Ba tháng sau khi sinh con trai đầu lòng, người bạn thân thiết của tôi gửi cho tôi một tin nhắn ngắn và đơn giản mà khiến tôi không ngừng khóc.


“Bạn là người mẹ tuyệt vời!”.


Chỉ cần như thế thôi. Câu nói vỏn vẹn có sáu từ. Và đó là tất cả những gì tôi muốn nghe, cần nghe, nhưng chưa bao giờ được nghe.




Từ khi làm mẹ, dù mới chỉ trải qua 3 tháng ngắn ngủi, nhưng tôi cảm thấy như thể cả thế kỷ đã trôi qua ngoài kia. Mỗi ngày của tôi kéo dài vô tận, bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng cho đến đêm rất khuya, khi cả nhà đã chìm vào giấc ngủ. Tôi bắt đầu một ngày mới của mình bằng tiếng khóc của con trai nhỏ, bé đòi bú, hẳn rồi. Một cữ bú lúc sáng sớm sẽ đưa bé trở lại với giấc ngủ và tôi có thêm thời gian để làm một vài việc quan trọng.



Nhẹ nhàng trườn khỏi giường, tôi lần mò xuống bếp với chiếc đèn pin để sẵn trên đầu giường. Không nên mở đèn sáng, bởi vì sẽ làm cả nhà thức giấc và mất ngủ. Tôi như một con mèo đi nhẹ nhàng không tiếng động. Việc đầu tiên là đun hai ấm nước: một ấm nước trà cho ông bà và một ấm nước nóng cho con. Mặc dù con tôi bú mẹ, nhưng tôi luôn trữ nước nóng để có thể dùng khi rửa ráy cho con.



Tiếp đến, tôi mang nồi nước dùng đã chuẩn bị từ đêm qua ra để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Chồng tôi thích món nui nấu sườn, nhưng bố mẹ chồng tôi thì chỉ cần đơn giản mì gói hoặc bún suông thì càng tốt. Đặc biệt, mọi người chỉ thích ăn món nóng chứ không thích ăn những món nguội như bánh mì, hay bánh cuốn… Từ khi con đầy tháng, tôi đã xuống nhà chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà, như trước đây tôi đã làm kể từ khi về làm dâu. Có những ngày việc này khiến tôi căng thẳng vì quá buồn ngủ, tôi bị thiếu ngủ, nhưng chồng tôi “nhắc nhở”: “Không lẽ em để mẹ phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà mãi?”. “Sao anh không giúp em ra ngoài mua gì đó về ăn đỡ? Anh không thương em à?”. “Đồ ăn ở ngoài không ngon, bố mẹ không ăn được. Thương em nhưng mà anh thì có biết nấu gì đâu?”. Tôi đành phải lụi cụi dậy từ sau ngày đầy tháng con, khi mẹ chồng bảo với mọi người giữa bữa tiệc: “Hai mẹ con nó cứng cáp rồi đấy, tôi cũng đỡ mệt”.



Bữa sáng chỉ xong khi các phần ăn được chuẩn bị chu đáo trên bàn ăn, cùng với cả đồ tráng miệng. Tôi cũng tranh thủ ăn lạp xạp cho xong bữa, để còn chăm con. Một ngày của hai mẹ con bây giờ mới chính thức bắt đầu.




Con trai là nguồn động viên tinh thần duy nhất của tôi trong gia đình (Ảnh: Internet)




Những ngày đầu mới sinh con, tôi vụng về lóng ngóng vô cùng. Con khóc, tôi cũng không hiểu vì sao mà bé có thể khóc miết như thế. Cứ tỉnh ngủ, việc đầu tiên là thằng bé khóc toáng lên, tôi cứ luống cuống vừa kiểm tra khắp người con, vừa dỗ dành. Mẹ chồng tôi đứng ở đầu giường nhắc: “Xem nó có ướt bỉm không? Không thì cởi vớ chân tay ra xem có bị đau ở chỗ nào không? Hay là do nó nóng quá, quấn chăn vừa thôi nóng chết đi được. Nếu nó vẫn khóc thì chắc là nó đói đấy, cho nó bú đi chứ”. Cứ thế, tôi thấy mình không khác gì con rối, còn người giật dây là bà. Đến bây giờ, khi tôi đã chăm con tốt hơn, bà cũng vẫn giữ thói quen đứng ở đầu giường nhìn hai mẹ con tôi và “điều khiển từ xa”: “Sao lại cho em bú nằm thế, thối tai đấy. Cho em nằm gối thấp thôi, lỡ lật thì không bị nghẹn thở. Thỉnh thoảng phải xoay người cho em chứ, không thì nó nóng/ nó mỏi cổ…”. Tôi chỉ vâng-dạ, nhưng thú thật là stress. Có lẽ, để cho tôi chăm con một mình còn đỡ stress hơn là có bà đứng đó canh chừng.



Tôi ít sữa, thằng bé thì háu ăn. Có lần thiếu ngủ và ăn không đúng bữa khiến tôi gần như bị mất sữa một bên vú, thằng bé bú không đủ thì gào ầm ĩ. Bà đang ở dưới nhà vội vàng chạy lên cũng gào to không kém: “Bế nó lên đi chứ, sao cứ để nó nằm đấy thế? Đã bảo rồi, ngực bé thế kia thì lấy đâu sữa cho con bú, bảo cho nó bú sữa ngoài đi thì không nghe đâu. Bảo bố nó mua sữa về đây…”, rồi bà bế phắt cháu đi, cố dỗ cháu ngủ. Thằng bé không chịu ngủ, vì đói, cứ khóc ngằn ngặt. Hai ông bà cứ vậy ra rả mắng con dâu không biết đường nuôi con. Tôi ngồi trên phòng, khóc như mưa. Thương con, xót xa thân mình. Chồng tôi từ chỗ làm về, mang theo hộp sữa, mấy chiếc bình, vội vội vàng vàng rửa tráng bình và pha sữa cho con. Thằng bé đói quá, tu một hơi hết 120ml rồi lăn ra ngủ. Hôm đấy mắt tôi sưng húp, không bước ra khỏi phòng, chồng cứ hết bế con, lại an ủi. Anh càng an ủi, tôi càng không ngừng khóc…



Tôi yêu con mình vô cùng, một phần cũng vì tôi nghĩ rằng chồng không xót mình, cha mẹ chồng cũng đâu thương mình là con gái như ông bà từng nói, chỉ có con là ruột rà máu mủ, chỉ có con mới thương tôi thôi. Ngày ngày, hai mẹ con loay hoay với nhau, hết ăn, tắm rửa, dọn dẹp, cơm nước, rồi lại quay qua cho con ăn, dọn dẹp… Một ngày trôi qua dài dằng dặc với những việc không tên thui thủi một mình với đứa trẻ ê a. Có lúc, tôi để con nằm ngủ trong phòng, tranh thủ đi giặt vài cái quần áo của con (giặt tay) và phơi đồ cho cả nhà. Con dậy lúc nào chẳng biết, khóc nhòe nhoẹt cả mặt mũi, ói hết cả sữa, dính hết lên mặt, mũi, cổ và quần áo. Trong khi đó, bà nội đang ôm điện thoại buôn chuyện, còn ông thì xem đá banh. Tuyệt nhiên không có ai để ý đến tiếng thằng bé khóc. Tôi xót xa ôm con nước mắt ngắn dài…



Trong nhà, dù tôi vẫn bị coi là vụng, nhưng chỉ có tôi mới có thể cho con bú (sau ngày không đủ sữa cho con, tôi quyết tâm kích sữa lại và tiếp tục cho con bú mẹ). Chỉ có tôi mới kiên nhẫn bế ru con ngủ, thằng bé rất gắt ngủ và tỉnh ngủ. Cũng chỉ có tôi mới dể ý đến việc tã lót, quần áo của thằng bé. Cả nhà, không ai dám tắm cho con tôi, bởi vì “sợ tay ướt bế nó rớt xuống đất mất”. Cả nhà, ngay cả chồng tôi, vô hình chung quy định chỉ có tôi chăm con tốt nhất, nên tôi có toàn quyền chăm con. Anh thì cả ngày có khi chỉ bế con được năm mười phút, chưa bao giờ tắm cho con, chưa bao giờ phải đụng đến cái quần cái áo bẩn của con.



Nhưng công nhận, một ngày quần quật với con nhỏ, việc nhà, cơm nước, dọn dẹp… nhiều khi khiến tôi kiệt sức. Hàng tháng trời, tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày, suốt hai tháng đầu con khóc dạ đề. Đặt mình xuống là tôi chìm vào giấc ngủ, nhưng hễ con cựa quậy là tôi có thể giật bắn mình tỉnh giấc.



Tôi đã từng nghi ngờ về khả năng làm mẹ của mình. Nhưng bây giờ thì khác. Tuy nhiên, tôi vẫn mong chờ một sự hỗ trợ từ chồng, hoặc cha mẹ chồng - dù ít thôi nhưng có tâm là được. Khi nhận được tin nhắn của người bạn tri âm tri kỷ, tôi cảm thấy như được vỗ về như thấu hiểu mọi thứ về cuộc sống làm dâu, làm vợ, làm mẹ của mình; nhưng lại không có cách nào để cho đỡ căng thẳng. Chồng tôi cũng biết tôi quá tải, nhưng anh cũng chẳng có cách nào giúp vợ cả. Anh gia trưởng và lười biếng.



Ai đó đã nói, không có người mẹ hoàn hảo. Tôi cũng không phải người mẹ hoàn hảo, vì vậy tôi cần lắm sự cảm thông, chia sẻ, đôi khi chỉ là bằng một tin nhắn ngắn ngủi vây thôi…