc điểm rất thích gây bệnh ở đường hô hấp nên cảm cúm rất hay có ho. Đặc điểm ho là có sốt, có chảy mũi dịch trong, có ho khan, không có khó thở. Thức thì ho, ngủ thì hết ho.



Viêm mũi. Khổ sở của mùa đông là viêm mũi. Cứ tuần hết thì viêm mũi lại có. Ho do viêm mũi là do dịch mũi chảy xuống họng. Ho có đặc điểm ho khan, hay có chảy mũi, có thở khò khè ngay cổ họng, tiếng thở khụt khịt và bé hay nằm lăn bên này lăn bên kia để thở. Thực ra bé đang tự tìm tư thế dễ thở để ngủ. Nhìn bé như vậy, mẹ bé phải biết là bé đang thương mẹ lắm vì bé không muốn quấy mẹ đâu. Nhưng lăn mãi vẫn khó thở do mũi phù nề thì bé há miệng ra để thở, một số bé cáu quá khóc lên thì mẹ cũng đừng vì thế mà quát mắng bé nhé.



Viêm họng.
Ho do viêm họng là loại ho hay có dịch đờm. Một số ít ho khan nhưng tỷ lệ không lớn. Thường bé sẽ có sốt. Ho thường không kèm theo khó thở. Ho thủng thẳng 2-3 tiếng, ít khi ho cơn nhưng tần suất ho thì lặp lại liên tục cả ngày. Đi ngủ thì bé đỡ ho hơn.



Viêm tai giữa. Một số bé có thể có ho trong trường hợp bị viêm tai giữa. Nguyên nhân là dịch mủ chảy xuống họng gây ra ho. Hoặc do phản ứng viêm tấy. Đặc điểm là có dịch mủ chảy ra tai và bé kêu đau tai. Khi đã có ho thì cơn đau tai giảm rõ. Bạn sẽ trực tiếp nhìn thấy dịch mủ chảy ra tận cửa tai. Sốt không là triệu chứng đặc hiệu cho viêm tai giữa vì nhiều bé không sốt mặc dù có mủ. Tự nhiên sáng dậy thấy dịch chảy đầy ống tai.



Viêm phế quản. Bé có thể có sốt hoặc không có sốt. Nếu có sốt thì bé đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút hoặc nhiễm cả hai và lan xuống phế quản. Nếu không sốt thì đường thở của bé bị lạnh và tiết dịch. Đặc điểm của tiếng ho này là ban ngày ho như ban đêm, ho theo cơn, ho thường có dịch đờm, ho hay gây ra nôn trớ. Bé mất ngủ và khổ sở vì ho. Bé dậy và mẹ cũng mắt thâm quầng vì bé luôn. Nhưng xót xa nhất là tiếng ho của bé cứ rít lên và giống như con mèo hen. Rất thương tâm.



Viêm phổi. Bệnh này thường do vi khuẩn loại phế cầu khuẩn gây ra. Cũng có khi do vi khuẩn Hemophilus influenzae typ B hay còn gọi là Hib gây ra. Một số bé khác thì do vi cúm hoặc vi rút cúm gia cầm gây ra. Nhìn chung đã viêm phổi thì bé sẽ thường xuyên có sốt, có khó thở, có ho dữ dội, ho theo cơn, ban ngày và ban đêm ho như nhau. Bé thường có lầy nhầy dịch ở mũi, miệng, họng. Khi nôn trớ thì dịch đờm ra từng tràng dài. Khi bạn cho bé đi bác sỹ khám, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy bác sỹ nói bé có tiếng ran ẩm, ran nổ rải rác, xen kẽ có ran rít, ran ngáy. Nếu bé được chụp X quang, mẹo để bạn nhận ra viêm phổi của bé là bác sỹ sẽ ghi mờ toàn bộ 2 phế trường hoặc có đám mờ rải rác hai phế trường. Khi đó, bé đã xác định bị viêm phổi rồi mẹ nhé.



Như vậy với bản hướng dẫn sơ bộ như vậy bạn đã biết bé của bạn ho như nào. Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào mỗi tiếng ho để chẩn đoán. Nếu bé chỉ ho loáng thoáng vài cái, ho khan, bạn đừng quá lo lắng. Giữ ấm, không ra đường và chống cảm cúm là bé sẽ hết. Nhưng nếu bạn đã tìm đủ mọi cách mà bé vẫn không cải thiện sau 2-3 ngày hoặc là bé đột nhiên có ho đờm và khó thở ngay, bạn đừng chần chừ đưa bé đi bác sỹ ngay nhé. Bé yêu của bạn sẽ được khám xét tỉ mỉ và chẩn bệnh an toàn.