Cuộc đời làm báo nay đây mai đó đã cho tôi không ít trải nghiệm thú vị. Từng đi nhiều nơi, gặp không ít cảnh đời nhưng số phận của những “người cùng khổ” sống lay lắt như ngọn đèn trước gió có lẽ vẫn luôn để lại trong tôi nhiều nỗi niềm nhất. Cuộc gặp gỡ tình cờ với hai bà cháu tội nghiệp giữa đêm mưa phố thị đã khiến lòng tôi day dứt khôn nguôi. Tôi đã lặn lội về tận nơi bà lão sống để mong tìm hiểu về những uẩn khúc cuộc đời bà.



“Ngọn đèn” lay lắt


Cách đây không lâu, vào một đêm mưa gió tầm tã, tôi tình cờ đi qua khu vực khách sạn Daewoo (Kim Mã, Cầu Giấy, Hà Nội). Những cơn mưa hối hả đem theo cái lạnh tê tái của tiết cuối thu khiến dòng người vội vã lao đi trên đường mà không chút bận tâm đến xung quanh. Đằng sau dòng người tấp nập ấy, đập vào mắt tôi là hình ảnh bà lão còng lưng cõng theo một đứa bé, tay vẫn cố cầm đủ thứ lỉnh kỉnh. Hai bóng người ấy cứ lầm lũi địu nhau đi dưới cơn mưa như trút và tiếng sét đùng đoàng. Bắt gặp hình ảnh đó, tôi đi chậm lại, cố gắng dõi theo bước chân khó nhọc, thỉnh thoảng lại lẩy bẩy run lên của bà lão tội nghiệp. Đến trước cửa hàng thời trang NEM, đối diện khách sạn Daewoo, bà lão bỗng nhiên dừng lại, ngồi xuống một góc như đã định trước. Bà bế cháu bé vào lòng mình rồi nhanh tay kéo tấm mùng nham nhở miếng vá đắp cho bé. Hỏi người dân nơi đây mới biết, tối nào cũng vậy, hai bà cháu đáng thương kia lại về “ngôi nhà” vỉa hè của mình ở đây để nghỉ qua đêm.


Tiến gần về phía hai bà cháu, tôi có thể nghe rõ tiếng nghiến răng ken két và tiếng run lẩy bẩy phát ra từ phía đối diện. Bất giác, tôi mường tượng đến hình ảnh một ngọn đèn leo lét và một mầm cây vừa nhú đang phải đương đầu, giành giật sự sống trước gió bão... Bà lão bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của hai bà cháu: “Cháu bé năm nay mới được 2 tuổi. Khi vừa lọt lòng, cả hai bố mẹ nó đã qua đời sau một tai nạn tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Từ đó đến nay, tôi phải thay con trai, con dâu nuôi bé lớn lên”. Đứa bé gày đến mức thảm thương, tóc dài như con gái. Bà lão bảo: “Không có tiền cắt tóc nên để tóc dài cũng được. Đi cắt tóc mất mấy nghìn, có khi bằng cả bữa ăn của hai bà cháu ấy chứ. Cũng may, trời thương cho cháu khỏe mạnh, tuy phải sống cảnh không nhà không cửa nhưng chẳng mấy khi ốm vặt. Có liều cái thân già này tôi cũng phải nuôi nó lớn khôn”.










Ảnh minh họa


Bà lão nở một nụ cười ấm áp như được an ủi: “Nó trông còn nhỏ thế thôi mà thông minh lắm, trước khi hai bà cháu ra khỏi nhà, nó lại xoa xoa vào tấm di ảnh của bố mẹ nói: “Bố mẹ ngoan ở đây chơi nhé. Con đi làm với bà nội đây!”. Nghe cháu nói thế mà bà không cầm được nước mắt, nghĩ thương cho nó, từ lúc lọt lòng đến giờ chưa biết mặt bố mẹ. Hàng đêm, nằm trong vòng tay bà, đứa trẻ ngây ngô hỏi: “Bố mẹ cháu đi đâu sao không về hả bà?”.


Bà bảo: “Con cứ đếm sao trên trời, khi nào đếm hết sao thì bố mẹ sẽ về”. Thằng bé ngây ngô nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm có những vì sao lấp lánh, mỏi mắt đếm từng ngôi sao, đếm mãi đêm này qua đêm khác mà bố mẹ nó vẫn bặt tăm. Sau này lớn lên chắc nó sẽ hiểu.


Bà lão cho biết: “Bé không có quần áo rét, năm ngoái tôi lấy mấy cái áo của mình quấn cho nó đỡ lạnh, còn năm nay tôi phải dành dụm tiền mua áo rét cho nó chứ không lại bị nhiễm lạnh. Mấy hôm nữa trời rét hơn mới đi mua. Có hôm nó lạnh quá, đau bụng quằn quại, chẳng có tiền khám bác sĩ nên tôi phải nằm xoa bụng và kể chuyện đến khi nó ngủ thiếp đi và quên cơn đau”. Ngày ngày hai bà cháu bắt xe buýt từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để kiếm sống. Công việc hàng ngày của bà là đi nhặt vỏ chai hay bất cứ thứ gì có thể bán được cho đồng nát. Ngày nào nhiều lắm cũng được 20 nghìn, ngày ít chỉ dăm bảy nghìn. Bà chỉ dám tiêu 7 đến 10 nghìn một ngày nên cháu bé được ăn cơm trắng, còn bà nhịn hoặc chỉ dám ăn nửa chiếc bánh mỳ.


Ngồi nói chuyện với bà lão một lúc đã đến 1 giờ sáng, tôi liền lấy trong túi ra đồng 200 nghìn đồng biếu bà nhưng bà lão nhất quyết không nhận. Bà lão nói: “Tôi không phải kể khổ để cậu thương hại đâu, bà cháu tôi ngày ngày vẫn đi nhặt vỏ chai, vẫn kiếm được tiền nên không đi ăn xin của ai. Bà cháu tôi cám ơn tấm lòng của cậu nhưng tôi không lấy đâu”. Tôi cố gắng giải thích, đây là tiền biếu bà để mua sữa cho cháu bé nhưng bà vẫn một mực từ chối.


Không thể nhớ nổi tên mình


Ngày hôm sau, tôi trở lại “ngôi nhà” vỉa hè trước khách sạn Daewoo để mong gặp lại bà lão nhưng người dân nơi đây cho biết, hai bà cháu đã về quê ở Vĩnh Phúc. Theo thông tin chỉ dẫn, tôi quyết lặn lội về tận địa chỉ được cho để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình hai bà cháu đáng thương. Mất nửa ngày đường, tôi mới tìm đến được đúng địa chỉ. Nằm sâu tít trong con ngõ chật hẹp, ẩm thấp và hôi hám là một gian nhà xây thô sơ bằng những tấm tôn rách nát, ố vàng, cột lại bằng dây thép, mái lợp nham nhở miếng vá. Ngay lối ra vào giữa khoảng sân chật chội là những sợi dây phơi chằng chịt, oằn xuống bởi sức nặng của đủ loại quần áo cũ mới, của cả đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ nhỏ... Bên dưới nền đất nham nhở xô chậu, gạch ngói, rác rưởi, quần áo bẩn...


Gọi năm, sáu lần không thấy ai trả lời, tôi đánh liều chui qua mớ dây phơi chằng chịt như mạng nhện để vào trong. Ngoài mấy đồ lặt vặt, quần áo bẩn vứt lay lắt, chiếc giường xập xệ giữa nhà và một chiếc ti vi cũ kỹ, căn nhà chẳng còn đồ vật gì đáng giá. Một thanh niên trẻ chừng 20 tuổi đang ngủ lăn lóc trên giường. Cậu này cho biết, từ nhiều năm trước, cậu đã thấy bà cụ lang thang ở phố Núi (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) khi thì bán nước, khi thì nhặt vỏ chai... kiếm sống. Thấy bà cụ gầy yếu, chậm chạp nên cậu hay bắt chuyện, hỏi han. “Rồi một ngày, thấy bà cụ bế về một đứa nhỏ còn ẵm ngửa trên tay bảo là cháu nội. Thấy hoàn cảnh hai bà cháu đáng thương, em cho họ ở nhờ nhà mình. Ban ngày, em đi làm, đến tối mới về. Mà buổi tối thì hai bà cháu thường đưa nhau lên Hà Nội nhặt vỏ chai, mình em ở nhà cũng buồn. Bà đi đâu chẳng bao giờ biết khóa cửa, chỉ khép hờ, thương cụ tuổi già sức yếu, và có người ở cùng em cũng thấy vui hơn”, cậu thanh niên tên Tuấn nói.


Một lát sau, bà lão từ ngoài ngõ đi vào. Có lẽ không nhận ra vị khách hôm trước nhưng bà vẫn nở một nụ cười hiền hậu. Giọng nói bà nghe yếu ớt, khó nhọc như thể âm thanh bị tắc lại trong cổ họng. Tuấn cho biết, trí nhớ của bà gần như không còn, những mảng ký ức xáo trộn, lẫn lộn với nhau về thời gian, không gian. Thậm chí bà còn không nhớ nổi tên mình, tên cháu bé, bà cũng quên luôn. Ngay cả quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình bà cũng không sao nhớ nổi. Bản thân bà cũng không còn bất cứ một loại giấy tờ gì trên người có thể xác minh tên tuổi, quê quán cũng như những người thân trong gia đình.


Tuấn kể lại: “Trước đây em cũng có nghe, sau khi chồng chết, bà cùng vợ chồng anh con trai lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) làm thuê kiếm sống. Hàng ngày cả 3 người đi hái rau, làm cỏ thuê cho các chủ vườn với mong muốn dành dụm tiền mua lấy một “mảnh đất cắm dùi” để ở. Sau đó, cả hai vợ chồng anh con trai bất ngờ thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy, bỏ lại đứa con trai chưa đầy một tháng tuổi. Bà bảo, sau khi vợ chồng con trai bà chết, tất cả mọi thứ quần áo, giấy tờ đều đã đốt theo họ. Còn bản thân bà vốn dĩ vẫn giữ được giấy Chứng minh thư nhân dân nhưng cuối cùng cũng bị thất lạc nốt”. Hiện tại, bà cũng không có bất cứ tin tức hay mối liên hệ nào với họ hàng thân thích, bà con xa gần, cho nên việc xác định thân nhân của hai bà cháu càng thêm khó khăn.


Cậu thanh niên cho biết thêm, tối nào bà cũng đi xe buýt từ Vĩnh Yên lên Hà Nội để nhặt vỏ chai. Hỏi tại sao không đi ban ngày mà lại đi vào buổi tối thì bà bảo: “Ban ngày người ta còn bán hàng, đến tối mới có nhiều vỏ chai để nhặt”. Trước đây bà có một chiếc xe đạp “cà tàng” gửi trên Hà Nội nhưng gần đây chiếc xe bị hỏng nên phải đi bộ. Ngày nào may mắn, bà cũng kiếm được đôi ba chục nghìn, còn ngày bình thường chỉ được 10 – 15 nghìn đồng. Thậm chí có ngày chỉ đủ tiền cho cháu ăn còn bà phải nhịn. Nhiều hôm về muộn, không còn xe buýt nên hai bà cháu phải ngủ lại ở vỉa hè chờ đến sáng hôm sau có xe mới về được nhà. Những hôm phải ngủ ngoài đường phố như vậy, bà thường tìm những chỗ có đèn thật sáng rồi ngồi thức cả đêm trông cho cháu ngủ. Bà bảo: “Không dám ngồi ở chỗ tối. Ngồi chỗ tối bị người ta lấy hết tiền”. Dù muốn hỏi thêm nhiều chuyện nữa nhưng nhưng bà chỉ ôm đầu kêu: “Chưa nhớ được!”. Có lúc, bà lắc đầu, rên rỉ như sắp khóc: “Khổ quá! Tôi không nhớ gì cả!”.


Nhìn cháu bé kháu khỉnh, hồn nhiên chơi đùa bên bà, tôi trộm nghĩ: “Không hiểu tương lai đứa trẻ này sẽ đi về đâu?”. Nhưng có lẽ sẽ rất thiếu vắng những mảng màu tươi sáng trong bức tranh tương lai đó khi mà đứa trẻ chưa có nổi một cái tên. Chính bà cũng không biết bố mẹ của cháu mình đã làm giấy khai sinh cho nó hay chưa. Ngay cả tên bố mẹ nó, bà cũng không thể nhớ. Lặng đi một lúc lâu, như chợt nhớ ra điều gì, bà vội thốt lên: “Hôm trước, có một chú trên Hà Nội bảo sẽ xin cho cháu vào chùa Bồ Đề đấy”...


Theo Hôn Nhân & Pháp Luật