Thấy tội nghiệp quá! Giúp cho trường hợp này không các mẹ ơi? Đã lên báo mong có nhiều người giúp đỡ bé...



Cậu bé bị tàu hỏa nghiến mất chân và cơ quan sinh dục


Cậu bé bị tàu hỏa nghiến mất chân và cơ quan sinh dục


Vô tư bước qua đường tàu hỏa lúc bố đi vắng, mẹ bận trông nồi cám lợn, bé Danh ngụ tại Cam Lâm, Khánh Hòa, vĩnh viễn mất một chân, bộ phận sinh dục và hậu môn cũng bị nghiền nát.


Sự việc tuy xảy ra từ hai năm trước, nhưng đến nay khi nhắc lại cảnh cậu bé chưa đầy 2 tuổi bê bết máu, một chân bị tàu hỏa nghiến mất, bà con trong thôn vẫn chưa hết bàng hoàng.


Bé Danh với một chân còn lại. Ảnh: LQP.


“Tôi đã cố chạy hết sức để cứu bé khi thấy đoàn tàu phanh hết cỡ mà cháu vẫn vô tư bước qua đường ray, song vẫn không kịp. Bé Danh bị hất ra xa, người xanh như tàu lá, bê bết máu, phần thân dưới gần như bị mất chỉ còn một chân. Bà con xúm lại tìm cái chân kia nhưng vô vọng vì nó đã bị nghiền nát”, một người dân sống cùng thôn kể lại.


Nghe tin con bị nạn trong lúc bận đi làm xa, người cha - anh Nguyễn Văn Thi trở về đến nhà thì bé đã được hàng xóm đưa vào bệnh viện. Mất quá nhiều máu, bé Danh được đưa đến bệnh viện Cam Ranh, rồi Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Tổn thương quá nghiêm trọng, bé được chuyển đến tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). Sau ba tháng điều trị trở về, các bác sĩ phải làm cho cháu một đường đi vệ sinh bằng ống suốt đời, kể cả khả năng làm cha cũng không thể.


Anh Thi cho hay, hai năm sau tai nạn, ngoài phần cơ thể bị mất, bé Danh vẫn lớn khôn bình thường như những trẻ khác. Chỉ có điều, chính sự vô tư của em lại khiến người lớn đau lòng.


Chiều nào cũng vậy, khi bé Danh và anh trai từ trường trở về thì căn nhà nhỏ tại thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, lại rộn ràng tiếng trẻ bi bô. Thế nhưng cũng ở chính căn nhà này, mỗi lần thấy cậu trai 4 tuổi một chân lò cò đùa nghịch, vợ chồng anh Thi - chị Anh lại rơi nước mắt.


“Mỗi lần tắm con hoặc thay quần áo cho cháu là mỗi lần tôi khóc. May mà đến lúc này con tôi vẫn chưa nhận ra điều thiệt thòi của mình. Thôi cứ kệ, cháu nó còn vô tư được ngày nào hay ngày đó”, chị Hồng Anh - mẹ bé nghẹn ngào nói.


Chứng kiến sự việc, động lòng trước cảnh “thằng bé có đôi mắt sáng, gương mặt khôi ngô lại phải sống trong cảnh tật nguyền mà bố mẹ lại quá nghèo”, cô Đặng Thị Mỹ Dung, hiệu trưởng Trường mầm non Suối Tân đã nhận bé đến trường, đồng thời vận động bà con giúp đỡ.


“Mặc dù bé vẫn khỏe mạnh, song không cam lòng nhìn thấy cảnh nó cứ cò cò một chân, tôi quyết định kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để gia đình cháu có thể tìm bác sĩ thật giỏi chữa trị. Nếu trị không được thì cũng có tiền để sau này làm chân giả”, cô Dung nói.


Cũng theo cô Dung, trong thôn Vĩnh Phú, gia đình anh Thi - chị Anh thuộc diện nghèo. Anh Thi là lao động chính nhưng tháng cũng chỉ kiếm được hơn một triệu đồng từ tiền đi tiêm thuốc thú y. Chị Anh ở nhà làm nội trợ, trông con, nuôi lợn và chăm sóc mảnh vườn chưa đến một sào đất trồng hoa màu.


“Khéo co kéo lắm thì may ra đủ sống cho cả bốn miệng ăn, còn lại tiền chữa trị hoặc tiền đi tái khám ở Sài Gòn nếu không nhờ bà con giúp đỡ thì xem ra cũng khó”, cô Dung nói.


Độc giả muốn liên hệ với gia đình cháu xin hỏi về: Thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. ĐT anh Nguyễn Văn Thi (bố cháu Danh)0936.159.388