Tôi cùng hai trai con vào siêu thị. Khi qua quầy bày đồ chơi thằng em chỉ vào bộ lắp ghép bằng gỗ, đòi mua.



- Không được, - tôi trả lời dứt khoát.



“Cứ đòi tiếp đi, khi nào hỏi mua gì mà mẹ chả nói thế”, đi vài bước tôi nghe thằng anh thầm thì vào tai em.


Và tất nhiên suốt thời gian dạo siêu thị thằng em cứ níu chân mẹ đòi mua bộ đồ chơi. Để yên thân, như mọi khi có lẽ tôi đã đồng ý cho nó mua một món nào đó, với giá vừa phải trong hàng vô số đồ chơi hấp dẫn, nhưng lần này thì nhất định không.



Chính câu nói nhỏ của thằng anh đã khiến tôi giật mình. Đúng thế, lâu nay tôi toàn nhượng bộ trước những đòi hỏi của các con. Thằng anh đã phát hiện, nhận ra được điều này và nó đã có kinh nghiệm, không coi trọng lời từ chối của mẹ nữa.



Khi kể cho vài người bạn chuyện này họ cũng có tình trạng như tôi, nghĩa là đều không kiên quyết với đòi hỏi, yêu sách của con dù biết rằng làm thế là không đúng. Chính sự thiếu nghiêm khắc, không nhất quán trong lời nói của chúng ta đã làm tổn hại đến hình ảnh của bố mẹ trong mắt con cái.



Nói không với con là việc không phải dễ. Tâm lý nuông chiều luôn sẵn có trong người bố, người mẹ và khi buộc trả lời “không” nghĩa là ta phải đấu tranh với cả bản năng, với phần cảm tính trong con người mình.




Kỷ luật với con trước hết là kỷ luật với chính bản thân mình.



Khi ta nói không với con nghĩa là cho con thông điệp việc đó sai, không nên thực hiện. Nhưng sau đó ta lại đồng ý. Vậy là ta đang tự mâu thuẫn và làm cho con không phân biệt được đúng sai, lẫn lộn giữa việc nên làm và không nên làm. Cứ thế, một cách hồn nhiên, bọn trẻ tiếp tục sống theo những đòi hỏi, mong muốn cá nhân.



Không ít lần tôi chứng kiến cảnh đứa trẻ ba, bốn tuổi đòi mua đồ chơi, đòi đi chơi, đòi chơi thêm nữa mà không được là lăn ra gào thét, ăn vạ cho đến khi người lớn chịu đồng ý mới thôi. Khuôn mặt đứa trẻ khi được đáp ứng yêu cầu rất hí hửng. Vẻ hí hửng không chỉ được sở hữu món đồ chơi mà còn là sự hưởng thành quả - chiến thắng - với người lớn trước đó. Cảm giác chi phối, sai khiến được bố mẹ với bọn trẻ vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta không kịp nhận ra và chấm dứt. Ở đâu đó ta vẫn có nghe chuyện nhà nọ bố mẹ sợ con. Tâm lý đó chẳng phải là bắt đầu từ những chuyện tưởng như rất nhỏ là ậm ờ, cả nể lúc này sao?



“Nhưng để con lăn đùng ra giữa đám đông vậy, bao nhiêu cặp mặt nhìn vào cũng chả hay ho gì”, một người bạn của tôi tỏ ra lúng túng khi xử lý tình huống.



Tôi trả lời với bạn rằng, bọn trẻ nắm được tâm lý này nên mới bắt nạt bố mẹ. Như thế chúng ta càng nên tận dụng cơ hội để chứng minh cho con thấy thái độ dứt khoát trước những hành vi không đúng. Gặp tình huống tương tự hãy kiên nhẫn kéo con ra khỏi nơi đó và có những biện pháp xử phạt hoặc phân tích thật thuyết phục cho con hiểu.



Quyền uy của bố mẹ thể hiện khi lời nói đi đôi với việc làm. Không chỉ ở chuyện mua đồ chơi hay không mà còn thể hiện trong rất nhiều việc khác nữa. Chẳng hạn như ta bảo con không được chơi ở chỗ nguy hiểm nhưng khi nhìn thấy con chơi ở đó ta vẫn không xử phạt. Ta bảo con phải đi ngủ nhưng con vẫn thản nhiên như không nghe gì và tiếp tục chơi những trò hưng phấn mà ta vẫn bơ đi, mặc kệ… Thái độ bất lực với tư cách làm cha mẹ sẽ khiến con cái mất dần niềm tin và ta cũng đang đánh mất sức mạnh của mình.